Trẻ được bảo vệ quá mức là trẻ bị tước đoạt quyền.
Khi trẻ lên lớp hoặc vào đại học, cha mẹ phải đối mặt với thực tế rằng, con mình ngày càng trưởng thành. Cha mẹ đột nhiên phải đối mặt với việc buông bỏ sự gắn bó của mình với trẻ.
Làm sao để buông tay?
Khái niệm “buông bỏ” này có thể tạo ra mức độ lo lắng mà hầu hết các phụ huynh chưa chuẩn bị. Nhiều phụ huynh chia sẻ đã trải qua cảm giác buồn và mất mát khi trẻ lớn lên. Thực tế, đến một thời điểm nào đó, phụ huynh cần “phá vỡ” mối liên hệ giữa cha mẹ và con, nhằm thiết lập tính tự chủ và độc lập của trẻ.
Một số sự kiện nhất định trong quá trình phát triển của trẻ đánh dấu thời điểm cha mẹ phải buông bỏ. Đồng thời, hãy cho phép con mình tiến thêm một bước nữa để trở thành người tự do. Cho dù đó là khi trẻ cai sữa, ngày đầu tiên đi học mẫu giáo, sắp vào đại học, hay ngày cưới,... việc buông bỏ cũng có thể khó khăn đối với cha mẹ.
Đặc biệt, việc buông tay trẻ khi con ở tuổi thiếu niên có lẽ là khó nhất. Bởi, cha mẹ ngày càng ít kiểm soát được sự phát triển của con mình. Thậm chí, trẻ cũng sẽ đưa ra quyết định riêng. Trẻ ở tuổi thiếu niên bắt đầu hạn chế phụ thuộc vào cha mẹ.
Không có cách nào để bỏ qua các giai đoạn phát triển của trẻ. Mỗi đứa trẻ đều cần được nuôi dạy theo những cách khác nhau. Hầu hết các phụ huynh đều cố gắng hết sức dựa trên kiến thức, kinh nghiệm và công cụ nuôi dạy con sẵn có. Phụ huynh có thể áp dụng một số phương pháp nếu đang cảm thấy khó khăn trong việc buông tay con.
Phụ huynh cần học cách nhận ra sự khác biệt giữa nhu cầu của con và nhu cầu của chính mình. Đồng thời, cha mẹ hãy đặt ranh giới cho bản thân, tạo cho trẻ không gian để phát triển. Hãy cho trẻ cơ hội để làm chủ nhiệm vụ nào đó và học hỏi từ những sai lầm. Hãy tin tưởng rằng, những giá trị trẻ đã thấm nhuần sẽ giúp hình thành quyết định của con.
Bên cạnh đó, các cha mẹ cần hiểu rằng, mình đã làm hết sức với tư cách là phụ huynh. Đồng thời, thừa nhận rằng, giai đoạn thực hành nuôi dạy con đã kết thúc.
Hãy coi quá trình buông bỏ như một mất mát. Các phụ huynh có thể gặp bác sĩ trị liệu nếu cần thiết.
Khi trẻ trưởng thành, cha mẹ hãy xây dựng một mối quan hệ mới với con mình. Đó là mối quan hệ ít phụ thuộc hơn, với nhiều sự tôn trọng, ngưỡng mộ lẫn nhau. Phụ huynh cũng hãy tôn vinh một thanh niên có năng lực. Ngoài ra, phụ huynh có thể phát triển các hoạt động xã hội, giải trí và chăm sóc bản thân để giúp phân tán sự tập trung vào việc nuôi dạy con.
Cha mẹ cần học cách để trẻ lớn.
“Theo sát” con quá mức
Việc nhận thức được lý do đằng sau việc làm cha mẹ vô thời hạn là một cách tốt để phụ huynh bắt đầu quá trình buông tay con. Hãy phân loại những cảm xúc lẫn lộn khiến không thể buông bỏ. Đó là bước đầu tiên để hiểu và chinh phục một trong những phần khó khăn nhất của việc nuôi dạy con.
Cuộc đấu tranh cảm xúc có thể là do sự phụ thuộc của cha mẹ vào trẻ. Không ít phụ huynh cho biết, họ cảm nhận được sức mạnh của “sợi dây tình yêu thương” giữa cha mẹ và con. Đó là sợi dây mang lại tình yêu, tình cảm và sự đồng hành.
Những phụ huynh này thừa nhận, mối ràng buộc đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng buông tay trẻ. Đồng thời, gây ra xung đột cảm xúc và gián đoạn trong cuộc sống cá nhân cũng như nghề nghiệp của các cha mẹ.
Phụ huynh cần nhận ra những dấu hiệu cho thấy sự phụ thuộc vào mối quan hệ với con. Một trong số đó là sự chậm trễ trong việc tìm người trông trẻ. Những phụ huynh này cũng thường quá chú trọng vào việc quan sát trẻ ở mầm non, hoặc trường học. Họ đồng thời không thể giao lưu hoặc đi công tác xa trẻ trong thời gian dài.
Ngoài ra, một số phụ huynh có thể trì hoãn việc để trẻ ngủ riêng. Thậm chí, các cha mẹ có thể gặp xung đột về nghĩa vụ đối với nghề nghiệp hoặc cam kết thay đổi công việc, khi quá trình chăm sóc trẻ hoặc nuôi con bằng sữa mẹ bị gián đoạn.
Không ít phụ huynh đã trải qua những xung đột đó, đặc biệt là các bà mẹ. Những trường hợp này thường xảy ra nhiều nhất trong giai đoạn phát triển đầu đời của trẻ. Khi phải buông tay trẻ, cha mẹ sẽ có cảm giác tội lỗi, mâu thuẫn và đấu tranh nội tâm.
Sự thật là, không có tình yêu nào khác sánh được với tình yêu của người cha hoặc mẹ dành cho con. Không gì có thể thay thế được sợi dây gắn kết với việc chăm sóc và bảo vệ đứa trẻ đó. Vì vậy, cha mẹ đang hành xử vì tình yêu thương. Điều đó tạo nên sợi dây tình yêu mãnh liệt, khó có thể phá vỡ.
Không có gì lạ khi các cha mẹ gặp khó khăn trong việc buông tay để cho phép trẻ tự lập. Không có gì lạ khi một người cha, người mẹ trải qua một “cơn bão” cảm xúc và tình yêu thương khi thiếu niên của mình bước vào đại học.
Không ít phụ huynh thường xuyên lo lắng và đặt câu hỏi như: Liệu trẻ có đang ổn không? Chúng ta đã quên một cái gì đó? Trẻ đã có đủ tiền mặt chưa?... Ông Phillip Hodson - thành viên của Hiệp hội Tư vấn và Trị liệu Tâm lý Anh cho biết, một đứa trẻ được bảo vệ quá mức là đứa trẻ bị tước đoạt quyền, nếu chúng đang trong giai đoạn phát triển.
“Có bằng chứng cho thấy, bộ não của chúng ta không suy nghĩ khách quan cho đến ít nhất là 25 tuổi. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, sẽ hoàn toàn bình thường nếu con chúng ta không chắc chắn về bản thân ở độ tuổi 20. Tuy nhiên, các bằng chứng cho thấy, một môi trường nghiêm khắc có khả năng huấn luyện bộ não chưa phát triển này đưa ra hành động có mục đích tốt ngay từ những năm đầu thanh thiếu niên”, ông Hodson chia sẻ.
Ông Hodson nhấn mạnh, trẻ em cần trở thành những người ra quyết định độc lập, học hỏi từ sai lầm và thất bại của chính mình. Bởi, cha mẹ không thể theo sát trẻ đến hết cuộc đời.