Mang thai 29 tuần bỗng nhiên mê man bất tỉnh - biến chứng thai kỳ mẹ nào cũng phải cảnh giác

Một bà mẹ 24 tuổi đã không may rơi vào tình trạng nguy hiểm ở tuần 29 của thai kỳ khiến cô hôn mê sâu suốt 10 ngày và con sinh non khi chưa đầy 1kg.

Claire Winnett, 24 tuổi, đến từ Doncaster (Anh). Thai kỳ của Claire hoàn toàn bình thường cho đến tuần thai thứ 29, cô cảm thấy tay mình bắt đầu run rẩy không kiểm soát được. Chồng cô đã đưa đến Bệnh viện Hoàng gia Doncaster để chụp MRI. Tại đây, bác sĩ phát hiện một vết thương chảy máu trên não.

Claire và chồng.

Các bác sĩ cho biết, Claire đã bị đột quỵ và chẩn đoán cô bị tiền sản giật, một tình trạng có xu hướng xảy ra trong nửa sau của thai kỳ. Ngay sau đó, cô đã được chuyển đến Bệnh viện Royal Hallamshire của Sheffield để điều trị chuyên khoa. Các bác sĩ phát hiện ra huyết khối tĩnh mạch sâu, cục máu đông và chảy máu trên não đã gây ra đột quỵ.

 

Adam đứng trước nguy cơ mất cả vợ và con gái. "Tôi đã rất sợ hãi. Thật lòng tôi không nghĩ Claire sẽ làm được khi bác sĩ nói rằng cô ấy có thể không vượt qua được cuộc phẫu thuật", người chồng nhớ lại.

Sau khi cuộc phẫu thuật kết thúc, em bé Sienna nặng chưa đến 1kg, nhỏ xíu được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt. Claire được đưa vào phẫu thuật cắt bỏ một phần hộp sọ nhằm giảm áp lực và cắt bỏ cục máu đông.

Em bé chào đời ở tuần 29 khi chưa đầy 1 kg.

Cô đã hôn mê 10 ngày. Trong khoảng thời gian đó, chồng của cô, Adam Jones, 30 tuổi, liên tục qua lại giữa hai phòng chăm sóc đặc biệt của vợ và con gái.

Claire hôn mê sâu suốt 10 ngày.

Cả 2 mẹ con đều phải nằm viện hai tháng. Claire hầu như không thể cử động khi tỉnh dậy sau cơn hôn mê cuối cùng đã có thể bế con gái mình đặt trên ngực lúc 12 ngày tuổi.

Cô nói: "Điều đó hoàn toàn khủng khiếp. Tôi cảm thấy bị mắc kẹt trong chính cơ thể mình khi tỉnh dậy. Tôi không thể di chuyển được".

"Bác sĩ nói cả hai mẹ con có thể đã chết, nhưng trước khi có thể phẫu thuật cho tôi, họ muốn cứu con tôi. Cả hai chúng tôi đều may mắn sống sót. Thật hiếm khi điều này xảy ra trong thai kỳ. Nhưng tôi không biết sẽ mất bao lâu trước khi tôi có thể di chuyển bình thường hoặc đi lại được".

Hiện tại, bà mẹ này đã thực hiện được một số chuyển động ở đầu, cổ và tay, trong khi Sienna giờ nặng gần 7kg. Gần đây cô đã bắt đầu cử động các ngón chân và dự kiến sẽ có thể hồi phục hoàn toàn.

Cô sẽ được phẫu thuật và theo dõi trong 6 tháng tới đẻ ghép xương củng cố phần xương sọ.

Claire sẽ được phẫu thuật và theo dõi trong 6 tháng tới đẻ ghép xương củng cố phần xương sọ.

Nhớ về quãng thời gian kinh hoàng đó, Claire nói: "Tôi cảm thấy như thế giới đã sụp đổ khi tôi nhận ra mình bị đột quỵ. Tôi không thể tin được. Nhưng may mắn là Sienna đã đến được với thế giới này. Tôi không biết mình sẽ làm gì khi không có con bé. Con bé đang giúp tôi mạnh mẽ hơn. Tôi muốn được chơi với con gái mình".

Tiền sản giật là biến chứng do nhiễm độc thai nghén, chiếm tỉ lệ 6-8% số phụ nữ mang thai. Tiền sản giật thường xảy ra sau tuần lễ thứ 20 của thai kỳ và biến mất hoàn toàn sau sinh. Tuy nhiên, tiền sản giật có thể xuất hiện sớm hơn, trước tuần thứ 20 của thai kỳ, trong những trường hợp đa thai và thai trứng. Tiền sản giật xảy ra trước tuần thứ 28 thường diễn tiến nặng hơn là các rối loạn xảy ra sau tuổi thai này.

Tiền sản giật thường xuất hiện ở những thai phụ mang thai lần đầu, phụ nữ béo phì, có bệnh như bệnh thận, bệnh basedow, bệnh tiểu đường, thai trứng, có bệnh lý mạch máu từ trước…

Hậu quả của tiền sản giật

Tiền sản giật có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho người mẹ và thai nhi.

 

Với mẹ: Tiền sản giật có thể khiến người mẹ bị tổn thương gan, thận, suy tim, suy hô hấp, tai biến mạch máu não, chảy máu (máu chảy không cầm được hay co giật khi chuyển dạ)…

Với thai nhi: làm thai nhi chậm phát triển, suy thai, thậm chí thai chết lưu..

Nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến biến chứng rau bong non, phù phổi, xuất huyết não, rối loạn tâm thần cho mẹ hoặc tử vong cho cả mẹ và con.

 

Theo Helino

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU