Nỗi khổ tâm của các bà mẹ khi con bước vào giai đoạn ăn dặm đó là rất nhiều bé biếng ăn, luôn phản kháng dữ dội với những món ăn ngon lành mà mẹ cất công chế biến, đặc biệt là có những em bé còn nói không với cơm, cháo. Chị Thùy Trang (22 tuổi, hiện đang sống ở Hà Nội) cũng đã từng khổ tâm rơi vào trường hợp này khi có cậu con trai "ăn cả thế giới trừ cơm". Bất đắc dĩ, cuối cùng chị Trang đã phải nghĩ cách để luyện con ăn cơm. Sau một tháng, chị đã mừng rớt nước mắt khi thấy con cầm từng nắm cơm ăn ngon lành.
Bé Mon hiện hơn 9 tháng tuổi và đã ăn cơm rất ngon lành. |
Tâm sự với chúng tôi, chị Trang nói: "Bé Mon nhà mình ngay từ đầu khi ăn dặm đã không ăn cơm, cháo hay tất cả những thứ từ gạo. Dù mình đã thử tất cả các phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, ăn dặm truyền thống nhưng bé đều không hợp tác. Con thấy có cơm, cháo là một hạt cũng nhè ra. Ấy thế nhưng những thứ khác thì con vẫn ăn rất ngon lành. Vậy nên mình đã phải cho con ăn dặm theo phương pháp ăn dặm tự chỉ huy (BLW). Mình không ép con ăn cháo, nhưng khi nhìn con ăn ngon lành tất cả những thứ khác trừ cơm, cháo, mình vẫn thấy không ổn".
Chị Trang chuẩn bị bữa ăn cho con tương tự như bữa ăn của người lớn, ngoại trừ bỏ gia vị và hạn chế dầu mỡ. |
Chị Trang cũng chia sẻ rằng chị cố gắng luyện con ăn cơm vì muốn con sau này có một cuộc sống cân bằng, không bị tách biệt trong cộng đồng, môi trường xung quanh. "Đành rằng ở nhà một mẹ một con thì thế nào cũng được. Nhưng mình không thể vì chiều theo con mình mà làm khổ người khác. Ví như khi con đi học, con cũng không thể một mình ăn riêng một chế độ không có cơm. Tương lai con đi làm, đi giao lưu hoặc sinh hoạt trong môi trường tập thể thì việc con kén ăn, không ăn tí cơm nào là một điều thiệt thòi và rắc rối".
Những bữa ăn BLW hoàn toàn được mẹ chuẩn bị thêm những nắm cơm vừa tay, vừa miệng với con. |
Với suy nghĩ như vậy nên dù đã có khoảng thời gian tôn trọng con, để con ăn bánh mì, nui, bún, mì, phở, bánh hạt, sữa hạt... để bổ sung tinh bột cho con, nhưng chị Trang vẫn quyết tâm điều chỉnh, luyện cho con ăn cơm. Khi bé Mon được 8 tháng, mẹ bắt đầu thực hiện "chiến dịch" và sau khoảng 1 tháng thì thành công. Hiện tại bé Mon hơn 9 tháng tuổi, đã có thể cầm những nắm cơm ăn rất gọn gàng, sau đó mới ăn đến các món khác. Đến bữa là bé ngồi vào bàn ăn cùng cả nhà, có khi mẹ dọn cơm mà chưa kịp cho ra bàn ăn là bé còn khóc ầm ĩ đòi ăn. Thành công này khiến chị Trang rất mãn nguyện.
Chia sẻ cách làm của mình, chị Trang cho rằng: "Đầu tiên, mình chia cữ ăn rõ ràng. Vì con ti mẹ trực tiếp nên mình cho bé bú bất cứ khi nào con muốn, tuy nhiên sẽ giãn chia cữ ở các bữa chính. Mình cho con ti no và đi ngủ, cách bữa ăn 2h. Trong khoảng thời gian đó không cho con ti thêm hay ăn thêm gì, kể cả bữa phụ cũng cách bữa chính 2,5h. Sau khi ăn tối thiểu 30 phút mình mới cho con ti (trong trường hợp con bỏ bữa và đói quá). Nếu con không bị đói quá thì khoảng 1h sau mới cho con ti".
Bé Mon khi được khoảng 8 tháng tuổi. |
"Thứ nữa là, mỗi bữa ăn của con sẽ chuẩn bị một phần cơm nắm. Mình đưa nắm cơm cho con đầu tiên, để con cắn, con nghịch, con vầy hết nắm cơm đó thì mới cho con món khác. Mỗi bữa ít nhất cho con ăn được 1 xíu xiu cơm, khoảng vài ba hạt. Dù trong thời gian dài con có ném cơm, chống đối không ăn cơm nhưng mẹ cũng phải kiên trì lặp lại vào các bữa sau để con hiểu rằng cơm là món ăn chính của bữa ăn. Con sẽ làm quen với cơm trong thời gian đủ dài, dần dần vì đói, vì không được đáp ứng các món khác nên sẽ buộc phải ăn cơm. Với bé Mon nhà mình, sau khoảng 1 tháng như thế, con bỗng nhiên ăn gọn gàng, sạch sẽ một nắm cơm ngay khi mẹ mang ra vì con đói".
Với cách làm như trên, bé Mon đều ăn hết một nắm cơm nhỏ và thức ăn. Món xôi bé cũng ăn rất ngon lành. Thái độ của bé với đồ ăn rất tích cực, vui vẻ và hào hứng. Chị Trang cũng bật mí cách nắm cơm của mình: "Mình lấy ruốc cá hồi/ruốc tôm thịt/rong biển cho vào bát, thêm một chút dầu olive, rồi lấy một chút cơm nát bỏ vào, tán hơi nhuyễn dẻo ra. Sau đó mình dùng găng tay (hoặc rửa sạch tay), thoa chút dầu olive cho đỡ dính rồi nắm chặt lại đưa cho con. Phương pháp này có thể áp dụng với các loại đồ ăn khác khi bé kén ăn hoặc không chịu ăn một món gì đó".
Bình thường Mon là một cậu bé rất hay cười. |
Chị Trang cũng chia sẻ thêm rằng, ngay từ khi mới cho con ăn dặm, chị đã chủ trương không ép con ăn, chỉ cần con thấy vui vẻ khi ăn. Chị không quan tâm lượng ăn của con nhiều hay ít, tuân thủ nguyên tắc để con tự chỉ huy nên con ăn đến khi muốn dừng bữa, mẹ luôn tôn trọng con. Khi đến bữa, chị không cho con ăn rong, không ti vi điện thoại, không nài ép quát nạt... Mỗi giờ ăn đều là khoảng thời gian vui vẻ của 2 mẹ con, dù rằng khá bừa bộn đi nữa. Vậy nên khi luyện cho con ăn cơm, chị vẫn quyết giữ vững các nguyên tắc này. Mẹ chỉ đóng vai trò điều chỉnh, tạo cho con cơ hội được đói và được thèm cơm.
Theo sohuutritue.net.vn