Tin nhắn của ông bà và mẹ bỉm
Ai cũng hiểu rằng ông bà yêu thương và chỉ muốn bảo vệ cháu mà thôi, tuy nhiên sự mâu thuẫn, không nhất quán giữa các thành viên trong gia đình trong việc chăm sóc con sẽ đem đến những hệ lụy khôn lường. Trong khi ba mẹ ra sức dạy dỗ thì ông bà chỉ chiều chuộng, trẻ cũng vì thế mà ỷ lại, luôn bám víu vào ông bà để trốn tránh ba mẹ. Về lâu về dài, đứa trẻ sẽ hình thành tính xấu, khó mà sửa đổi.
Vậy nên làm thế nào khi sống cùng ông bà?
1. Không phó mặc con cái hoàn toàn vào ông bà
Ông bà chỉ đóng vai trò phụ giúp, chăm lo ăn uống, giúp đỡ phần nào trong việc chăm sóc trẻ. Bố mẹ vẫn là người có trách nhiệm hàng đầu đối với con. Trẻ luôn là tờ giấy trắng ''hấp thụ'' những tác động tiêu cực lẫn tích cực từ lời nói, hành vi, năng lượng của người chăm sóc hàng ngày.
Đến 10 tuổi, hầu như tính cách và những thói quen cơ bản của trẻ đã hình thành. Nếu bố mẹ phó mặc việc chăm sóc lẫn dạy dỗ trẻ cho ông bà, về lâu dài sẽ có khả năng trẻ không xem bố mẹ là tấm gương cũng không nghe lời bố mẹ nữa. Từ việc mất kết nối với bố mẹ, trẻ bắt đầu tỏ ra ương bướng, có hành vi sai trái hoặc thói quen xấu rất khó để sửa.
Ngoài ra, việc đẩy trách nhiệm cho ông bà hoàn toàn còn vô tình gieo vào tâm trí trẻ suy nghĩ vô trách nhiệm. Trẻ sẽ nghĩ bố mẹ là người sinh ra mình nhưng không quan tâm chăm sóc mình, sau này mình cũng sẽ như thế. Vậy là một cái vòng lặp lại tiếp tục diễn ra!
2. Trò chuyện với ông bà về quan điểm nuôi dạy con và kiên định giữ vững lập trường
Tốt nhất là nên có một cuộc họp gia đình để bố mẹ chia sẻ quan điểm nuôi dạy con của ông bà. Nếu không, bạn có thể tìm cách để trò chuyện với ông hoặc bà, với người nào có tâm thế cởi mở hơn trong nuôi dạy trẻ.
Bố mẹ cũng nên nói rõ về những vấn đề liên quan đến chăm sóc con với ông bà. Ví dụ như không xem tivi trong lúc ăn cơm, không ăn bánh kẹo, bim bim trước bữa chính... Khi trẻ làm sai thì phải hướng dẫn chứ không quát mắng hay đòn roi, càng không bao che, dung túng để trẻ tiếp tục làm sai. Trò chuyện cởi mở trước về tất cả vấn đề sẽ giúp hạn chế xung đột (nếu có).
Thay vì chê trách ông bà không làm tốt việc chăm sóc cháu, bố/mẹ có thể sử dụng chiêu ''lạt mềm buộc chặt'' như mua quà cho ông bà dù không phải dịp lễ Tết, nói lời cảm ơn ông bà đã vất vả chăm cháu. Hoặc cuối tuần đưa trẻ ra ngoài chơi để ông bà có thời gian nghỉ ngơi, nuôi dưỡng sở thích cá nhân của mình.
3. Tạo dựng lòng tin
Khi sống chung một nhà, việc mâu thuẫn giữa hai thế hệ là khó tránh khỏi. Với quan điểm ''trứng không thể khôn hơn vịt'', ông bà luôn cho rằng cách chăm sóc đến dạy dỗ của mình là đúng đắn. Hay nói thẳng ra là ông bà KHÔNG TIN TƯỞNG bố mẹ có thể chăm sóc và dạy trẻ tốt hơn mình.
Do đó, bản thân bố mẹ phải trở nên uy tín trong lòng ông bà. Uy tín ở đây được hiểu là:
- Có thu nhập tốt và đảm bảo điều kiện chăm sóc trẻ cơ bản nhất.
- Đọc sách, học các khóa nuôi dạy trẻ và cho ông bà biết bản thân có đầu tư thời gian, công sức để làm cha mẹ tốt. Hoặc nếu được có thể cho ông/bà tham gia cùng các lớp học này.
- Đặt ra ranh giới và giữ vững ranh giới về việc nuôi dạy trẻ. Ví dụ như là chỉ nhờ ông bà cho ăn lúc bố mẹ bận hoặc trông trẻ trong khi bố mẹ đi làm. Khi bố mẹ ở nhà thì ông bà nghỉ ngơi hoặc làm việc của mình. Việc dạy trẻ là nhiệm vụ của bố mẹ, đề nghị ông bà không can thiệp vào.
- Nhiều thế hệ ông bà có quan điểm rất cởi mở, tiếp thu cái mới và tôn trọng lối sống cũng như quan điểm dạy cháu của con. Nếu ông bà thuộc tuýp như vậy, nhiệm vụ của bố mẹ là nhẹ nhàng bày tỏ ranh giới, các quy định chăm sóc và dạy trẻ trong gia đình và đề nghị ông bà tuân thủ là được.