Vừa về làm dâu tôi đã thân thiết ngay với mẹ chồng. Chung quy cũng bởi tôi và mẹ đều phải gồng mình "chiến đấu" với một người. Người đó chẳng ai xa lạ mà chính là bà nội chồng. Mẹ chồng tôi lúc nào cũng than thở sống không nổi với bà. Từng có lúc mẹ nghĩ đến việc bỏ chồng con vì tính khí bà thất thường, chua ngoa và ki bo quá.
Bà nội chồng sinh ra và lớn lên trong thời khó khăn nên tính tiết kiệm như ăn sâu vào máu rồi.
Khi mới về làm dâu tôi cũng thắc mắc vì sao trong căn nhà 4 lầu khang trang lại có một phòng rộng gấp đôi các phòng khác dành riêng cho một cụ già đã hơn 80. Chồng tôi vừa trả lời vừa cười khanh khách: "Cho bà thoải mái để dành". Tôi càng thắc mắc hơn. Để dành cái gì? Không lẽ bà để dành vàng bạc của cải nhiều đến độ phải xây riêng một phòng?
Sau này tôi mới té ngửa khi biết đó là phòng để bà để dành túi nilon. Chẳng là tôi đi chợ về thường vứt túi vào sọt rác hết. Vậy mà chừng hai ngày sau lại thấy một hàng túi được giặt sạch sẽ phơi trên hàng rào sau nhà. Rồi số túi đó lại biến mất.
Mẹ chồng tôi lúc nào cũng than thở sống không nổi với bà nội. (Ảnh minh họa)
Mẹ chồng tôi bảo bà cụ tiếc nên nhặt hết lại giặt giũ rồi đem cất. Hồi trước bà nhét đầy nhà nên mẹ mới dành riêng một phòng cho đỡ bừa bộn. Thỉnh thoảng mẹ lại phải lén gọi người đến bán bớt cho đỡ bốc mùi. Lúc này tôi mới vỡ lẽ hóa ra đó là gia tài của cụ.
Hồi đầu, cụ hay tìm cách nói chuyện với tôi lắm. Cứ tối cụ lại lọ mọ chống gậy lên tầng 2 vào phòng tôi để nói chuyện. Cụ kể đủ thứ chuyện trên trời dưới đất mãi tới khuya. Chồng tôi thấy vậy bảo tôi xuống phòng cụ chơi cho cụ khỏi lên xuống đỡ mệt mỏi. Tôi cũng nghe theo.
Vậy mà tối hôm trước xuống phòng cụ chơi, tờ mờ sáng hôm sau đã nghe cụ la lên là mất hai cây vàng giấu dưới gối. Tôi hoảng hồn vì tối qua mình nằm ngay trên giường cụ. Ấy thế mà nhà chồng tôi dửng dưng trước một chuyện lớn như vậy cứ như chẳng có chuyện gì xảy ra. Mẹ chồng tôi còn bảo tôi cứ đi làm, mọi chuyện cứ để mẹ lo. Chồng tôi thì lôi tôi đi làm từ sớm. Thắc mắc thì anh nói: "Bà diễn trò cho vui nhà vui cửa ấy mà. Em không phải bận tâm lắm đâu".
Quả nhiên tối đó cụ lại lên phòng tôi thanh minh là cụ cất trong tủ rồi mà quên. Lát sau cụ xuống thì mẹ chồng tôi lên nói hồi kia mẹ cũng bị như vậy mấy lần. Có lần ức quá mẹ bỏ nhà đi mấy tháng. Giờ mẹ quen nên chỉ cần hù bà cụ vài câu là cụ sợ ngay. Mẹ còn nói thêm cụ làm thế để phủ đầu tôi trước thôi và nhắc tôi ít xuống phòng cụ và cũng đừng tùy tiện ngồi hay nằm ở đó. Sau việc đó, tôi sợ đến mức chẳng còn vào phòng cụ nữa.
Vừa về làm dâu, tôi và mẹ chồng đã đứng cùng chiến tuyến vì phải chung tay chống lại một người - Ảnh 2.
Nhà có giúp việc, lại có máy giặt nhưng người giặt quần áo cụ lại chính là tôi. (Ảnh minh họa)
Nhà có giúp việc, lại có máy giặt nhưng người giặt quần áo cụ lại chính là tôi. Chẳng phải vì cụ mặc gấm vóc thượng hạng gì cho cam nhưng cụ lại muốn nhắc tôi rằng tôi đang làm dâu đấy, phải biết bổn phận của dâu con. Càng không thể hiểu cụ chỉ quanh quẩn ở nhà hoặc sang hàng xóm chơi mà một ngày thay những 3 bộ đồ. Ngày nào tôi cũng phải giặt tay rồi phơi gọn gàng cho cụ nếu không muốn cụ bỏ ăn.
Nhưng bực nhất vẫn là chuyện cụ hạn chế việc đi chơi của tôi đến mức tối đa. Cứ mỗi lần thấy tôi và chồng thay quần áo là cụ lại đưa ra đủ lí do để bắt ở nhà. Mới đầu là đường xá bụi bặm, ăn ngoài không tốt. Sau là cụ mệt muốn cháu đích tôn ở nhà với cụ. Rồi mỗi khi tôi định về ngoại là cụ giả bệnh nằm rên hừ hừ để níu chân. Cũng may có mẹ chồng tôi đứng ra giải quyết giúp nên vợ chồng tôi mới đi được vài lần.
Hiện giờ tôi đang có kế hoạch ra riêng cho thoải mái. Mẹ chồng tôi cũng ủng hộ việc này. Nhưng mới đề cập đến là cụ lại giận tím mặt rồi bệnh mấy ngày. Suốt ngày toàn rên: “Để tao chết đi cho tụi nó sung sướng thoải mái. Tao khổ cả đời mà tụi nó không hiểu còn đòi ra riêng để tránh mặt bà già này. Nó muốn cướp thằng cháu đích tôn nhà này ấy à?”. Tôi nghe đến mệt mỏi. Ai có cách gì giúp tôi thuyết phục cụ thì bày mưu tôi với?