Mẹ có biết: Nguy cơ nếu nghiền nhỏ thuốc để uống

Một số dạng thuốc mới hiện nay chứa một liều thuốc lớn và thường được bào chế đặc biệt để phóng thích từ từ lượng thuốc trong suốt 24 giờ. Nếu tháo vỏ nang hoặc nghiền viên thuốc để uống, toàn bộ lượng thuốc này sẽ phóng thích và hấp thu một cách ồ ạt trong cơ thể, gây ra hiện tượng quá liều, có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Trong điều trị, có rất nhiều người bệnh không thể uống được các thuốc dạng rắn như người cao tuổi, bệnh nhi hay người bệnh có đặt ống sonde dạ dày…

Do vậy, họ thường bất đắc dĩ phải nghiền nhỏ hoặc bẻ đôi viên thuốc hoặc mở nang thuốc lấy bột thuốc bên trong cho dễ uống mà không hề nhận thức được rằng việc làm này có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe.

Nghiền thuốc gây hậu quả gì?

Việc nghiền, bẻ hoặc tháo vỏ nang thuốc xem chừng như vô hại nhưng lại có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe người bệnh.

Ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị: Khi một thành phẩm thuốc ra đời, các nhà bào chế đã tính toán sao cho thuốc được giải phóng, hòa tan và hấp thu một cách tối ưu trong cơ thể.

Khi mở nang, nghiền thuốc, người bệnh tự ý chuyển thuốc thành dạng bột tức là đã vô tình làm thay đổi dạng bào chế của viên thuốc, làm ảnh hưởng đến tác dụng dược lý cũng như sinh khả dụng của thuốc. Từ đó làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị của thuốc hoặc gây ra các tác dụng không mong muốn.

Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với các thuốc có phạm vi điều trị hẹp như phenytoin, digoxin, carbamazepine, theophyline, hoặc valproate natri. Bên cạnh đó, còn có thể gây biến đổi hoạt chất, làm giảm hoặc mất tác dụng điều trị của thuốc.

Bẻ hay nghiền thuốc có thể làm tăng khả năng hấp thu, gây hại sức khỏe.

Gia tăng các rủi ro về tác dụng phụ: Một số dạng thuốc mới hiện nay chứa một liều thuốc lớn và thường được bào chế đặc biệt để phóng thích từ từ lượng thuốc trong suốt 24 giờ. Nếu tháo vỏ nang hoặc nghiền viên thuốc để uống, toàn bộ lượng thuốc này sẽ phóng thích và hấp thu một cách ồ ạt trong cơ thể, gây ra hiện tượng quá liều, gia tăng tác dụng có hại phụ thuộc liều của thuốc thậm chí gây ngộ độc, nguy hiểm đến tính mạng.

Tuyệt đối không được bẻ, ghiền viên thuốc

Thuốc giải phóng dược chất kéo dài: Đây là dạng thuốc được thiết kế thành nhiều lớp hoặc có khung trơ (matrix) để phóng thích dược chất một cách từ từ trong suốt thời gian di chuyển trong ống tiêu hóa giúp cho tác dụng của thuốc kéo dài trong suốt 12 giờ, 24 giờ, hoặc dài hơn.

Việc bẻ hay nghiền dạng viên này có thể dẫn đến quá liều, gây ra các tác dụng có hại của thuốc. Đối với dạng thuốc này, lưu ý các kí tự viết tắt sau tên thuốc sẽ cho biết dạng thuốc như “phóng thích dược chất kéo dài” hoặc “cho tác dụng chậm, cho tác dụng lặp lại, cho tác dụng kiểm soát”.

Các kí tự này là: CD, CR, ER, LA, PA, SR, XL, XR, retard, TD. Ví dụ như một số biệt dược sau: Glucophage XR (metformin), SaVi Trimetazidine MR (trimetazidine), Adalat LA (nifedipine), Duspatalin retard (mebeverine). Tuy nhiên, cũng có nhiều tên thuốc không có ký hiệu để nhận biết như: Aggrenox (aspirin và dipyridamole), Pentasa (mesalamine), Plendil (felodipine), Nitromint (nitroglycerin).

Đặc biệt, dạng thuốc này chứa hàm lượng cao hơn dạng thuốc thông thường nên bên cạnh việc không bẻ hay nghiền viên còn phải dùng đúng số viên, số lần trong ngày theo chỉ định của bác sĩ. Nếu dùng sai có thể gây quá liều nguy hiểm.

Thuốc bao tan trong ruột: Đây là dạng thuốc được bào chế để thuốc đi qua dạ dày ở dạng nguyên vẹn, chỉ tan ở phần đầu ruột non và phóng thích dược chất ở ruột. Mục đích của thuốc bao tan trong ruột là ngăn ngừa dược chất phóng thích ở dạ dày, gây hại cho niêm mạc dạ dày (như viên nén bao tan ở ruột aspirin pH8, các viên bao diclofenac, naproxen), ngăn ngừa dược chất bị phân hủy bởi acid dịch vị (như pancreatin, erythromycin, omeprazole) hoặc trì hoãn sự khởi đầu tác dụng để đến được một vị trí điều trị cụ thể trong đường tiêu hóa (ví dụ sulfasalazine trong điều trị bệnh Crohn).

Như vậy, đối với thuốc viên bao tan trong ruột, rất cần uống nguyên vẹn cả viên, không được bẻ nhỏ, kể cả nhai, ngậm.

Thuốc ngậm dưới lưỡi: Thuốc loại này không được nghiền, bẻ nhỏ mà phải giữ nguyên vẹn để đặt dưới lưỡi và ngậm cho tan. Bởi nếu bẻ nhỏ, nghiền nát sẽ phá vỡ và làm hỏng dạng thuốc. Ví dụ như các thuốc isosorbide dinitrate, ergotamine.

Thuốc sủi bọt: Đây cũng là dạng phải giữ nguyên viên, thậm chí phải bảo quản thuốc thật tốt để tránh thuốc hút ẩm và chỉ uống sau khi hòa tan trong lượng nước vừa đủ để sủi bọt và tan hoàn toàn. Không bao giờ được bẻ nhỏ viên sủi bọt hoặc bỏ nguyên viên vào miệng uống.

Thuốc chứa dược chất rất đắng hoặc có mùi vị khó chịu: Thông thường nhà sản xuất sẽ bao những viên thuốc này với vỏ bao đường để che lấp mùi vị, giúp người bệnh dễ uống hơn. Nếu bẻ nhỏ, nghiền nát, bệnh nhân sẽ không chịu được vị đắng khó chịu của dược chất. Các thuốc này bao gồm: penicillin V, cefuroxime, berberine, ciprofloxacin, trazodone. Hoặc các loại thuốc gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa như alendronate cũng không nên bẻ hay nghiền viên.

Thuốc chứa dược chất có nguy cơ gây hại cho người tiếp xúc: Là các thuốc điều trị ung thư, thuốc gây độc tế bào, thuốc ức chế miễn dịch, các thuốc hormon, nếu nghiền hay bẻ viên thuốc có thể gây độc cho người bệnh hoặc nhân viên y tế hít phải những phân tử thuốc phân tán trong không khí. Một số thuốc khác như diflunisal, piroxicam, mibefradil nếu tiếp xúc với da hoặc niêm mạc sẽ gây kích ứng. Thậm chí các thuốc như finasteride, dustasteride nếu đi vào cơ thể phụ nữ mang thai có thể gây ảnh hưởng lên thai nhi.

Giải pháp dùng thuốc an toàn

Như vậy, nếu gặp phải tình trạng khó nuốt, bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ để được tư vấn sử dụng thuốc hợp lý, khi đó bác sĩ sẽ xem xét và thay thế bằng những thuốc ở các dạng bào chế hoặc đường dùng khác thích hợp hơn: Ví dụ thuốc dạng lỏng, thuốc đặt hậu môn, thuốc dạng hít hoặc dạng thuốc dán. Nếu loại thuốc đó chỉ có dạng bào chế thuốc rắn mà không có dạng thay thế, bệnh nhân có thể thực hiện các bài tập dành cho cơ nuốt để giúp cho việc nuốt và uống thuốc dễ dàng hơn.

Theo Suckhoedoisong

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU