Mẹ có nên cho trẻ uống kẽm thường xuyên? Những lưu ý khi cho trẻ uống kẽm

(lamchame.vn) - Kẽm có vai trò quan trọng đối với sự phát triển thể lực và trí tuệ của trẻ trong giai đoạn đầu đời. Thiếu hụt kẽm là nguyên nhân phổ biến dẫn đến trẻ biếng ăn, rối loạn phát triển xương chậm lớn. Vì thế bổ sung kẽm cho trẻ là điều rất quan trọng. Vậy, có nên cho trẻ uống kẽm thường xuyên không và bổ sung kẽm cho trẻ như thế nào là tốt nhất?

Kẽm có vai trò gì trong sự phát triển của trẻ?

Kẽm tham gia vào rất nhiều thành phần các enzym trong cơ thể, giúp tăng tổng hợp protein, phân chia tế bào, thúc đẩy sự tăng trưởng, tăng cảm giác ngon miệng nên rất quan trọng đối với trẻ em. Kẽm kích thích hoạt động của khoảng 100 enzym, là những chất xúc tác phản ứng sinh hóa trong cơ thể.

Cùng với canxi, kẽm có vai trò quan trọng đối với sự phát triển hệ xương. Trẻ thiếu kẽm sẽ chậm phát triển chiều cao, chậm dậy thì, hệ thống xương thiếu cân xứng.

 

Kẽm giúp phát triển và duy trì hoạt động hiệu quả của hệ thống miễn dịch, cần thiết cho việc bảo vệ cơ thể trước bệnh tật, làm vết thương mau lành, giúp bảo vệ vị giác và khứu giác và cần thiết cho sự tổng hợp DNA.

Vì vậy, thiếu hụt kẽm làm hệ miễn dịch suy yếu, vị giác giảm khiến trẻ biếng ăn, tiêu hóa kém do đó làm tăng khả năng nhiễm trùng và nguy cơ tiêu chảy, dẫn đến cơ thể sẽ chậm và ngừng phát triển, ảnh hưởng trầm trọng đến sự tăng trưởng của trẻ.

Theo nghiên cứu của tác giả Castillo – Duran, việc bổ sung kẽm cho trẻ sinh ra nhẹ cân so với tuổi thai cho thấy có sự tăng trưởng tốt về chiều cao và cả cân nặng trong 6 tháng đầu đời. Như vậy để trẻ có chiều cao tốt thì trong chế độ ăn của bà mẹ từ lúc có thai cho đến chế độ ăn của con sau khi sinh đều phải có đầy đủ kẽm.

Không chỉ có tác dụng với thể chất, tình trạng thiếu kẽm còn ảnh hưởng xấu đến tinh thần, làm dễ nổi cáu. Nguyên nhân do kẽm giúp vận chuyển canxi vào não, mà canxi là một trong những chất quan trọng giúp ổn định thần kinh.

Nguyên nhân và biểu hiện ở trẻ bị thiếu kẽm?

Theo TS.BS Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em (Viện dinh dưỡng Quốc gia), nguyên nhân thiếu kẽm ở trẻ em Việt được biết đến do hai nguyên nhân chính:

- Thứ nhất, tình trạng mắc các bệnh nhiễm khuẩn (ho, viêm đường hô hấp ở trẻ, tiêu chảy…) thường xuyên ở trẻ khiến cho tần suất sử dụng kháng sinh cao dẫn đến lượng kẽm trong cơ thể trẻ bị giảm.

- Thứ hai, do chế độ ăn của trẻ không thường xuyên được bổ sung các thực phẩm giàu kẽm khẩu phần ăn của trẻ không phong phú. Hơn nữa, do cách chế biến thức ăn không hợp lý làm làm mất hàm lượng kẽm trong thức ăn, Ngoài ra, trẻ bị thiếu kẽm bẩm sinh do khi mang thai mẹ không bổ sung đủ vi chất cần thiết.

Trẻ thiếu kẽm thường có các biểu hiện như: Biếng ăn, chậm lớn, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy kéo dài, sụt cân, rụng tóc, móng tay xuất hiện các đốm trắng, móng dễ gãy, rêu lưỡi trắng hay viêm loét miệng …
 

 

Ngoài ra, trẻ còn bị rối loạn giấc ngủ (trằn trọc khó ngủ, mất ngủ), thức giấc nhiều lần trong đêm, khóc đêm kéo dài, trẻ hay bị nhiễm trùng tái diễn ở đường hô hấp (viêm mũi họng, viêm phế quản tái đi tái lại), viêm đường tiêu hóa, viêm da, tróc da… Khi trẻ có những dấu hiệu trên, cha mẹ cần cho con đi khám và bổ sung kẽm phù hợp theo sự tư vấn, chỉ định của các chuyên gia, bác sĩ.

Mẹ có nên cho trẻ uống kẽm thường xuyên?

Tùy theo độ tuổi của trẻ mà liều lượng bổ sung kẽm cho trẻ cũng khác nhau. Cụ thể:
- Trẻ từ 0-6 tháng tuổi: 2mg/ ngày
- Trẻ từ 7 -12 tháng: 3 mg/ ngày
- Trẻ từ 1-3 tuổi: 3mg/ ngày
- Trẻ từ 4-8 tuổi: 5mg/ ngày
- Trẻ từ 9-13 tuổi: 8 mg/ ngày
- Từ 14 tuổi trở lên: Bé trai cần khoảng 11 mg/ ngày. Bé gái cần khoảng 9 mg/ ngày.

Trên thực tế, trẻ rất dễ bị thiếu kẽm do chế độ dinh dưỡng hàng ngày không đáp ứng đủ nhu cầu của bé. Bản thân trẻ cũng chỉ có thể hấp thu khoảng 30% hàm lượng kẽm. Phần còn lại sẽ bị đẩy ra ngoài qua nước tiểu, mồ hôi, dịch ruột, dịch tụy.

Với liều lượng kẽm như trên, nhiều bà mẹ cũng thắc mắc không biết “có nên cho trẻ uống kẽm thường xuyên? ". Các chuyên gia cho biết, thời gian bổ sung kẽm cần phụ thuộc vào trọng lượng cơ thể, có thể kéo dài 2-3 tháng. Cứ 1kg cân nặng, trẻ cần uống 0,5 - 1,5mg Zn nguyên tố. Uống kẽm sau ăn 30 phút là thích hợp nhất.

Cha mẹ không nên tự ý bổ sung kẽm cho bé cần sự tư vấn từ bác sĩ dinh dưỡng. Bởi cơ thể nếu thừa kẽm cũng có thể gây thiểu máu, giảm miễn dịch (khi bị nhiễm trùng không bổ sung kẽm), tổn thương tế bào gan... từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Nên bổ sung kẽm cho trẻ như thế nào là tốt nhất?

Bởi vì lượng kẽm hấp thu hàng ngày là cần thiết để duy trì mức độ khỏe mạnh trong cơ thể nên khi bé có biểu hiện hoặc có nguy cơ thiếu hụt kẽm thì rất cần phải bổ sung khoáng chất vi lượng này.

- Đối với các trẻ dưới 6 tháng tuổi thì nguồn kẽm tốt nhất và dễ hấp thu nhất đó chính là sữa mẹ.

Vì thế, người mẹ cần duy trì lượng kẽm trong sữa cũng như bổ sung thêm kẽm qua các bữa ăn dặm để đảm bảo cho sự phát triển của trẻ.

- Đối với các bé từ 6 tháng tuổi trở lên thì có thể bổ sung kẽm qua thức ăn và thực phẩm bổ sung được bác sĩ chỉ định.

Kẽm có nhiều trong các loại thực phẩm nguồn gốc động vật. Thực phẩm có nguồn gốc thực vật thường chứa ít kẽm và có giá trị sinh học thấp do khó được hấp thu.

 

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, để bổ sung kẽm cho trẻ mẹ nên cho bé ăn những loại thực phẩm giàu kẽm như: tôm đồng, cua, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, ngũ cốc thô và các loại đậu...

Có thể bổ sung kẽm bằng các loại thuốc có bán tại nhiều hiệu thuốc tây. Tuy nhiên, mẹ nên nhớ kẽm không phải là thuốc bổ, không nên tự ý bổ sung khi chưa có ý kiến bác sỹ.

Nên kết hợp Kẽm + vitamin C: Mặc dù vitamin C và kẽm có thành phần, cấu tạo, chức năng riêng biệt nhưng khi được kết hợp với nhau sẽ nâng cao hiệu quả trong việc hấp thu dưỡng chất từ đó giúp cơ thể hấp thụ tốt hơn, thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển, tăng cường sức đề kháng, điều hòa các phản ứng oxi hóa khử, chống lại các gốc tự do.

Để trẻ hấp thụ kẽm tốt nhất, mẹ nên bổ sung vitamin C cho trẻ từ chính các loại trái cây tươi giàu lượng vitamin C sẵn có như cam, chanh, quýt, bưởi…

Tương tự như vậy, một số nghiên cứu cho thấy nếu bổ sung kẽm và sắt cùng lúc thì hấp thu kẽm có thể giảm khi hàm lượng sắt trên 25mg/ngày. Phụ huynh lưu ý hãy bổ sung sắt và kẽm cách xa nhau (Ít nhất 2 tiếng), dùng kẽm trước vì sắt sẽ cản trở sự hấp thu kẽm.

Theo Thành viên diễn đàn lamchame.com tổng hợp

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU