Bài viết là chia sẻ của chị Lê Tâm, 40 tuổi về quyết tâm cho con học trường quốc tế. Khoảng 4 năm đầu tiên cho con đi học, vợ chồng chị đã gặp khó khăn kinh tế lớn. Nhưng sau đó, với sự cố gắng của cả vợ chồng mà kinh tế gia đình tốt hơn, không chỉ con đầu, mà cả con sau, anh chị đều cho vào học trường quốc tế từ những cấp học nhỏ nhất.
Tôi sinh ra trong một gia đình bình thường tại Sài Gòn, nhưng từ nhỏ đã được người cô nuôi và cho học trường điểm ở Quận I - nơi thường dành cho con nhà có điều kiện và các quan chức. Cô tôi không bao giờ nói với tôi về giàu hay nghèo. Hằng ngày cô chở tôi đi học trên chiếc xe đạp. Nhưng những năm 1990, trong lớp chỉ hai bạn có máy tính thì tôi là một trong số đó, bạn còn lại là con một gia đình buôn đồ cổ rất giàu. Chính vì được nuôi dạy trong môi trường đó nên tôi đã hình thành một suy nghĩ, mình muốn gì thì cứ làm, đừng bị giới hạn bởi vật chất.
Sau này trưởng thành, tôi có dịp nghe về một số gia đình cho con học trường quốc tế. Họ chia sẻ những điều khác biệt trẻ nhận được khi học trong môi trường này, khiến tôi quyết định con mình cũng phải được học ở đó.
Con tôi chào đời trong bối cảnh vợ chồng khởi đầu cuộc sống hôn nhân có nhiều mâu thuẫn, từ tính cách đến sự kỳ vọng về đối phương. Chồng tôi vừa nâng cấp cái xưởng nhỏ của tôi (tôi tự lập xưởng nội thất từ năm ba đại học) thành công ty, đồng nghĩa hai vợ chồng đều chung một nguồn thu nhập, mọi thứ khó khăn và không ổn định.
Người ta nói thời ấy muốn cho con học trường quốc tế nhất định phải có vài căn nhà phố, có sổ tiết kiệm chục ngàn đô trở lên. Còn tôi, không có gì ngoài niềm tin và ước mơ. Tôi bàn với chồng thì anh nhất quyết phản đối. Tại sao không học trường công, tại sao phải đặt con và mình vào rủi ro? Chồng tôi rất thương con và luôn tôn trọng quyết định của tôi nhưng anh cũng như hầu hết mọi người đều cản tôi cùng một lí do: sợ không theo nổi, trở ra trường ngoài tội con. Mọi người có lý của mọi người, tôi thì có niềm tin của mình.
Đã quyết, vì mục tiêu ấy nên tôi phải lên kế hoạch cày cuốc, đồng nghĩa với việc không có thời gian bên con. Sau khi cân nhắc các hợp đồng công ty của mình, tôi xin việc vào làm một ngân hàng quốc tế. Vào năm 2007, lương khi ấy khoảng 1.000 đôla, trong khi học phí cho con tầm 450 đôla, chưa gồm các chi phí khác và một em bé chuẩn bị ra đời. Và nói thật, vì không đủ nên tôi chỉ có thể chọn cho con học một trường mầm non quốc tế song ngữ.
Học đến kỳ 2, không hiểu thay đổi cô giáo thế nào mà con rất sợ tới trường. Lần này tôi có một quyết định táo bạo là chuyển con tới một trường mầm non quốc tế hoàn toàn, học phí tăng gấp rưỡi tầm 750 đô la. Sự thay đổi này khiến vợ chồng tôi một lần nữa tranh cãi. Tôi quyết liệt quá thì anh im lặng cho đến khi nhìn sự phát triển của con chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, từ đây anh đã hoàn toàn ủng hộ tôi.
Đó cũng là thời điểm tôi sinh con thứ hai. Công việc ở ngân hàng đã nghỉ. Quán ăn mở bị thua lỗ. Mỗi ngày tôi đi làm từ 7h sáng tới 9h tối mới về và chỉ kịp nói chuyện với con lớn khi cháu đi ngủ. Tiền học của con thời ấy chỉ đủ đóng tháng một và luôn trong nỗi lo tháng sau lấy tiền đâu. Hai lần không có tiền, tôi đã phải đến xin hiệu trưởng cho nộp muộn.
Mọi việc chẳng hoàn hảo để bắt đầu nhưng tôi quyết tâm làm cho trở nên hoàn hảo. Tất cả thời gian tôi dành cho việc kiếm tiền, dù lúc nào tôi cũng tự trách mình không dành thời gian được cho con. Có những thời điểm công ty vợ chồng tôi gặp khó khăn, ông xã tôi phải đi làm những việc sửa chữa vặt dù anh là một kiến trúc sư để duy trì công ty. Cuộc sống vô cùng chật vật. Tết phải bán cả xe để trả lương nhân viên và có tiền về quê nội ăn Tết... Nhưng nghĩ đến con học trong môi trường cháu được là chính mình thì vợ chồng tôi lại có niềm tin và quyết tâm không để việc học của con bị gián đoạn.
Đến bé thứ hai đi học, vợ chồng tôi vẫn kiên định cho con học trường quốc tế. May mắn sau đó chúng tôi nhận được nhiều hợp đồng thiết kế, thi công nội thất, công việc kinh doanh khởi sắc. Nỗi lo học phí cho con giảm dần.
Đến nay con lớn của tôi học lớp 6, con nhỏ học lớp 4. Mỗi tháng, chúng tôi phải dành khoảng 4.500 đôla cho việc học của con.
Thật không dễ dàng vượt 9 năm qua và vẫn còn 9 năm sắp tới với nhiều thử thách. Bạn bè cùng trang lứa đã sở hữu nhiều nhà cửa, đất đai, còn vợ chồng vẫn chẳng có gì nhiều trong tay, nhưng chúng tôi không thấy hối tiếc. Mục tiêu của chúng tôi không phải là nuôi con xuất sắc mà chỉ mong con luôn là chính con, một người tự do, đam mê sáng tạo và sống vì điều con mơ ước.
Tôi quan niệm, cuộc sống không bao giờ là đủ. Vậy nên đừng để đến lúc hoàn hảo mới dám quyết định, mà hãy cứ quyết định đi và cố hết sức mình để làm cho nó hoàn hảo.
Anh Nguyễn Đông, chồng chị Lê Tâm chia sẻ thêm, trong nửa kỳ đầu tiên con học trường quốc tế năm 3 tuổi, anh đã nhận ra sự khác biệt rõ của con với các bạn. Đó là mỗi buổi chiều anh dẫn con chơi với các bé ở khu đu quay trước nhà, con tự tin và kể anh nghe đủ chuyện xảy ra trong lớp. Khi đi chơi với gia đình các bạn, anh thấy con không mè nheo hay quậy phá, am hiểu kiến thức thường thức (ví như các loài sinh vật, hiện tượng thiên nhiên), không sợ nắng, sợ gió, sợ bẩn, côn trùng. Từ đây anh tin tưởng, hai vợ chồng cùng nỗ lực kiếm tiền cho con học trong môi trường này.
Cách đây 2 năm, dù công ty nội thất đang phát triển tốt, nhưng vợ chồng anh đóng cửa công ty, chuyển sang một mô hình kinh doanh mới, thu nhập vẫn tốt và hơn thế gia đình được đi nhiều nơi, anh và vợ có nhiều thời gian dành cho con hơn.
* Tên nhân vật đã được thay đổi