Mẹ trẻ cho con đi mẫu giáo sớm chia sẻ 5 ĐIỀU CẦN LÀM, 3 CÂU HỎI, 2 ĐỒ DÙNG để mẹ an tâm, con vui vẻ khi tới lớp

Những kinh nghiệm được mẹ trẻ chia sẻ dưới đây có lẽ sẽ hữu ích cho bậc phụ huynh đang băn khoăn trong việc cho trẻ đi học.

Cho con đi lớp là trải nghiệm nhiều niềm vui nhưng cũng đầy thách thức với cả phụ huynh và các bé. Bố mẹ nào cũng mong con sẽ có những giờ phút vui vẻ ở trường lớp, vui chơi, học tập cùng cô giáo và các bạn. Dưới đây là chia sẻ của chị Nguyễn Kim Phượng (hiện đang là freelance writer, sinh năm 1988, sống tại Bình Dương), mẹ của bé Larissa (27 tháng tuổi).

Chia sẻ với chúng tôi, chị Phượng khẳng định: ''Mỗi bé, mỗi mẹ sẽ có tính cách và những ưu tiên lựa chọn khác nhau khi chọn trường. Và cũng đã có rất nhiều bài chia sẻ kinh nghiệm con đi lớp nên đây chỉ là câu chuyện cá nhân về những "viên gạch hồng" đầu đời của con mình tại trường mầm non''. Các mẹ hãy cùng theo dõi xem 5 ĐIỀU CẦN LÀM, 3 CÂU HỎI, 2 ĐỒ DÙNG mà chị Phượng đã đưa ra là gì nhé!

 
 

Chị Phượng và con gái. 

Phụ huynh và các con phải chuẩn bị gì?

Tâm lý bé

Trùng hợp một tuần trước khi con đi học, mình bận và bà ngoại lên chơi. Thế là, vô tình bé có khoảng thời gian "tách mẹ" đệm nhẹ trước khi đi học. Một điều thú vị là bé tự điều chỉnh lịch ngủ tối sớm hơn trong khi trước đó mình đã thử nhiều cách mà không rút được thời gian ngủ tối lên.

Con đường đến trường cũng là tuyến đường hàng ngày mình chở con đi chơi, đi siêu thị nên hai mẹ con luôn chạy ngang qua trường dù bản thân lúc ấy chưa có chủ đích. Nhưng giờ nghĩ lại, nó cũng là một cách giúp con làm quen với trường lớp trước khi đi học chính thức.

Tâm lý mẹ

Không đặt kỳ vọng

Ngay từ đầu, mình xác định và luôn chuẩn bị tâm lý ''bé khóc'', ''không chịu đi học'' ở mức gay gắt nhất như cô giáo đứng lớp nói thường là hai tuần, bé nào khó lắm là một tháng. Vì đã chuẩn bị tâm lý ở những mốc cao nhất trong phản ứng của con nên mình khá thoải mái với những ngày khóc lóc khi bé đến trường. Mình biết những điều này phải xảy ra nhưng chỉ là tạm thời.

Tiến bộ nhỏ cũng là niềm vui chill chill

Mọi việc đều cần sự dịch chuyển dần từ ăn, ngủ, thời gian tách mẹ, mức độ thích nghi hòa nhập với trường… chứ không phải là chuyện thay đổi ngày một ngày hai. Ví dụ về ăn uống: con mình "sụt cân một xíu" ở tháng đầu và bây giờ là tháng thứ 3 đi học, bé đã có dấu hiệu tăng cân, ăn uống nhiều hơn trước.

Chuyện khóc: hồi đầu bé khóc ở mức 5, sau đó giảm từ từ và bây giờ vui vẻ. Dĩ nhiên, có ngày bé vẫn quạu, ngày thì vui vẻ nhưng số lượng ngày vui nhiều hơn. Còn ngày ''nhặng xị'' thì mình xem như bình thường vì người lớn cũng có đợt khó chịu trong người.

Không quá quan tâm đến camera (trường con mình cũng không cho xem camera và mình đồng ý ngay từ khi đăng ký nhập học, không quá nhiều đắn đo) vì những điều sau:

Điều mình tin tưởng nhất không phải là camera mà chính là biểu hiện của con trước khi đến lớp và sau khi ở lớp về cùng những buổi trò chuyện ngắn với cô khi đưa đón bé, và giữa các cô với nhau nữa. Mình không chủ đích kiểm tra lại lời cô nói nhưng có lẽ, phản xạ tự nhiên của một người mẹ, mình dựa trên những gì cô kể, đặt chúng song song với phản ứng của con, mình hình dung ra được con mình một ngày ở trường diễn ra như thế nào. Hoặc mỗi lần đón bé, thi thoảng sẽ gặp các cô khác nhau trong lớp, không cố định một cô, mình thấy được sự nhất quán trong việc tường thuật, miêu tả những sinh hoạt của con.

Ví dụ chuyện ăn: cô bảo hôm nay con ăn được nhiều, con thích ăn món cá kho… thì đúng là hôm ấy, mình đón con và khi bế con, bụng con căng và bế con nặng rõ.

Hôm nay bé nhõng nhẽo, đòi cô ẵm suốt thì là hôm đó bé khó chịu trong người (như tuần đi học sau ốm chẳng hạn).

Mình tin là khi mẹ có sự kết nối sâu sắc với con, mẹ sẽ đủ nhạy để "đối chiếu" những điều cô nói là đúng với tính cách, thói quen, phản ứng của con mình hàng ngày. Mình cũng hơi bất ngờ với bản thân khi không quá quan tâm (gần như không) về chuyện camera trực tuyến. Với trường hợp nhà mình, bé đi học là ''chân ái'' khi mọi việc đều tốt lên trông thấy từ ăn, ngủ, chơi, sinh hoạt. Cái ''gối ghiền'' là vật bất ly thân nhưng khi đi học khoảng ngày thứ 4, 5 con chịu bỏ gối ở nhà. Nghĩa là, con cảm thấy an toàn và vui vẻ tại lớp học, không phụ thuộc vào vật trấn an nữa.

 
 

Bà mẹ trẻ đã bước đầu thành công trong việc cho con đi học. 

Những câu hỏi mẹ đã hỏi nhà trường khi đăng ký "nhập ngũ" cho con 

Sau khi đã kiểm tra các yếu tố khác như phương pháp giảng dạy, ăn uống, lịch sinh hoạt…, những câu các mẹ thường hỏi, 3 câu mình quan tâm nhất là:

1. Giả sử em bé khó nhất thì thời gian thích nghi phổ biến là bao lâu

Mình cũng chủ động nói với cô: Chị hiểu, mỗi bé mỗi khác và còn phụ thuộc rất nhiếu yếu tố khác nhưng chị cần nắm được khoảng thời gian trung bình. Chị sẽ không quá cứng nhắc rằng tại sao cô bảo 1 tuần mà giờ 2 tuần con chị vẫn khóc. Thế là, cô yên tâm và cởi mở chia sẻ.

2. Những kịch bản nào thường xảy ra?

Cô trả lời. 2 tình huống phổ biến.

Trường hợp 1: khóc nhiều ở tuần 1, 2, 3 sau đó thích nghi dần.

Trường hợp 2: tuần 1 không khóc, tuần 2, 3, thậm chí 4 khóc vì nhận thức được phải đi học, "bị" đi học nhưng vượt qua được rồi sau đó bé sẽ thích nghi.

Con mình gần như thuộc trường hợp 2, tuần 1 dễ, 2 tuần sau, buổi sáng sẽ phản kháng nhưng nhẹ, lúc chia tay mẹ sẽ khóc nhưng vào lớp thì chơi bình thường. Bây giờ, đa phần là vui vẻ, gặp cô là nắm tay cô.

3. Học phí có được hoàn lại trong những trường hợp nào?

Mình cũng quan tâm giả sử bé không chịu hợp tác thì như thế nào?

Vật dụng mang theo (ngoài đồ dùng cơ bản)

Bảo bối gối ghiền: dùng trong những ngày đầu đi học để con có thể "trấn an" và làm quen với môi trường mới.

"Tâm thư" của mẹ. Dù đã trao đổi, điền chi tiết các biểu mẫu thông tin về bé khi nhập học nhưng mình vẫn viết tay một tờ giấy A4, chụp hình gửi cô chủ nhiệm cũng như bỏ kèm vào ba lô con về: Nếu con khóc cách dỗ con như thế nào, sở thích, thói quen của con, trong trường hợp khẩn cấp hãy gọi cho mẹ, người đưa đón bé là ai…

Những tiêu chí chọn trường của mình

Ngoài những tiêu chí chung về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chứng nhận, kinh nghiệm trong chất lượng đào tạo, giảng dạy… thì điều mình ưu tiên nhất là gần nhà, khoảng 3 phút chạy xe máy, 10 phút đi bộ. Như thế, mình có thể nhanh chóng có mặt ở trường ngay khi phát sinh sự việc đột xuất (công việc của mình là freelancer nên chủ động thời gian).

Tham khảo về uy tín nhà trường: người quen của mình và cả mới quen sau này, qua trò chuyện với các anh chị, mình biết rất nhiều phụ huynh có 2, 3 con học chung trường này (trường từ mầm non đến cấp 3). Họ tin tưởng, an tâm với trường.

Chia sẻ thêm về con gái, chị Phượng trải lòng: ''Vậy là con mình sắp kết thúc học kỳ đầu tiên ở lớp. Hai mẹ con đều vui vẻ và tiến bộ lên trông thấy. Vì trường con mình nhận trẻ từ 24 tháng nên trước đó, mình mong mỏi từng ngày. Mình nhận ra, cuộc đời của mẹ sẽ "nở hoa" khi con đi học. Chúc các bố mẹ và con có những trải nghiệm "xinh xắn" khi con đến trường''.

https://afamily.vn/me-tre-cho-con-di-mau-giao-som-chia-se-5-dieu-can-lam-3-cau-hoi-2-do-dung-de-me-an-tam-con-vui-ve-khi-toi-lop-20220504095356837.chn
 

 

Theo afamily.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU