Mỗi người có một vai trò riêng trong đại dịch, đừng đứng ngoài cuộc, giờ là lúc chúng ta thể hiện trách nhiệm của mình

Không cần phải bước lên tuyên bố với thế giới tôi sẽ làm gì to tát, chỉ cần hoàn thành trọn vẹn vai trò và trách nhiệm của một công dân bình thường khi đất nước mình trải qua biến cố.

Hãy thừa nhận đi, những ngày tháng qua có phải bạn đã dần xao nhãng và ít cập nhật thêm thông tin về dịch bệnh? Cho tới 1 tuần trước, khi ca nhiễm bệnh cộng đồng bỗng dưng xuất hiện, sau hơn 3 tháng?

Thực tế Covid-19 là một căn bệnh nghiêm trọng, nó đã giết chết và ảnh hưởng tới tất cả nhân loại. Nó không phải là một chiêu trò lừa bịp, cũng chẳng phải kế hoạch bí mật hay là nhiều lời đồn đại vô cớ khác trên mạng xã hội. Nó là một loại virus có khả năng giết người, và dù có chấp nhận hay không, Việt Nam cuối cùng cũng phải ghi nhận những ca tử vong đầu tiên.

Các nhà miễn dịch học trên khắp thế giới và cả Việt Nam đang nỗ lực nghiên cứu và tìm cách chống lại căn bệnh này. Trong lúc đó, một lực lượng lớn các bác sĩ, y tá và những người đang làm việc trong ngành y tế phải chấp nhận hi sinh, thậm chí đánh đổi cả tính mạng để chăm sóc và giành giật sức khỏe cho những người khác. Nhiều Mạnh Thường Quân liên tục ủng hộ và hỗ trợ cho các công tác phòng chống dịch. Không phân biệt lứa tuổi giới tính, dù là một người già hay là một đứa trẻ lên 5, dù là hàng xóm bên kia tường rào hay những người không quen biết cách biệt về địa lý, dù là quân nhân, nông dân hay nghệ sĩ, người có ảnh hưởng – rất nhiều những con người thầm lặng chẳng cần ghi danh, chẳng cần ai biết mình… đều đang góp một cánh tay để tạo ra sức mạnh cộng đồng và đẩy lùi dịch bệnh.

Không thể và có thể

Hãy hiểu rằng trong đại dịch này, có rất nhiều thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Khi tự nhận thức được điều đó, chúng ta trước nhất có thể kiểm soát cảm xúc của chính mình.

Chúng ta không thể kiểm soát khi nào đại dịch kết thúc, nhưng lại kiểm soát được cách sử dụng thời gian của bản thân.

Chúng ta không thể kiểm soát hành động của người khác, nhưng lại kiểm soát được phản ứng và hành động của chính mình.

Chúng ta không thể kiểm soát được những thông tin lan tràn khắp nơi về dịch bệnh, nhất là trên mạng xã hội, nhưng lại kiểm soát được tần suất xem chúng hay là kiểm soát được cách mà chúng ta tiếp nhận, chia sẻ chúng.

Một khi bản thân đã xác định mình có thể kiểm soát những gì, bạn sẽ có thể tự quản lý được những thứ như là: Đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cơ thể, tạo ra những thói quen lành mạnh, nghỉ ngơi, nói chuyện, đồng cảm, sẻ chia với người khác và tiếp nhận thông tin một cách tỉnh táo.

Điều tốt nhất chúng ta có thể làm

Tôi nghĩ rằng, việc mà chúng ta có thể làm và làm tốt nhất lúc này, là bảo vệ chính mình và bảo vệ lẫn nhau – thông qua những hành vi có trách nhiệm, có ý thức. Là đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và chia sẻ thông tin một cách có đạo đức.

Chúng ta có quyền tự do bày tỏ ý kiến của mình nhưng không có quyền la lớn “Có cháy” vào đám đông (nhưng thật sự chẳng có đám cháy nào cả). Nếu có một cuộc chiến, tôi nghĩ rằng công dân chân chính sẽ không từ bỏ trách nhiệm của mình với cộng đồng hay đất nước và dám đối mặt với kẻ thù, bằng những cách khác nhau.

Đúng là chúng ta đang có chiến tranh: Một cuộc chiến với kẻ thù Covid-19. Nhưng chúng ta cũng còn một kẻ thù khác nữa, đó là sự thiếu hiểu biết và mất khả năng phân biệt đâu là sự thật, là thông tin đáng tin cậy và đâu là những suy đoán vô căn cứ.

Tôi còn nhớ đã có những dự đoán loại virus này sẽ suy yếu khi thời tiết ấm lên hay chúng không chịu được nhiệt độ cao. Thực tế là chúng đã trở nên tồi tệ và nguy hiểm hơn với nhiều biến thể khác nhau. Tôi cũng nhớ trên khắp thế giới nhiều nơi người ta vẫn chủ quan và coi thường những lời khuyên phòng chống dịch cho dù nó là những hành động vô cùng đơn giản.

Tôi cho rằng có 2 lý do vì sao người ta không muốn tuân thủ theo những quy tắc đơn giản được gợi ý trong đại dịch này:

· 1 là: Do sự thiếu hiểu biết. Nhiều người tiếp tục không tin vào chuyện che mũi miệng hay đeo khẩu trang có thể giúp giảm khả năng lây nhiễm virus. Và vì quá tự tin rằng chính phủ phòng dịch tốt rồi, nên nhịp sống và những va chạm xã hội dường như lại trở nên quá bình thường, nhất là ở những thành phố lớn.

· 2 là: Do sự bàng quan. Dù khuyến cáo đeo khẩu trang không chỉ là để bảo vệ mình mà còn là để bảo vệ người khác, có thể liên quan trực tiếp tới tính mạng của người khác, thì nhiều người vẫn không thực sự quan tâm. Nghe có vẻ khắc nghiệt nhưng đó chính là thực tế trần trụi.

Ai cũng có một vai trò riêng trong đại dịch, đừng biến mình trở thành kẻ ngoài cuộc

Dường như con người biết quan tâm đến nhau hơn khi xảy ra biến cố. Nhưng đối mặt với dịch bệnh sẽ đòi hỏi những sự quan tâm đặc biệt hơn. Sự quan tâm thiết thực nhất chúng ta có thể dành cho nhau lúc này, đó là gạt bỏ những nhu cầu hay thói quen cá nhân cần thiết để làm chậm sự lây lan của virus.

Mỗi người có một vai trò riêng trong đại dịch, đừng biến mình trở thành kẻ ngoài cuộc. Không cần phải bước lên tuyên bố với thế giới tôi sẽ làm gì, chỉ cần hoàn thành trọn vẹn vai trò và bổn phận của mình trước bản thân, gia đình và tổ quốc mà thôi.

Cuộc sống tưởng như đã trở lại thường nhật lại tiếp tục xáo trộn trong những ngày tới. Sự hi sinh và thiệt hại của các công ty, doanh nghiệp, những chương trình du lịch, đơn vị giáo dục… đều để phục vụ cho một lợi ích lớn lao hơn của cộng đồng. Hãy hướng về họ và những gì họ đang nỗ lực.

Tất nhiên cuộc sống giờ đây không còn thuận tiện hay dễ dàng. Nhưng tôi tin rằng cuộc sống của nhân loại trong thập kỷ này sẽ không treo lơ lửng như thế này mãi mãi. Hãy nhớ loại virus này nguy hiểm gấp 10 lần so với cúm thông thường. Không ai trong chúng ta có khả năng miễn dịch và nó đã tàn phá cuộc sống, sinh mệnh, kinh tế của rất nhiều người và quốc gia trên khắp thế giới.

Cách đối mặt của chúng ta, với làn sóng dịch bệnh thứ 2 này, chắc chắn không phải là sợ hãi hay hoảng loạn và phủ nhận. Đừng đẩy những bác sĩ y tá phải đối mặt với việc lựa chọn ai sống ai chết vì không đủ máy thở. Đừng chỉ vì những phút lơ là và buông thả bản thân mà đẩy quốc gia vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ hơn không thể nào chống đỡ.

Trong cuộc chiến này, chúng ta không có nhiều thời gian. Không thể đợi tới tuần sau hay tháng sau mới thể hiện sự quan tâm hay trách nhiệm của mình. Luôn có cơ hội dành riêng cho mỗi cá nhân. Không quan trọng chúng ta ở đâu và làm gì, hành động rất nhỏ của chúng ta (đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc xã hội, tụ tập, giữ bản thân khỏe mạnh) có thể sẽ cứu sống và bảo vệ chính mình, người thân và cả cộng đồng.

Mỗi người đều có cơ hội để làm việc đó, ngay bây giờ. Và khi chúng ta cùng thực hiện với nhau, tôi tin rằng sự khác biệt sẽ xảy ra.

Link nguồn TTVN

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU