Khi con gây ra lỗi và cư xử không đúng
Chỉ trích hay bao biện là cách không khôn ngoan khi đối phó với lỗi lầm. Nhiều người hay bao che kiểu "còn nhỏ có lỗi gì đâu, từ từ tính" hoặc có người chỉ trích "bưng thế cũng đổ à, có mỗi việc như thế mà làm cũng không xong", "nếu làm đổ nước mẹ cho ăn đòn"...
Thực ra, các cách này đều dẫn đến sự chối bỏ lỗi hơn là giúp trẻ chấp nhận nó. Thử nghĩ 1 tí, chỉ trích giống như cách bạn gắn mác cho sự thất bại hay sự vô dụng. Từ đó, việc đứa trẻ lại tái phạm lỗi là điều có thể hiểu được.
Khi con gây ra lỗi, bố mẹ nên:
- Giúp trẻ hiểu lỗi của bản thân là gì: Tức là cho trẻ thấy hậu quả của vấn đề ở chỗ nào, nên thật chi tiết, rõ ràng.
- Giúp trẻ chấp nhận và cải thiện lỗi lầm đó: Sau 5 lần hỏi tại sao, hầu hết các vấn đề sẽ được giải quyết, với những trường hợp đơn giản thường không cần dùng đến 5 lần. Các bé từ 3 tuổi có thể thích cách tương tác này. Ví dụ, ứng dụng phương pháp 5 câu hỏi tại sao:
+ Con bị té là do đâu? Trúng phải cái ghế.
+ Tại sao trúng phải cái ghế? Tại cái ghế nằm giữa đường.
+ Tại sao cái ghế nằm giữa đường? Tại con mang ra đây chơi.
- Giúp trẻ tìm cách giải quyết:
Ví dụ về cái ghế:
+ Vậy con nghĩ làm sao để không bị té.
+ Dạ, con cất cái ghế lại vị trí cũ!
Lúc này bạn hãy tán dương và khuyến khích bé thực hành cải thiện như "đúng rồi, nếu cất cái ghế, con sẽ không bị vấp ngã nữa".
Bất kì lúc nào trẻ cũng có thể mắc lỗi hoặc có những lúc cư xử chưa đúng, khi ấy thay vì chỉ trích hay bao che thì hãy giúp trẻ dũng cảm nhận ra nó, cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách giải quyết. Quy trình có vẻ như tốn thời gian, công sức, nhưng kết quả lâu dài là rất ý nghĩa cho trẻ. Đặc biệt, điều này nên được dạy sớm trước khi trẻ bắt đầu hòa nhập vào môi trường lớn hơn ngoài gia đình. Những đứa trẻ học được quy trình này sẽ phát triển khác biệt và vượt trội về tư duy.