Bệnh thủy đậu còn được gọi là bệnh trái rạ (phỏng rạ), là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thủy đậu có tên Varicella virus gây ra. Loại virus này chính là tác nhân gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ nhỏ và bệnh zona ở người lớn.
Thủy đậu thường xuất hiện nhiều vào khoảng tháng 3, 4 hàng năm. Tuy nhiên, theo bác sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, thời điểm này, bệnh viện còn tiếp nhận nhiều trường hợp bị thủy đậu. Thời tiết thay đổi bất thường chính là nguyên nhân khiến dịch bệnh có xu hướng xảy ra quanh năm, chứ không vào mùa nhất định như trước nữa.
Theo thống kê của Viện Paster TP.HCM, 90% ca nhiễm thủy đậu là trẻ trong độ tuổi 2-7 tuổi. Ngoài ra, phụ nữ mang thai khoảng 13 – 20 tuần cũng có khả năng mắc thủy đậu do hệ miễn dịch suy giảm dẫn tới sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi… Trẻ sơ sinh mắc thủy đậu lây truyền từ mẹ diễn biến cũng rất nghiêm trọng với tỉ lệ tử vong lên đến 30%.
Bệnh thủy đậu lây lan như thế nào?
Thủy đậu là căn bệnh truyền nhiễm và lây lan qua đường không khí từ các giọt nước bọt li ti được tiết ra khi người bệnh hắt hơi, nói chuyện, ho…
Ngoài ra, thủy đậu còn có khả năng lây lan từ các chất dịch ở nốt phỏng truyền gián tiếp qua những đồ vật dùng chung như khăn mặt, bàn chải, bát đũa,…
Trẻ bị thủy đậu nên tránh những ăn thức ăn nào?
Khi trẻ mắc bệnh thủy đậu trong mùa hè, bố mẹ cần tránh cho con ăn một số loại thức ăn sau:
- Đồ ăn nhiều dầu mỡ, quá bổ dưỡng.
- Thức ăn cay nóng.
- Các loại quả có tính nóng như mận, đào, vải, nhãn…
- Các loại thịt như thịt dê, thịt chó, thịt gà, thịt ngan, các loại hải sản.
Khi bị thủy đậu có tắm được không?
Theo kinh nghiệm dân gian, khi bị thủy đậu cần phải kiêng nước. Tuy nhiên trong thực tế, để bệnh nhanh khỏi, bố mẹ nên tắm cho trẻ sạch sẽ bằng nước ấm. Khi tắm nên thực hiện nhẹ nhàng, tránh dùng khăn chà sát mạnh khiến các mụn nước vỡ ra và lan rộng hơn.
Bố mẹ cũng cần cắt móng tay sạch sẽ cho trẻ để tránh gãi hay cào mạnh vào vết thương gây vỡ mụn, lở loét.
Bị bệnh thủy đậu có cần kiêng gió không?
Kinh nghiệm dân gian khuyên nên cho trẻ mắc bệnh thủy đậu cách ly với gió, tuy nhiên việc bật quạt hay tiếp xúc với gió không ảnh hưởng đến thủy đậu.
Bố mẹ nên bật quạt nhẹ nhàng cho con, không nên bật quá lớn hoặc đưa con đến chỗ gió quá to khiến cơ thể bị lạnh, từ đó làm sức khỏe giảm sút và bệnh tình trở nên trầm trọng hơn.
Một số lưu ý khi trẻ mắc bệnh thủy đậu
- Không nên cho trẻ ăn nhiều những loại trái cây chứa nhiều vitamin C vì các nốt thủy đậu có thể xuất hiện cả trong khoang miệng, việc ăn nhiều hoa quả chứa vitamin C sẽ khiến vết thương đau và lở loét hơn.
- Tránh để bé đi đến chỗ đông người kẻo lây lan sang người khác.
- Người thân trong gia đình không được sử dụng chung đồ cá nhân như quần áo, khăn tắm, bàn chải đánh răng với trẻ.
- Quần áo của trẻ mắc thủy đậu sau khi giặt xong cần phơi ở nơi có nắng, thoáng mát và là ủi kỹ.
Theo Tri Thức Trẻ