Năm 1929, trong cuộc đại suy thoái ở Mỹ, nhiều ngân hàng đóng cửa, sản xuất sa sút, nhà máy phá sản, công nhân thất nghiệp. Sau đó, khủng hoảng tài chính tiếp tục lan rộng, kéo theo nền kinh tế thế giới suy thoái.
Vào thời điểm này, tờ Daily Telegraph của Anh đưa tin về một hiện tượng: Ngược lại với sự suy thoái kinh tế toàn cầu, một số đại gia mỹ phẩm lớn trên thế giới như L’Oreal ở Pháp, Bayerdorf ở Đức và Shiseido ở Nhật Bản lại có doanh số bán hàng tăng cao.
Trong khi mọi người kêu ca vì nghèo đói thì lượng mỹ phẩm bán ra lại nhiều, đặc biệt là doanh số son môi tăng vọt. Đây được gọi là hiệu ứng son môi (lipstick effect) khi người tiêu dùng vẫn chi tiền cho những khoản chi tiêu nhỏ thuộc về sở thích trong giai đoạn khó khăn.
Về mặt lý thuyết, khi kinh tế suy giảm, thu nhập giảm nên mức sống không cao, phải cắt giảm thực phẩm, quần áo. Nhưng thực tế lại không như vậy. Lúc này, mọi người thường có tâm lý muốn tự thưởng cho bản thân thứ gì đó nhỏ để họ quên đi các vấn đề về tài chính hiện tại. Mọi người thường có tâm lý rằng dù kinh tế sa sút, không đủ tiền mua túi hiệu siêu đắt nhưng với số tiền còn lại trong tay, vẫn đủ để mua một thỏi son tầm trung.
Hiệu ứng son môi không chỉ xảy ra ở ngành mỹ phẩm mà còn ở các ngành khác. Khi nhận thức được hiệu ứng này, bạn có thể đưa ra quyết định tiêu dùng hợp lý hơn.
(Nguồn: Zhihu)