Mỹ sắp đi vào vết xe đổ của "địa ngục Covid" Ấn Độ: Bệnh viện quá tải, oxy cạn kiệt, "thảm họa kép" xuất hiện

Và vết xe đổ ấy xảy ra dù phân nửa dân số đã tiêm chủng Covid-19. Bởi lẽ, nửa còn lại vẫn chưa chịu tiêm.

Các bệnh viện tại một số khu vực miền Nam nước Mỹ đang rơi vào tình trạng thiếu hụt oxy y tế, sau khi số ca nhiễm Covid-19 phải nhập viện gia tăng liên tục. Nguyên nhân là do một lượng lớn người dân vẫn đang không chịu tiêm chủng, trong khi biến chủng Delta đã lây lan cho hàng triệu người.

Các bệnh viện tại Florida, South Carolina, Texas và Louisiana hiện đang rơi vào tình trạng giống như Ấn Độ ngày trước, đó là khan hiếm oxy. Một số phải sử dụng oxy dự trữ, và có khả năng sớm cạn kiệt nếu không có gì tiến triển.

Số ca Covid ngày một nhiều lên, nhu cầu oxy y tế cũng tăng theo, vượt quá ngưỡng đáp ứng của các bệnh viện. Đó là lời nhận xét của Donna Cross - giám đốc công ty cải thiện chăm sóc y tế Premier.

"Thông thường, bể oxy sẽ đầy khoảng 90%, sau đó sẽ được bơm đầy khi xuống còn 30% - 40%, giúp họ có thêm 3 đến 4 ngày dự trữ. Còn hiện tại, các bệnh viện đang phải dùng oxy ở mức 10 - 20%, nghĩa là chỉ đáp ứng được 1 - 2 ngày trước khi cạn kiệt."

Nhưng thậm chí ngay cả khi được bơm, bể chứa cũng chỉ đầy lên được khoảng 50%. "Đây thực sự là tình huống khẩn cấp," - Cross cho biết.

Ngày 28/8, Florida chứng kiến tỉ lệ nhập viện vì Covid-19 cao nhất cả nước - với 75 bệnh nhân trên 100.000 người nhiễm bệnh. Tỉ lệ nhiễm mới mỗi ngày ghi nhận hôm 27/8 cũng đã chạm mức kỷ lục - lên tới 690,5 ca trên 100.000 dân trong giai đoạn 20 - 26/8.

Bác sĩ Ahmed Elhaddad thuộc đơn vị chăm sóc tích cực tại Florida cho biết, ông cảm thấy hết sức kiệt quệ "khi phải chứng kiến người ta chết dần hoặc khổ sở, chỉ vì không chịu tiêm vaccine". Theo Elhaddad, biến chủng Delta gần như "ăn mòn" phổi của con người theo đúng nghĩa đen, khiến bộ phận này sụp đổ sau đó.

"Chúng tôi phải thấy bệnh nhân chết nhanh hơn với Delta," - Elhaddad đau đớn nói. "Lần này, bệnh nhân đều trẻ hơn trước - từ 30 đến 50 tuổi, và họ đang bị đày đọa. Họ khát oxy, họ đang chết dần, và chết nhanh hơn trước."

Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia chống dịch hàng đầu của Hoa Kỳ thì dự đoán sẽ có thêm 100.000 ca tử vong vì Covid-19 vào thời điểm tháng 12 năm nay, dựa trên mô hình của ĐH Washington.

"Những gì đang xảy ra là dễ đoán, nhưng cũng có thể ngăn chặn. Và chúng ta đều biết vaccine có thể làm xoay chuyển tình thế này," - ông Fauci nhận định. 

Quan điểm này được Elhaddad đồng tình, dựa trên số liệu thực tế là khu ICU tại bệnh viện ông làm việc không có bất kỳ ca nhiễm nào là người đã tiêm chủng. Bản thân Elhaddad cũng chưa từng thấy ai đã tiêm mà chết sau khi nhiễm bệnh - ít nhất là theo trải nghiệm của cá nhân ông.

"Không có phương thuốc màu nhiệm nào cả. Thứ chúng ta chắc chắn được là vaccine có thể ngăn ngừa tử vong. Nó giúp bệnh nhân không cần phải vào ICU."

Hiện tại, nước Mỹ có khoảng 80 triệu người đủ điều kiện tiêm vaccine nhưng chưa tiêm. "Tình hình có thể xoay chuyển một cách hiệu quả và nhanh chóng, bằng cách cho những người này tiêm chủng."

Bang Florida hiện có khoảng 52,4% dân số được tiêm đủ 2 mũi. Tỉ lệ này thậm chí còn thấp hơn ở một số tiểu bang, như South Carolina, Louisiana và Texas là dưới 50%. Tính trên tỉ lệ cả nước vào ngày 28/8, có khoảng 52,1% dân số nước Mỹ đã được tiêm chủng - theo số liệu từ CDC.

Thảm họa kép ập tới

Tỉ lệ tiêm chủng tổng thể của Louisiana đang ở mức thấp nhất cả nước - chỉ 41,2%. Các bệnh viện hiện đang phải đối mặt với làn sóng bệnh nhân lên tới cả trăm người. Và chuyện tồi tệ nhất vẫn còn ở phía trước, bởi cơn bão Ida đang tràn đến khu vực này.

Hiện tại có khoảng 2450 người đang nhập viện vì Covid tại tiểu bang này - giảm 20% so với thời điểm cách đây 10 ngày. Tuy nhiên, đó vẫn là con số rất lớn mà tiểu bang này phải đối mặt kể từ đầu dịch bệnh. Trong đó, gần 500 người phải sử dụng máy thở.

Cơn bão Ida dự tính sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ

Cơn bão Ida ập tới như để khiến tình hình trở nên u ám hơn. Hôm 29/8, cơn bão đã tới cảng Fourchon (Louisiana), với mức nguy hiểm cấp 4. Những người bị thương vì cơn bão có thể khiến các bệnh viện thêm phần quá tải, khi các ca Covid vốn đã chiếm gần hết chỗ trống bên trong.

"Sơ tán các bệnh viện là không khả thi, vì chẳng còn chỗ nào đưa bệnh nhân đi cả," - Edwards cảm thán. "Rồi người dân có thể bị thương vì cơn bão, và chúng ta phải chuẩn bị chỗ cho họ nữa. Đây là tình huống cực xấu đối với toàn Louisiana."

Một lo ngại nữa mà Edwards đưa ra, đó là năng lượng. Hiện tại, tiểu bang này có khoảng 10.000 công nhân điện và 20.000 nhân lực dự trữ đề phòng tình huống khẩn cấp. "Khôi phục năng lượng là yếu tố hết sức quan trọng để giúp các bệnh viện duy trì hoạt động."

Nỗi ám ảnh của người trẻ

Việc các trường học mở cửa trở lại đã khiến hàng ngàn học sinh, sinh viên phải đi cách ly trên toàn nước Mỹ. Số ca nhiễm ở trẻ em cũng tăng lên, ở mức độ còn cao hơn so với đợt dịch mùa đông năm 2020. Vấn đề là con số trẻ em nhập viện vì Covid được dự báo sẽ còn gia tăng hơn nữa, khi mùa tựu trường tới gần.

"Không còn nghi ngờ gì nữa, đây sẽ là giai đoạn khó khăn đối với giới trẻ," - Bác sĩ Esther Choo, giáo sư ĐH Khoa học Y tế Oregon nhân định, đồng thời cho biết cách đây 1 năm tình hình đã không nghiêm trọng đến như vậy.

"Các trường học đã mở cửa, quy định khẩu trang bắt buộc cũng được dỡ bỏ."

Vấn đề là trẻ em dưới 12 tuổi tại Mỹ vẫn chưa đủ điều kiện để được tiêm chủng Covid-19.

Hiện tại, không phải tất cả các trường đều mở cửa, nhưng dự tính đều sẽ hoàn tất sau ngày lễ Lao động 9/6 của Mỹ. Theo Choo, số ca trẻ em phải nhập viện vì thế sẽ gia tăng.

Nguồn: CNN

 

Link gốc: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/my-sap-di-vao-vet-xe-do-cua-dia-nguc-covid-an-do-benh-vien-qua-tai-oxy-can-kiet-tham-hoa-kep-xuat-hien-162213108013528899.htm

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU