Ảnh minh hoạ
Vợ chồng tài chính khó khăn thì chuẩn bị tiền nong đón Tết thế nào?
“Kể ra 5 năm mới có 1 lần Tết thì còn tốt. Chứ mỗi năm đến Tết là mình sợ luôn. Ăn thì cũng chẳng hơn ngày thường là mấy nhưng 7 ngày Tết thì tiêu bằng 3 tháng ngày thường”, Thuỷ tâm sự khi một mùa Tết nữa lại đến. Tuy nhiên, dẫu có nhiều lo lắng thì cô và chồng đã cố gắng cân đong đếm để tránh đau đầu với những khoản cần chi.
Thuỷ chia sẻ, năm nay cô dự định dành tối đa 35 triệu để chi tiêu cho mùa Tết. Trước đó, từ khoản thu nhập hàng tháng, cô sẽ trích một khoản nhỏ, gom để tiêu Tết mà không cần tiêu vào tiết kiệm.
“Mỗi tháng, mình bỏ ra một chút cho khoản tiêu Tết. Có tháng, mình chỉ bỏ ra vài trăm ngàn nhưng cũng có tháng mình góp được vài triệu. Cứ tích lũy dần thì đến cuối năm, chúng mình có một khoản để tiêu Tết cho gia đình nhỏ và mua đồ tặng bố mẹ. Những năm trước, mình có tiền thưởng Tết từ công việc thì sẽ dùng để biếu riêng bố mẹ”, Thuỷ cho hay.
Còn về phía Minh Nguyệt, cô chia sẻ hàng tháng gia đình cũng dành khoảng 20% cho quỹ tiết kiệm. Tiền tiêu Tết năm nay của gia đình cũng lấy từ quỹ này.
Do kinh tế khó khăn nên dịp Tết sắp tới, nhà cô chỉ dành 16 triệu để chi tiêu: “Mình dành 2 triệu để mua quần áo Tết, bắt xe lên ngoại là 1 triệu. Tiếp theo, mình dành 4 triệu để biếu bố mẹ 2 bên, 3 triệu để mua thực phẩm cho nhà nội, 1 triệu biếu nhà ngoại để mua bánh kẹo và ít hoa về cắm. Còn lại là mình chi 5 triệu để làm lì xì”.
Kinh tế khó khăn nên giữ được mức thu nhập ổn định theo từng năm hay không còn là điều khó nói với nhiều người. Cũng vì thế Minh Nguyệt cho rằng khi bạn còn dư dả, kiếm được nhiều thì hãy biếu bố mẹ thật nhiều. Vào năm kinh tế suy thoái, trong nhà còn phát sinh bao nhiêu vấn đề thì bạn sẽ bớt trăn trở khi không thể đem về cái Tết sung túc cho phụ huynh.