Có nên cho trẻ uống sữa ban đêm không?
Với các bé mới sinh, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuần tuổi, hầu hết trẻ đều có nhu cầu bú đêm nhiều bởi lúc này dạ dày của con còn nhỏ, bé cần ăn liên tục để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng.
Từ 6 tháng trở đi, khi bé đã bắt đầu bước vào thời kỳ ăn dặm thì mẹ nên ngừng cho bé bú đêm hoặc giảm số cữ cho bú đêm xuống. Điều này sẽ có lợi cho quá trình ăn dặm cũng như ăn sữa vào ban ngày của bé.
|
Nhiều ông bố bà mẹ hàng đêm đánh thức trẻ dậy để cho bú do sợ con ngủ một mạch tới sáng thì sẽ bị đói, bị hạ đường huyết, và sợ không lớn. Nhiều bà mẹ thì muốn con mình mập mạp mũm mĩm dễ cưng nên cũng cố gắng đánh thức để cho con bú thêm vài lần nữa ở buổi đêm.
Tuy nhiên, bé đã lớn nhưng vẫn uống sữa ban đêm có thể gây ra những tác hại sau:
- Ngủ không trọn giấc: Việc phải thức dậy vào giữa đêm để uống sữa khiến giấc ngủ của trẻ trở nên không trọn vẹn. Từ 6 tháng trở đi, bé đã có thể ngủ thông ban đêm từ 10 tiếng đến 11 tiếng được rồi.
- Vừa ngủ vừa uống sữa gây sặc sữa: Vừa ngủ vừa bú hay uống sữa khiến trẻ dễ sặc và nôn trớ hơn. Thêm vào đó việc ăn vào ban đêm khiến bé không tập trung, thời gian ăn lâu.
- Ảnh hưởng đến men răng, gây sâu răng cho trẻ: Trẻ mọc răng từ rất sớm nên khi được 1 tuổi đã sở hữu một vài mầm răng nhỏ xinh trong miệng. Việc uống sữa đêm không tráng miệng bằng nước lọc, không đánh răng sẽ gây ra sâu răng, viêm lợi cho trẻ.
- Và quan trọng nhất là nếu em bé không được ngủ thẳng giấc ít nhất từ 10 giờ đêm tới 2 giờ sáng thì trẻ sẽ kém chiều cao và trí thông minh. Do vào thời điểm từ 10 giờ đêm tới 2 giờ sáng là lúc hormone tăng trưởng tiết ra mạnh mẽ nhất. Nếu cứ bị đánh thức trẻ vào thời điểm này có thể làm cho em bé lùn và kém thông minh hơn.
Làm thế nào để có thể cai bú đêm cho trẻ?
1. Một tiếng trước khi ngủ nên cho trẻ bú no
Ban ngày, các mẹ nên đảm bảo cho trẻ bú sữa no, ban đêm trước khi ngủ 1 tiếng, trẻ được bú no sẽ ngủ ngon và ít thức dậy vào ban đêm.
2. Tiếp xúc nhiều với trẻ
Có một thực tế, nhiều trẻ thức dậy vào ban đêm không phải vì đói, mà trẻ cần sự vỗ về của người mẹ để cảm thấy thỏa mãn và an toàn. Vì thế, tăng cường tiếp xúc với trẻ sẽ giúp trẻ không còn cảm giác bất an và ít thức dậy bú đêm hơn.
3. Gia tăng bữa ăn dặm cho trẻ
Trong quá trình phát triển của trẻ, chỉ cung cấp sữa mẹ thôi vẫn chưa đủ. Đặc biệt là trẻ sau 6 tháng tuổi, các mẹ nên gia tăng bữa ăn dặm cho trẻ để cung cấp đủ dưỡng chất, đảm bảo nhu cầu phát triển của bé.
4. Không nên nóng vội cắt cữ bú đêm
Có nhiều mẹ không tiến hành tuần tự, chậm rãi mà lập tức cắt cữ bú đêm cho trẻ. Khi trẻ chưa chuẩn bị về tâm lý thì sự nóng vội của người mẹ sẽ khiến trẻ quấy khóc, ảnh hưởng không tốt đến thể chất và tinh thần của trẻ.
Mẹ nên cắt cữ bú đêm cho trẻ theo đúng tuần tự. Ví dụ, mẹ có thể giảm tần suất cho trẻ bú đêm từ 4 lần xuống 2 lần, giảm xuống cho đến khi trẻ dứt hẳn, tuy nhiên mẹ cần quan sát biểu hiện của trẻ, nếu như trẻ quấy khóc nhiều hơn thì mẹ nên tạm ngừng việc cai bú đêm, hãy đợi một khoảng thời gian, khi trẻ thích ứng với tần suất bú đêm giảm dần thì mẹ mới nên dứt hẳn.
Không nên cai bú đêm cho trẻ vào những ngày thời tiết xấu như trời quá nóng, quá ẩm hay quá rét, khi mà ngay cả người lớn cũng thấy mệt mỏi, khó chịu. Sự thay đổi một thói quen ăn uống và các stress xuất hiện lúc này dễ làm trẻ ốm. Cũng nên tránh thời điểm trẻ bị ốm, mệt mỏi, sốt và đặc biệt là khi bị tiêu chảy
Theo Thành viên diễn đàn lamchame.com tổng hợp