Ngày đầu lọc ảo xét tuyển đại học, dự báo điểm chuẩn nhiều ngành tăng mạnh. (Ảnh minh hoạ)
Bên cạnh quá trình lọc ảo chung của Bộ GD&ĐT, các đơn vị cũng hình thành 2 nhóm lọc ảo phía Bắc và phía Nam. Nhóm lọc ảo phía Bắc do Đại học Bách khoa chủ trì và nhóm lọc ảo phía Nam do Đại học Quốc gia TP.HCM điều phối.
Trước 17h ngày 17/8, các trường sẽ nhập mức điểm trúng tuyển và kết quả xét tuyển lên hệ thống, rà soát và chuẩn bị công bố kết quả trúng tuyển đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non đợt 1 năm 2024. Trước 17h ngày 27/8, thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo phải quy định tất cả thí sinh xác nhận nhập học bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống, trước khi nhập học tại cơ sở đào tạo.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay, năm nay, hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT ghi nhận hơn 733.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển (tương đương 68,5% so với số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2024).
Theo tính toán ở 24 lĩnh vực, 400 ngành đào tạo, số thí sinh đăng ký vào các khối ngành: Kỹ thuật công nghệ, Máy tính, Công nghệ thông tin có tỷ lệ cao nhất. Tiếp đến là khối ngành Sư phạm; sau đó là khối ngành Nhân văn, Sức khỏe.
So sánh với năm ngoái, 3 lĩnh vực có tỷ lệ nguyện vọng đăng ký tăng mạnh nhất: khối ngành Khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên tăng 85% (tương đương tăng khoảng 200.000 nguyện vọng) dự kiến điểm chuẩn ngành này sẽ tăng. Đồng thời, số liệu trên cho thấy sự quan tâm của các em trong ngành sư phạm nhờ chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí, học phí.
Tiếp đó là khối ngành Khoa học tự nhiên, dù chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng nguyện vọng tăng 61%; khối ngành an ninh quốc phòng cũng tăng 46,5%, dù số lượng không lớn. Khối kỹ thuật công nghệ tăng 100.000 nguyện vọng đăng ký.
Đặc biệt, ngành công nghệ cao như ngành Vi mạch bán dẫn có số lượng tăng khá. Tổng số nguyện vọng ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn tăng 30%, nguyện vọng 1 tăng 40%. Điều này cho thấy các thí sinh rất "nhạy", nắm bắt xu hướng phát triển các ngành công nghệ cao.
Một số lĩnh vực như: Kinh doanh quản lý giảm 3% (tương đương giảm 24.000 nguyện vọng); Máy tính và Công nghệ thông tin giảm gần 5% (tương đương 15.000 nguyện vọng); Dịch vụ vận tải giảm 20% (tương đương 77.000 nguyện vọng).
Số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào nhiều trường đại học khu vực miền Nam năm nay tăng vọt, dự báo điểm chuẩn tăng từ 0,5 đến 1 điểm.
Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, trường Đại học Công Thương TP.HCM, cho hay, năm nay trường có hơn 50.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng vào trường, gấp đôi so với con số 25.000 của năm trước.
Ông dự báo điểm chuẩn của trường năm nay trong khoảng 16 - 24 điểm. Cụ thể, với các ngành hot như Marketing, Kinh doanh quốc tế, Logistics và chuỗi cung ứng điểm chuẩn có thể tăng 0,5 điểm lên mức khoảng 23 - 24 điểm.
Với trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), ông Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên cũng cho biết, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường năm 2024 tăng 2.400 thí sinh (tương đương 17%) so với năm trước.
"Nhiều khả năng điểm chuẩn vào trường cũng sẽ tăng. Tuy nhiên đây chỉ là dự đoán, điểm chuẩn phụ thuộc vào số lượng các nguyện vọng của thí sinh cho từng ngành", ông Tiến nói thêm.
Đại diện trường Đại học Công nghiệp TP.HCM thông tin, tổng số nguyện vọng nhà trường nhận được trong đợt xét tuyển đại học năm nay khoảng hơn 40.000 (năm ngoái hơn 36.000 nguyện vọng). Một số nhóm ngành hot: Kinh doanh, Marketing, Công nghệ thông tin, Tự động hóa, Luật dự kiến điểm chuẩn có thể tăng nhẹ so với năm trước.