Chị H chia sẻ, ngay khi nhận được lương chị sẽ chỉ để 7 triệu để chi tiêu. Bao gồm 1,5 triệu đưa chồng ăn sáng, trưa và xăng xe. Chồng chị H hiện làm freelancer tại nhà nên ngoài đón con thì hầu như cũng không đi đâu. 1 triệu chị dành cho bản thân chi tiêu việc ăn sáng, ăn trưa, không xăng xe vì chị H đang đi xe đạp điện. 1 triệu dùng đi chợ mua rau và thi thoảng mua đồ ăn tươi sống, hoa quả. 1 triệu còn lại là để chi tiêu cho các khoản phát sinh như đau ốm, thuốc thang.
Thực phẩm, bánh sữa đi siêu thị mua và tiền điện nước (khoảng 400k) sẽ được chị H dùng thẻ visa để quẹt, tháng sau sẽ trả khoản này. Tổng số tiền cho các khoản này được căn trong tầm 2,5 - 3 triệu.
Chị H để thêm từ 2,5 - 3 triệu là tiền học của 2 con. Bạn bé học bán trú nên cao hơn bạn lớn chỉ 700k đến 800k/tháng, đóng nhiều hơn vào đầu năm và cuối năm. Chia trung bình ra khoảng 3 triệu/2 bạn/tháng. Số tiền còn lại từ thu nhập chị H sẽ chuyển luôn vào tài khoản tiết kiệm ngay từ ngày được lĩnh lương.
Vậy là tiền mặt chị NTH chi tầm 7 - 7,5 triệu tùy tháng. Tiền thẻ là 3 triệu. Còn tháng nào tiêu ít thì tự động đẩy số tiền dư về tài khoản tiết kiệm.
Bảng ghi chép chi tiêu trên điện thoại trong vòng 1 năm của gia đình chị H. Ảnh: NVCC.
Chi tiêu luôn nằm trong tầm kiểm soát
Chị H có 1 tips để được ăn ngon mà lại rẻ tiền là hay đi siêu thị và ngó nghiêng khuyến mại. Ví dụ 2 bạn nhà chị H thích ăn kem mà siêu thị sẽ có loại kem 2 lít sale mỗi đợt chỉ còn 105k. Chị H sẽ mua từ 2-3 hộp về ăn 1 tháng luôn. Bơ ngon thì mua 4 - 5kg để tủ ăn cùng kem. Sữa đặc thì chị hay mua loại bình dân chỉ 25k/hộp dùng để nấu sữa hoặc xay sinh tố. Mùa hè dùng nhiều sẽ vừa rẻ lại có món giải khát cho gia đình.
Chị H có 1 tips để được ăn ngon mà lại rẻ tiền là hay đi siêu thị và ngó nghiêng các chương trình khuyến mại. Ảnh: NVCC.
Chị H chia sẻ thêm, đồ ăn của gia đình cũng ăn rất ít. "1 con ngan 2kg nhà mình phải ăn 4-5 bữa mới hết. Kho cá lên thì 2 vợ chồng ăn cũng chỉ vậy. Nấu 3 bữa là thừa sang bữa sau nên mình căn đồ ăn cũng chuẩn cho cả nhà vì quen mức ăn rồi. Hôm nào nấu là hết hôm đó luôn.
Nhà mình không có thói quen ăn vã thức ăn mà chỉ ăn bữa chính là cơm và thức ăn cùng canh. Nên tiền ăn cả nhà 1 bữa tối cộng cả hoa quả đúng mùa chỉ tầm 2 triệu - 2,5 triệu/tháng. Hai bạn nhỏ uống sữa và bánh ngọt mình mua đầu tháng bằng thẻ khi đi siêu thị rồi. Chia 2 đợt để thi thoảng xem siêu thị có khuyến mại gì không sẽ mua luôn 1 thể".
Tiền mạng thì chị H sẽ mua cả năm luôn, 300k/năm cho sim 4G. Với gói mạng này 1 ngày chị sẽ có 5G dùng thoải mái, tính ra chị chỉ mất khoảng 1k/ngày. Chồng chị H cũng dùng tương tự. Tivi của gia đình thì lắp ăngten đầu kỹ thuật số có khoảng 30 kênh miễn phí. Và không mất tiền mua gói cap mạng nào cả.
"Thi thoảng mình có lướt trên mạng thấy nhiều gia đình tiêu từ 10 - 12 triệu/tháng cũng bị nhiều người nói là keo kiệt rồi bủn xỉn. Nhưng mình nghĩ đó là sự thật, vì chính gia đình mình cũng đang chi tiêu như vậy trong cả thập kỷ qua rồi, và không cảm thấy thiếu thốn gì cả. Quan trọng nhất cách quản lý tài chính sao cho hợp lý. Ốm đau thậm chí cũng cực ít ghé thăm gia đình mình. Một năm gia đình mình vẫn đi du lịch đều đều vì những khoản như mua sắm quần áo sẽ đổ hết về du lịch trải nghiệm", chị H chia sẻ.
Nghe từ câu chuyện chi tiêu và quản lý của chị H mà các chị em cũng đồng loạt kết luận rằng, mọi người thu nhập 6 triệu hay 100 triệu, ở nông thôn hay thành phố đều được. Miễn sao có phương pháp quản lý chi tiêu tốt cho gia đình mới là chuyện cần. Với cách quản lý phân bổ chi tiêu hợp lý, cả gia đình 4 người của chị H vẫn có cuộc sống đàng hoàng mà không phải “điên đầu vì tiền” trong thời buổi bão giá.
Bài viết ghi theo lời chia sẻ của nhân vật