Anh Lưu năm nay 33 tuổi, đang sống cùng gia đình tại Vũ Hán, Hồ Bắc (Trung Quốc). Bởi vì được nghỉ Tết sớm hơn 1 tuần nên anh hào hứng đảm nhận việc dọn dẹp nhà cửa. Trong nhà có nhiều bàn ghế và đồ trang trí nội thất bằng đá cẩm thạch nên anh Lưu mua trên mạng 1 gói bột tẩy rửa chuyên dụng cỡ lớn.
Lần đầu tự pha chế chất tẩy rửa nên anh Lưu còn lúng túng, lỡ tay pha quá nhiều trong khi dung dịch này không thể để quá lâu ngoài không khí. Nhìn ngang nhìn dọc một hồi, anh quyết định dồn dung dịch vào vỏ chai nước khoáng đã uống hết.
Anh Lưu cứ hết quét dọn rồi lại lau chùi, kì cọ, ngoảnh đi ngoảnh lại đã nhiều tiếng đồng hồ trôi qua. Vốn ít khi lao động chân tay lại có thể hình khá mũm mĩm, anh cảm thấy mệt mỏi đến mức không leo nổi cầu thang, khát khô cả cổ. Đúng lúc thấy có chai nước khoáng để trên bàn ngoài phòng khách, anh vội mở nắp rồi uống một ngụm lớn.
Thấy chất lỏng trong miệng có vị nhàn nhạt rất lạ, lại có mùi hóa chất, anh Lưu mới bất giác nhớ tới số dung dịch tẩy rửa dồn vào hồi sáng. Tuy nhiên, còn chưa kịp chạy vào nhà tắm để nôn thì cảm giác bỏng rát cổ họng đã ập tới. Anh dùng ngón tay móc họng để cố tống dung dịch ra ngoài.
Súc miệng xong, anh Lưu liền uống thêm rất nhiều nước lọc nhưng cơn đau rát không thuyên giảm. Ngồi nghỉ khoảng 10 phút, anh bắt đầu cảm thấy tức ngực, bụng đau dữ dội, choáng váng và buồn nôn. Lần này anh phát hiện mình nôn ra máu, hoảng hốt gọi điện báo cho người nhà rồi một mình đi thẳng tới Khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Trung ương Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc) để điều trị.
Ảnh minh họa
Phó khoa Tiêu hóa Sâm Trấn Minh kiểm tra sơ bộ rồi lập tức chuyển anh Lưu sang phòng cấp cứu. Ông cho biết, bệnh nhân bị bỏng thực quản, ngộ độc hóa chất, bỏng và xuất huyết dạ dày. Ngoài ra, thận và gan cũng đã bắt đầu bị ảnh hưởng, không điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm tính mạng.
Đừng bất cẩn khi bảo quản hóa chất
Theo yêu cầu của bác sĩ Sâm, vợ anh Lưu vội vã mang theo gói hóa chất và lọ dung dịch tẩy rửa bị uống dở đến bệnh viện. Sau khi tìm hiểu thành phần, nhóm hội chẩn đa khoa gấp rút bàn luận phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
May mắn là lượng dung dịch anh Lưu hấp thụ không quá nhiều, sức khỏe của anh thường ngày vốn rất tốt lại đến bệnh viện kịp thời nên đã vượt qua được cơn nguy kịch. Sau đó anh nằm theo dõi tại phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) 2 ngày thì được chuyển về phòng bệnh thường tại Khoa Tiêu hóa.
Dưới sự điều trị và chăm sóc tận tình của các nhân viên y tế, anh Lưu hồi phục rất nhanh và được xuất viện sau 1 tuần. Tuy nhiên, anh vẫn cần điều trị bán trú thêm 1 thời gian ngắn và phải cực kỳ cẩn trọng trong ăn uống, nói năng.
Qua trường hợp của anh Lưu, Trưởng khoa Tiêu hóa Trương Hạng cũng nhắc nhở mọi người đừng bất cẩn khi sử dụng và bảo quản các loại hóa chất, dung dịch tẩy rửa. Những ca bệnh phải cấp cứu do ngộ độc, xuất huyết tiêu hóa, bỏng thực quản, thậm chí suy đa tạng… do uống nhầm cồn y tế hoặc hóa chất tẩy rửa thật ra rất phổ biến. Nhiều nhất là vào những dịp lễ, Tết hay thời điểm chuyển giao giữa các mùa.
Trong số đó, rất nhiều người mắc sai lầm vì hóa chất, dung dịch tẩy rửa được đựng trong các chai đựng nước đã uống hết. Phần lớn đều không có nhãn phân biệt hoặc bị đặt ở những nơi dễ gây hiểu lầm như tủ lạnh, khay bếp, bàn uống nước…
Ông cũng hướng dẫn rằng, thay vì nước lọc, nếu uống nhầm hóa chất lạ, hãy nhanh chóng uống ngay nước cam, giấm, chanh… để trung hòa, giảm độc tố. Đừng quên dùng lòng trắng trứng gà, sữa… để bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa.
Quan trọng nhất là đừng cố tự gây nôn để tránh tổn thương thứ phát và nhanh chóng đến bệnh viện gần nhất. Đồng thời đừng quên mang theo loại hóa chất, dung dịch bị nuốt phải để các y bác sĩ có phương án điều trị nhanh và hiệu quả hơn.
Nguồn và ảnh: QQ, KKnews, Aboluowang
Link gốc: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/nguoi-dan-ong-33-tuoi-dot-nhien-dau-bung-du-doi-non-ra-mau-khi-dang-don-nha-don-tet-hoa-ra-vi-1-kieu-bao-quan-chat-tay-rua-khong-it-nguoi-lam-162223001000322012.htm
Theo ttvn.vn