Người Hà Nội đau đầu vì... kiến ba khoang
Anh Việt Hùng, 26 tuổi, quận Hoàng Mai, trong buổi tối làm việc, bất ngờ phát hiện một con kiến ba khoang trên tóc. Theo phản xạ, anh dùng tay hất mạnh, khiến con kiến bay xuống gầm bàn. Anh bình tĩnh đeo găng tay, dùng đèn pin rồi "truy tìm" kẻ thù. Để hạn chế độc tố của kiến bám vào da, anh sử dụng nhiều lớp giấy "vo tròn" kiến, sau đó nhanh chóng vứt vào thùng rác.
Sở dĩ anh Hùng xử lý chuyên nghiệp như vậy, vì cách đây một tuần, lũ kiến ba khoang tấn công khiến anh "mất ăn mất ngủ", trên cánh tay bị đốt vẫn chưa lành vết thương.
Anh kể, gia đình sinh sống tại tầng 21 của một tòa chung cư, bình thường hay mở cửa để tận hưởng không khí trong lành. Anh nhận định, đây chính là "con đường" kiến ba khoang dễ dàng "xâm nhập" vào nhà.
"Tôi thậm chí còn không biết bị đốt khi nào, chỉ đến ngày hôm sau cánh tay mẩn đỏ, rát và xuất hiện vết thương như bị bỏng, phồng rộp", anh nói.
Ra tiệm thuốc, nhờ kê toa thuốc trị kiến ba khoang, anh bôi hồ nước và một loại kem khác, 4 ngày sau tình trạng đỡ dần. Tuy nhiên, do bị đốt 2 cánh tay, nên mọi hoạt động sinh hoạt, làm việc của anh đều bị ảnh hưởng.
Kiến ba khoang - nỗi ám ảnh của mọi nhà. Ảnh: Internet.
Khoảng 2 tuần gần đây, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận trung bình mỗi ngày gần 100 bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang. Bệnh nhân tập trung nhiều ở các quận, huyện ven đô của Hà Nội. Nhiều trường hợp 2-3 người trong cùng gia đình phải đi khám, không ít người bị tổn thương nặng, đến viện khám sau 3-4 ngày xuất hiện các vệt đỏ đầu tiên do độc tố của kiến ba khoang.
Các bác sĩ nhận định, kiến ba khoang thường xuất hiện nhiều nhất tại khu dân cư vào 2 thời điểm tháng 5-6 và 9-10 hàng năm. Đây là thời điểm diễn ra và kết thúc vụ gặt lúa tại các tỉnh miền Bắc, trong đó có vùng ven đô Hà Nội.
Sau vụ gặt, nơi trú ngụ và kiếm ăn của kiến ba khoang không còn nên loài này tìm đến những hộ gia đình, khu chung cư gần cánh đồng, bãi đất trống, xuất hiện nhiều vào mùa mưa. Do có tập tính hướng sáng nên kiến ba khoang thường xuất hiện ở nơi có ánh đèn.
Anh Giang, 35 tuổi, sống tại tầng 22, Chung cư An Khánh, Hà Đông cho biết, 3 thành viên trong gia đình gồm anh, mẹ vợ và con gái đềubị kiến ba khoang đốt, phải vào viện thăm khám. Anh kể, kiến thường bay vào nhà nhiều nhất vào thời điểm chiều tối. Anh đóng kín cửa ban công, tắt thiết bị điện để chúng đỡ "tấn công". Trung bình, mỗi lần, anh bắt được ít nhất 5-7 con.
Vết thương khá nghiêm trọng trên cơ thể anh Giang. Ảnh: NVCC.
Huy Khánh, 20 tuổi, sống tại tầng 4 của khu ký túc xá khá ẩm thấp. Phòng có 8 người, thì 3 bạn bị kiến ba khoang đốt. Nỗi "ám ảnh kinh hoàng" thường trực, khiến cả nhóm xác định "sống chung với kiến" dù đã trang bị một số biện pháp ứng phó.
"Khi bị cắn trên cơ thể xuất hiện vết thương nhỏ như đồng xu, bỏng đỏ và rộp. Bôi thuốc mấy ngày sau sẽ khỏi", Khánh nhớ lại. Thông thường khi phát hiện kiến trên giường hoặc tường phòng, các bạn sinh viên sẵn quyển vở hoặc đôi dép... đập nát bét.
"Mấy con kiến ba khoang đúng là... kinh dị, đi ngủ chỉ sợ chúng chui vào tai", Khánh nói.
Anh Thành Chung, sống ở tầng 23, chung cư cổng Thiên đường Bảo Sơn, Hoài Đức cho biết, đợt trước, trong vòng một tiếng anh bắt được 40 con kiến ba khoang. Nhưng anh nói "còn ít", vì có nhiều căn hộ trong tòa nhà, phải đến cả trăm con.
Vợ anh bị kiến đốt cạnh mũi, bôi hồ nước 3 ngày là khỏi. Trong khi đó, một người bạn của anh sống ở Khu đô thị Thanh Hà bị vết thương dài cả tay, gần mắt, cổ do lúc ngủ không biết bị kiến đốt. "Tôi dùng thuốc xịt nhưng không hết kiến, nên đã đeo găng tay và 'tiêu diệt' chúng, tránh để dịch của kiến dính vào da là được", anh chia sẻ.
Một căn hộ trong tòa nhà bị "bao vây" bởi kiến ba khoang. Ảnh: NVCC.
Chuyên gia cảnh báo bùng phát viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang
Bác sĩ Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết, kiến ba khoang có tên khoa học là Paederus fuscipes Curtis (Staphylinidae, Coleoptera), trong cơ thể chúng có chứa pederin-độc tính gây bỏng.
Loài côn trùng này có thân hình thon, dài như hạt thóc (dài 0,7-1 mm, ngang 2-5 mm), có hai màu cam sẫm và đen, độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc rắn hổ mang nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên chủ yếu gây bỏng da, phỏng rộp.
Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang biểu hiện là thương tổn hồng ban, hơi phù nề, mụn nước, mụn mủ có dạng đường, thường ở vị trí vùng da hở như mặt, cổ, tay, chân. Thương tổn đối xứng có thể thấy ở vùng nếp gấp như nách, bẹn, nếp gấp khuỷu tay hoặc khoeo chân. Nếu độc tố dính vào tay, nhưng không rửa tay sạch ngay thì vô tình sẽ làm độc tố dính vào các vùng khác trên cơ thể.
Việc điều trị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang không khó nhưng nếu không đúng có thể gây viêm nặng hơn, nhiễm khuẩn thứ phát và loét. Vì vậy khi mắc bệnh, bạn không tự điều trị mà nên đến cơ sở y tế để được chăm sóc và xử trí thích hợp.
Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang không gây nguy hiểm nếu được chăm sóc và điều trị đúng, nhưng có thể thành dịch làm cho nhiều người trong gia đình hoặc một khu dân cư cùng mắc bệnh một lúc, hoặc trên cùng một người có thể mắc nhiều lần trong mùa.
Hồ nước là một trong những hỗn dịch dùng ngoài da người dân thường sử dụng để xử lý sau khi bị kiến ba khoang đốt.
Nếu có kiến ba khoang trong khu vực, các bác sĩ khuyến cáo nên thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng, vì kiến ba khoang rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang.
Ngăn kiến ba khoang vào trong nhà bằng cách sử dụng lưới các cửa sổ và cửa ra vào, đóng cửa thường xuyên sau khi ra vào, nên ngủ trong mùng/màn, vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà.
Người dân nên mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài, nhất là những vùng gần đồng ruộng, khu dân cư nhiều ánh đèn, gần công trình xây dựng.
Trong trường hợp đã tiếp xúc với kiến ba khoang hoặc nghi ngờ là đã tiếp xúc với chúng, nên thực hiện theo hướng dẫn sau:
Nếu có kiến ba khoang đang bò trên người, bạn hãy lấy nó ra khỏi người bằng cách thổi hoặc để một tờ giấy vào cho nó bò lên và lấy nó ra. Sau đó rửa sạch vùng da đã tiếp xúc.
Không nên đập chết hoặc chà xát chúng trên da. Nếu bạn lỡ tay đập hoặc chà xát chúng trên da thì phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc để hạn chế độc tính.
Đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu.
Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/nguoi-ha-noi-kho-so-khi-kien-ba-khoang-bao-vay-di-ngu-chi-so-chung-chui-vao-tai-162200710000006443.htm
Theo ttvn.vn