Siêu thị bán hàng đông lạnh trong nước và nước ngoài nhưng ít người mua
Kẽ hở tuồn hàng bẩn vào siêu thị
Cuối năm, nhu cầu thực phẩm tăng cao, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán. từ nhà dân cho đến các nhà hàng đều cần mua nhiều thực phẩm. Có lẽ vì thế mà nhiều doanh nghiệp, cá nhân bất chấp đến an toàn vệ sinh thực phẩm đã nhập những lô hàng đông lạnh hết hạn sử dụng, thậm chí còn đang trong quá trình phân hủy bốc mùi.
Năm nào, cơ quan chức năng cũng bắt hàng tấn thực phẩm đông lạnh từ chân gà, thịt lợn, thịt bò, nầm lợn, trứng non... có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc tuồn vào các tỉnh phía bắc, Thủ đô Hà Nội.
Thực phẩm chủ yếu đã ôi, hết hạn trong những lô hàng này nếu không bị bắt sẽ được tiêu thụ tại những chợ dân sinh, quán nhậu vỉa hè, bởi dễ qua mắt người tiêu dùng và không ai quản lý chất lượng tại những khu vực đó.
Mới đây nhất, hai container bên trong chứa khoảng 5 tấn nội tạng không rõ nguồn gốc, bốc mùi hôi thối vừa bị Công an Hà Nội phối hợp Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra phát hiện tại khuôn viên siêu thị Mega Market (Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhiều thùng xốp chứa hàng tấn lưỡi vịt, trứng non và nầm lợn đông lạnh có tem nhãn Trung Quốc nhưng không kèm theo hóa đơn chứng từ.
Cùng ngày, Đoàn liên ngành An toàn vệ sinh thực phẩm trước và sau Tết do ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng QLTT Hà Nội làm Trưởng đoàn giao cho Đội QLTT số 17 phối hợp với Đội 6, Phòng Cảnh sát môi trường (PC 05) Công An thành phố Hà Nội kiểm tra kho lạnh An Việt thuộc Khu Công nghiệp Quang Minh, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội.
Tại đây, đoàn phát hiện 25 tấn đùi gà hun khói do Hàn Quốc sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Trong đó 12 tấn đã hết hạn sử dụng từ ngày 9/3/2019, đang được chủ cơ sở “tẩy date” thêm thời gian sử dụng đến ngày 1/3/2020. Lô hàng có giá trị khoảng 5 tỷ đồng.
Tìm hiểu được biết, một đùi gà tây hun khói Hàn Quốc đang được giao bán 200- 250.000 đồng/đùi trên thị trường.
Với thực tế trên, lại một lần nữa khiến người tiêu dùng hoang mang không biết hàng hóa đông lạnh trong siêu thị có thực sự đảm bảo an toàn khi mà dân phải trả tiền mua đắt hơn chợ bên ngoài.
Tuy nhiên, trong thông cáo báo chí của phía siêu thị và bản tường trình của đơn vị vận chuyển hàng hóa cho thấy có nhiều kẽ hở để hàng hóa bẩn đến tay người tiêu dùng.
Cụ thể, Công ty Mega Market Việt Nam và siêu thị MM Mega Market không liên quan đến số lượng thực phẩm đông lạnh được cơ quan chức năng phát hiện trên 2 xe container. Theo Mega Market, đơn vị đã ký hợp đồng chuyên chở hàng hóa đông lạnh với Công ty TNHH Agility Việt Nam.
Ngày 27/12, Công ty Agility chở đơn hàng đông lạnh cho siêu thị MM Mega Market từ kho lạnh tỉnh Bình Dương ra kho lạnh của siêu thị ngoài Hà Nội.
Khuya 29/12, sau khi 2 xe trả hàng xong, theo hợp đồng, các xe container sẽ lấy pallet/khay rỗng từ các kho MM Mega Market Thăng Long (Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và siêu thị Hoàng Mai chở về siêu thị của đơn vị ở Bình Dương. Tuy vậy, sau đó cả 2 xe bị phát hiện chở nhiều thùng đông lạnh có tem nhãn Trung Quốc.
Công ty vận chuyển Agility, trong biên bản xác nhận sự việc khẳng định: “Tất cả hàng hóa trên do hai tài xế tự ý liên lạc và giao dịch với các đối tác bên ngoài và thực hiện việc vận chuyển không thông báo cho công ty”.
Các siêu thị bán hàng đông lạnh thế nào?
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc phụ trách Co.op Mart Hà Đông cho biết, hàng đông lạnh trong siêu thị có 2 loại là đông lạnh do doanh nghiệp trong nước sản xuất và đông lạnh nhập từ nước ngoài. Tất cả đều do nhà phân phối cung cấp có chứng nhận an toàn. Các mặt hàng đông lạnh chủ yếu là thịt, hải sản chứ không phải là nội tạng.
Mức tiêu thụ hàng đông lạnh trong siêu thị không nhiều, do thói quen của người dân vẫn thích đồ tươi sống. “Kể cả khi thịt lợn tăng giá vài tháng nay nhưng ngươì tiêu dùng vẫn lựa chọn thịt lợn tươi”, bà Dung nói.
Ngày 28/12, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội và công an Từ Liêm bắt giữ thực phẩm bốc mùi bên ngoài siêu thị Mega Market.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, ngay cả những siêu thị kiểm soát tốt nhất vẫn lọt lưới không ít thực phẩm có dư lượng hóa chất độc hại ở khâu thu mua và bảo quản. An toàn thực phẩm là chuyện không mới song là vấn đề nan giải do thiếu kỷ cương.
Người tiêu dùng chịu thiệt hại nhưng không có cách nào để xác minh nguồn gốc thực phẩm không sạch. Một tờ giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm không phải là quá khó để các cơ sở cung cấp thực phẩm đông lạnh cho siêu thị có nó.
"Các nước phát triển đều phân cấp trách nhiệm quản lý thực phẩm theo chuỗi sản xuất và phân phối. Tất cả đều được ghi vào nhật ký: Chuỗi này ai sản xuất, ai mua, ai vận chuyển, ai bảo quản, ai theo dõi quầy bán ra.
Trong các tài liệu của Pháp và Bỉ về đào tạo giám đốc siêu thị, ngoài vấn đề kỹ thuật, một câu rất thấm thía cho người làm bán lẻ là "Văn hóa kinh doanh là yếu tố cốt lõi". Người làm bán lẻ phải phục vụ khách hàng như phục vụ người nhà mới có thể mang lại thành công. Điều này tôi đã nói cách đây 30 năm khi mở siêu thị đầu tiên ở Hà Nội", ông Phú nói.
Theo ông Phú, nước ta vẫn chỉ quản lý chất lượng hàng hóa từ ngọn, chưa giải quyết triệt để từ gốc. Mức xử phạt vi phạm đối với các siêu thị quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Phạt một vài triệu, thậm chí 10 triệu đồng không thấm tháp gì so với doanh thu một ngày của một siêu thị.
Vì vậy, các giải pháp tới đây cần tập trung vào chính sách phát triển siêu thị, con người (quan trọng nhất là chọn cán bộ làm giám đốc siêu thị) và tăng cường kỷ cương. Kế đến là trách nhiệm của siêu thị về kiểm soát chất lượng sản phẩm và hệ thống bảo quản. Quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, của quản lý thị trường và lãnh đạo các siêu thị.
Dùng thực phẩm bốc mùi, ôi sẽ bị nhiễm khuẩn nguy hiểm
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), khi sử dụng loại nội tạng động vật có dấu hiệu bốc mùi hay mốc rất có thể người dùng sẽ bị nhiễm các loại vi khuẩn có hại như Salmonella, E.coli, Listeria monocytogenes hay đặc biệt tụ cầu trùng... Những loại vi khuẩn này gây hại cho cơ thể như ngộ độc thực phẩm, nôn ói...
Việc dùng thịt, nội tạng không rõ nguồn gốc, xuất xứ rất có thể sẽ khiến người tiêu dùng ăn phải nguồn thực phẩm từ động vật nhiễm bệnh. Chưa kể, để “phù phép” cho nội tạng như nầm lợn, trứng non hay lưỡi vịt còn tươi mới, nhiều thương gia có thể tẩm ướp hóa chất gây hại sức khỏe người tiêu dùng. Dùng những thực phẩm này về lâu dài sẽ dẫn đến những nguy cơ mắc bệnh mãn tính, trong đó sát thủ thầm lặng mang tên ung thư là thứ mọi người cần cẩn trọng cao độ.