Nguy cơ khủng hoảng tâm lý khi trẻ sợ đến trường

(lamchame.vn) - Sợ đi học, một số trẻ có thể than đau đầu, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa. Những triệu chứng này có thể tăng nặng hơn ngay trước giờ đi học.

Cha mẹ cần thường xuyên hỏi han về những điều khiến trẻ cảm thấy không thích trường học. Ảnh minh họa.

Tránh tranh luận

Trong khi đó, bà Phan Hồ Điệp - giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - đã đưa ra một số gợi ý để giúp cha mẹ khi trẻ không muốn đến trường. Trước hết, phụ huynh nên kiểm tra những nguyên nhân liên quan đến thể chất của trẻ. Nếu trẻ kêu mệt hoặc đau ở chỗ nào đó, hãy cho con đi khám.

Phụ huynh nên cẩn thận vẫn hơn. Bởi, không nên nghĩ là con kêu vì làm nũng, muốn nghỉ học. Cha mẹ cũng cần nói chuyện với con, thường xuyên hỏi han, trao đổi về những điều khiến trẻ cảm thấy không thích trường học. Sau đó, hãy thông báo về kế hoạch con sẽ quay trở lại trường.

Phụ huynh cần tránh các cuộc tranh luận về tầm quan trọng của việc đi học. Theo nữ giảng viên này, đây là việc nên làm, nhất là đối với những trẻ có cá tính mạnh hoặc đã lớn. Bài “thuyết trình” về việc học của cha mẹ sẽ không có hiệu quả gì, thậm chí là phản tác dụng. Điều đó sẽ càng khiến trẻ chán học hơn. Cha mẹ cũng cần lắng nghe các “manh mối”. Khi đó, phụ huynh phải thực sự là một nhà thám tử để điều tra xem con mình đang gặp vấn đề gì.

Điều quan trọng khác là cha mẹ hãy gặp gỡ giáo viên để cùng tìm cách giải quyết. Việc này sẽ giúp cô thông cảm và chia sẻ với tình trạng của con và cha mẹ. Cũng thông qua buổi gặp này, phụ huynh có thể trao đổi với cô xem liệu con mình có bị bắt nạt không và chuyện này cần được giải quyết triệt để.

Phụ huynh cần giữ tâm trí cởi mở. Đồng thời, không đổ lỗi cho giáo viên rằng, vì cô đã làm điều gì sai nên con mình không muốn đến trường. Theo bà Phan Hồ Điệp, khi gặp những phiền toái, cách khiến chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm nhất là đổ lỗi. Song, làm như vậy không giải quyết được chuyện gì.

Khi trẻ không muốn tới trường, cha mẹ không nên biến việc để con ở nhà trở nên hấp dẫn. Thay vào đó, hãy để con biết rằng, nếu thực sự bị bệnh, trẻ cần gặp bác sĩ và ở trên giường nghỉ ngơi.

Trong trường hợp trẻ không “giả ốm” mà vẫn không đến trường, cha mẹ hãy yêu cầu con học, đọc tại bàn với tư thế thẳng lưng. Với những trẻ lớn hơn, cha mẹ hãy đánh thức con dậy theo đúng thời gian biểu. Việc này khó vì cha mẹ thường đi làm, nhưng phụ huynh hãy cố gắng hết sức trong giai đoạn con mình đang “trì hoãn”. Nếu không, phụ huynh hãy nhờ sự giúp đỡ của một người nào đó không phải đi làm.

Điều quan trọng là cha mẹ phải thiết lập quy tắc đối với con. Bởi, một số trẻ nhận thấy, khi con vờ đau bụng thì cha mẹ sẽ khó phát hiện. Vì thế, cha mẹ hãy đề ra quy tắc, trừ trường hợp con bị sốt thì sẽ nghỉ học. Trường hợp còn lại, con sẽ đến trường và nếu cần thì xuống phòng y tế.

Phụ huynh cũng có thể đưa ra một số thay đổi để đem lại cảm xúc tích cực cho trẻ. Ví dụ, thay vì mẹ vẫn đưa trẻ đến trường thì để cha hoặc ngược lại. Phụ huynh cũng nên dành nhiều thời gian để hỏi con về trường lớp và đón trẻ bằng nụ cười, cũng như sự ấm áp.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU