Nguyên nhân.
Viêm tai giữa thường xuất hiện sau một trận cúm, viêm đường hô hấp. Nguyên nhân có thể do vi rút và vi khuẩn từ mũi thâm nhập vào tai vòi nhĩ ớt – tát (vòi nhĩ ớt – tát là đường ống rất nhỏ thông từ vách mũi lên trên tai). Vòi ớt – tát ở trẻ ngắn và nằm ngang so với người lớn, là điều kiện cho vi khuẩn và virus thâm nhập vào tai giữa dễ dàng. Vòi này của trẻ cũng hẹp và mềm hơn, do đó dễ bịt kín. Ngoài ra, có một số yếu tố khác dẫn tới bệnh viêm tai giữa ở trẻ, phổ biến nhất là việc tiếp xúc với khói thuốc lá, bú bình và đi nhà trẻ.
Viêm tai giữa phổ biến ở bé trai hơn bé gái, đặc biệt là những em có tiền sử bệnh trong gia đình. Bệnh cũng thường xảy ra vào mùa đông – mùa của các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên và cảm lạnh.
Triệu chứng của viêm tai giữa
Biểu hiện chung
- Đau tai: Trẻ thường bị đau liên tục. Trẻ lớn thường tự kêu đau nhức trong tai, trẻ nhỏ chưa biết nói thể hiện đau tai qua những cơn khóc, lắc hoặc ngoáy đầu, giật tai, ôm đầu khóc,… Nguyên nhân gây đau tai do dịch trong tai giữa đọng nhiều gây sức ép lên màng nhĩ.
- Nếu dịch tích tụ quá nhiều thì có thể bị thủng màng nhĩ, dẫn tới rò rỉ dịch trong tai. Hiện tượng này sẽ làm giảm áo suất dưới màng nhĩ, khi đó trẻ sẽ bớt đau hơn.
- Tư thế nằm, nhai và bú có thể gây ra những cơn đau do sự thay đổi áp suất trong tai giữa. Vì thế, trẻ có thể ăn ít hơn hoặc khó ngủ.
- Ngoài ra, chất dịch đọng trong tai giữa có thể gây cản trở đường truyền âm thanh, dẫn tới tình trạng khó nghe tạm thời. Trẻ có thể có biểu hiện hơi nghễnh ngãng; không có phản ứng với âm thanh yếu, nói to hơn, mất tập trung,…
- Sốt, thường từ 38,5 độ C.
- Đôi khi có kèm theo rối loạn tiêu hóa: đau bụng, nôn, tiêu chảy.
- Trẻ cũng có thể có các triệu chứng của viêm đường hô hấp trên như ho, sổ mũi hoặc nghẹt mũi.
Triệu chứng lâm sàng và một số biện pháp điều trị
Bác sĩ soi tai sẽ thấy hiện tượng viêm biểu hiện theo các mức độ sau:
- Nếu màng nhĩ chỉ tấy đỏ nhẹ thì đó là viêm tai sung huyết, chứng này chỉ cần chưa bằng thuốc giảm đau chống viêm và nhỏ tai bằng thuốc.
- Nếu màng nhĩ viêm đục hoặc sưng tấy, hoặc có dịch chảy từ tai ra, hoặc với trẻ nhỏ tuổi hay đã từng bị viêm tai giữa nhiều lần thì cần phải điều trị bằng thuốc kháng sinh. Bác sĩ cũng có thể dùng biện pháp trích màng nhĩ nhằm giải phóng chất dịch mủ và làm giảm độ căng để giảm đau.
- Biện pháp phẫu thuật ống tai cần được áp dụng cho một số trẻ bị mất thính giác liên tục.
- Trong mọi trường hợp, cần theo dõi chặt chẽ viêm tai của trẻ cho đến lúc khỏi hẳn để tránh bị chuyển sang viêm tai giữa mãn tính hoặc một số biến chứng nặng hơn như: viêm ống tai sau, viêm não,…
- Trẻ bị viêm tai giữa nhiều lần có thể bị suy giảm độ nghe, càng ngày trẻ nghe càng kém. Lúc này nhất thiết trẻ phải được khám, chữa trị và theo dõi lâu dài ở bệnh viện.
Bệnh kéo dài trong bao lâu?
Viêm tai giữa thường tự biến mất trong 2 – 3 ngày, thậm chí không cần bất kỳ liệu pháp đặc trị nào. Nếu bác sĩ cho trẻ dùng kháng sinh thì liệu trình 10 ngày là tối đa. Đối với những trẻ từ 6 tuổi trở lên bị viêm nhẹ hoặc trung bình, bác sĩ thường chỉ cho dùng một liều kháng sinh từ 5 -7 ngày, Tuy nhiên, kể cả sau khi đã điều trị bằng kháng sinh hết một đợt viêm, dịch vẫn có thể đọng lại trong vùng tai giữa trong vào tháng sau đó.
Phòng bệnh
- Nuôi con bằng sữa mẹ tối thiểu 6 tháng, Việc này giúp ngăn ngừa sự phát triển các đợt viêm tai từ sớm. Nếu trẻ bú bình, cần cho trẻ bú đúng tư thế, giữ cho trẻ ở một góc nghiêng vừa phải, không nên cho trẻ bú nằm hoặc bú bình khi ngủ.
- Phòng tránh bệnh viêm tai giữa bằng cách khi trẻ bị viêm đường hô hấp trên, bạn cần phải giúp trẻ làm thồn thoáng mũi, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý chín phần nghìn hoặc nước biển tinh khiết hoặc thuốc nhỏ mũi theo chỉ định của bác sĩ.
- Tránh cho bé tiếp xúc với khói thuốc lá, nếu không khói thuốc lá sẽ làm tăng số lần và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
- Giảm tiếp xúc với nhiều trẻ khác, nhằm ngăn ngừa các bệnh viêm đường hô hấp trên – nguyên nhân gây viêm tai thường xuyên.
- Rửa tay sạch. Cả trẻ và cha mẹ cần thực hiện việc này. Đây là một trong những cách quan trọng nhất giúp giảm nguy cơ truyền bệnh.
- Cho trẻ tiêm chủng đúng lịch, vì một số loại vắcxin có thể giúp ngăn ngừa viêm tai giữa.
- Thỉnh thoảng cho trẻ đi đổi gió nếu có thể được.
Nguồn: Thành viên diễn đàn Lamchame.com tổng hợp