Nhà báo Trần Thị Cẩm Bào (Phó Tổng thư ký Tạp chí Tri thức công nghệ) phát hiện mắc căn bệnh ung thư vú thể ác tính nhất (bộ 3 âm tính) cách đây 7 năm.
Thời điểm phát hiện ra bệnh ung thư đã phát triển sang giai đoạn 2, có di căn hạch. Bác sĩ tư vấn nếu chị tuân thủ điều trị có thể sống thêm được 2-3 năm nữa.
Nhờ sự kiên trì điều trị, quyết tâm chiến đấu với căn bệnh ung thư chị Cẩm Bào chiến đấu được với bệnh tật 7 năm nay.
Chị Bào đã trở thành nguồn động viên tinh thần, nguồn cảm hứng cho rất nhiều bệnh nhân ung thư vững bước trên con đường chiến đấu bệnh tật. Người đồng bệnh gọi chị với cái tên thân thiện "bác sĩ hoa súng".
Tôi không bao giờ quan trọng số lượng ngày tôi sống, ngay cả khi tôi chưa mắc bệnh. Tôi chỉ quan trọng chất lượng ngày sống đó, tôi đã làm được cái gì, đó là mục tiêu mà tôi hướng đến.
Tôi cũng hướng cho gia đình tôi (chồng và con) có suy nghĩ tích cực như vậy. Khi đó tôi thấy cuộc sống ý nghĩa, tâm hồn trở lên an nhiên, tự tại.
Nhà Báo Cẩm Bào áo xanh đang vui vẻ với một người đồng bệnh, ảnh Diệu Thuần.
Tôi đã trải qua rất nhiều biến cố trong cuộc đời, 7 năm điều trị ung thư đã có lần tôi tưởng mình không thể tỉnh lại. Có thời điểm tôi nghĩ mình sẽ gục ngã, nhưng rồi cuộc đời lại cho tôi nở nụ cười.
Tôi rất trân trọng 1 ngày sống, tôi cảm thấy một ngày 24 tiếng quá ít để thực hiện những công việc tôi phải làm. Có thể mọi người nghĩ tôi là một người tham lam, ôm đồm, nhưng với tôi không phải như vậy.
Gần đây, sức khỏe của tôi chuyển biến xấu, có những ngày tôi đã rơi hôm mê và khi tỉnh dậy tôi nghĩ có còn thời gian cho những việc tôi cần làm hay không?.
Nếu tôi chỉ còn 1 ngày để sống, tôi sẽ dành thời gian nhiều cho những người đồng bệnh.
Tôi muốn gặp những người đồng bệnh để cùng gắn kết những bàn tay lên những bàn tay, tiếp sức những hơi ấm và để họ tạm biệt tôi... Trước khi, tôi bước lên một chuyến tàu và đến 1 sân ga mới.
Bởi vì, tôi là bệnh nhân ung thư nên tôi xem cộng đồng, đồng bệnh như là người thân, bác sĩ là ân nhân, bệnh viện là bến đỗ bình yên.
Những tháng ngày tôi ốm đau, chính đồng bệnh là người đã nâng đỡ tôi. Khi tôi nằm liệt tại bệnh viện mặc dù họ với tôi không ruột thịt, không máu mủ, họ cũng là bệnh nhân, nhưng họ đã làm những việc chưa chắc người khỏe mạnh làm được.
Nhà báo Cẩm Bào ngoài cùng bên phải chụp ảnh cùng người bệnh ung thư.
7 năm qua tôi sống với họ và họ đã ban tặng cho tôi rất nhiều tình thương yêu trong sự nghèo khó. Do vậy, trong cuộc đời của tôi không bao giờ thiếu họ. Ở bất cứ đâu tôi luôn gửi lời hỏi thăm sức khỏe tới người đồng bệnh muôn phương.
Tình thương có được bền lâu hay không là do mình vun đắp, chăm bón, nâng niu, trân trọng, khi tôi đau nặng nhất đồng bệnh muôn phương rất nhiều người đã rơi nước mắt.
Những cuộc điện thoại, tin nhắn của họ gửi gắm rất nhiều tình cảm cho tôi. Tôi đã nhận được rất nhiều chia sẻ xúc động từ các bạn đồng bệnh như nếu mất tôi xem như cuộc đời của họ khép lại hay giá họ chết thay tôi để tôi sống sẽ giúp cho người đồng bệnh khác... Chính những câu nói, lời động viên từ các bạn đồng bệnh đó đã níu kéo tôi lại với cuộc sống.
Tôi nghĩ không có mái nhà chung nào như cộng đồng bệnh nhân ung thư. Họ cũng giống như tôi đã qua sông mới thấy được sông quá sâu; vượt qua tâm bão, chống chọi với bão tố phong ba thì mới đến với bến bờ sự sống.
Do vậy, nếu chỉ còn 1 ngày để sống tôi sẽ luôn nhớ về họ, mong họ sức khoẻ, thành công giúp tiếp cho cộng đồng bệnh nhân phía sau. Dù đồng bệnh nơi đâu cũng là anh em máu mủ, ruột thịt của tôi.
Tôi có ra đi mãi mãi thì người đồng bệnh hãy vì tôi mà giữ gìn sức khoẻ. Đừng buồn, đừng lo cho tôi nữa, như vậy tôi mới an lòng. Họ hãy tạm biệt tôi bằng những nụ cười chứ không phải là mưa của những giọt lệ.
Chỉ còn một ngày để sống tôi ước muốn sẽ ra được cuốn tự truyện về quá trình 7 năm tôi đi điều trị bệnh. Cuốn nhật ký đó đối với tôi không phải là cái gì quá to tát, ghê gớm.
Nhưng tôi muốn 1 ngày mình còn sống làm được điều mình gửi gắm tình cảm cho những nhân vật đã đi qua cuộc đời tôi. Đây cũng là món quà cuối cùng tôi dành tặng cho cô con gái bé bỏng của mình.
Nếu tôi đã làm được việc ra mắt cuốn tự truyện, tôi lại muốn làm thêm một điều khác. Trước khi, tôi mất, tôi có thể gặp được những nhà hảo tâm, những người đồng hành thiện nguyện với tôi trong rất nhiều năm.
Nếu đã làm xong việc đó, tôi sẽ làm tiếp thêm một việc nữa. Tôi sẽ nhờ các tình nguyện viên, nhà hảo tâm đưa tôi đến bệnh viện mà tôi đã từng đi qua. Tôi đến gặp lãnh đạo bệnh viện, ban công tác xã hội bệnh viện và nở một nụ cười như một lời tri ân thay mặt đồng bệnh. Tôi mong ước họ tiếp tục giúp đỡ mang lại sự sống cho những người đồng bệnh của tôi.
Nếu tôi đã làm được điều đó rồi, tôi sẽ làm thêm một điều nữa, tôi sẽ gặp những người đồng nghiệp là anh - chị - em báo chí, truyền thông để gửi một lời nhắn nhủ, ôm chặt những bờ vai, cảm thông với cái nghề rất là vất vả và nguy hiểm.
Bởi vì, họ chính là những nhà hảo tâm thầm lặng tiếp sức và lan tỏa những kiến thức chính thống, hữu ích cho bệnh nhân ung thư. Họ chính là người gõ cửa tâm hồn của bệnh nhân để bệnh nhân tiếp cận được kiến thức thiện nguyện.
Nếu khi tôi đã hoàn tất được tất cả những việc mình muốn làm, còn một điều cuối cùng trước khi tôi ra đi. Nếu có duyên tôi muốn trở về quê nhà, cố đô Huế. Tôi muốn được ngắm cảnh hoàng hôn buông xuống bên dòng sông hương thơ mộng.
Nếu như sức khỏe mình không cho phép về được Huế tôi cũng không buồn. Tôi có thể nằm nhớ lại những tháng ngày đẹp, tuổi thơ của tôi ở quê nhà, tĩnh lặng để nghe bài Tình Huế qua giọng ca của ca sĩ Vân Khánh.
Nhà báo Cẩm Bào chụp ảnh cùng chồng.
Trong một ngày đó, tôi không nhắc tới gia đình (mẹ, chị, mộ cha ở Huế), không phải là tôi không nhớ tới họ. Mà tôi luôn mong muốn khi tôi chết những người thân yêu của tôi vẫn có tinh thần mạnh mẽ, lạc quan, đừng sống bi luỵ.
Hãy xem việc ra đi của tôi là rất bình thường, nên tôi muốn chồng, con, mẹ, chị an lòng bước tiếp những tháng ngày mạnh mẽ. Khi đó, tôi ở bất cứ nơi đâu tôi vẫn luôn dõi theo họ, vui và hạnh phúc khi cuộc sống của họ luôn bình an và sống có ích.
Trong cuộc đời bạn có thành công tới đâu, tài giỏi tới thế nào, nếu như bạn không làm một người tử tế thì tất cả mọi điều bạn đạt được chỉ là phù phiếm. Muốn trở thành người thành công thực sự bạn phải học làm người tử tế.
Để học sự tử tế phải biết thiện nguyện, đó là nơi thể dục tâm hồn. Khi đi làm thiện nguyện bạn chứng kiến những mảng đời khốn khó và bạn được như bây giờ mới thấy bạn là người hạnh phúc. Như vậy, bạn mới trân trọng 1 ngày bạn sống và biết được bạn nên làm điều gì. Thiện nguyện là nơi tu học, trường đời dạy cho bạn làm người.
LTS: Trong cuộc sống, chúng ta cứ lao đi vun vút nhưng đã bao giờ chậm lại để tự hỏi mình: Thứ gì mới là quý giá nhất trong cuộc đời mình? Sức khỏe, con cái, bố mẹ, anh em, bè bạn quý hơn tiền bạc, địa vị, danh vọng quý hơn? Mỗi ngày, chúng ta đã làm những gì cho những điều chúng ta cho là quý giá nhất?
Chuyên mục NẾU CHỈ CÒN 1 NGÀY ĐỂ SỐNG, với sự tham gia của những gương mặt tên tuổi sẽ góp phần giải mã những câu hỏi vừa dễ vừa khó ấy.
Theo Theo Tri thức trẻ