Công trường xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C của Anh. Nguồn: Building (UK)
Theo cơ quan quản lý của Anh và các kỹ sư Pháp, đến thời điểm nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C (của Anh) trị giá 25 tỷ đô la Mỹ hoàn thành, có thể là vào năm 2028, bức tường chắn biển bằng bê-tông cao 12,5 mét, dài 900 mét sẽ phải được xây dựng đủ bền, đủ mạnh mẽ để chịu được cơn bão mạnh nhất, sóng thần lớn nhất và mực nước biển dâng cao nhất. Hinkley Point C được kỳ vọng sẽ cung cấp điện không phát thải carbon cho khoảng 6 triệu hộ gia đình.
Vấn đề đảm bảo an toàn cho nhà máy điện hạt nhân gần biển không phải là chủ đề mới. Năm 2023, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thậm chí đã bàn đến việc đảm bảo an toàn cho nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển hoặc trên một hòn đảo.
Canada, Trung Quốc, Đan Mạch, Hàn Quốc, Nga và Mỹ đều đang nghiên cứu thiết kế lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) trên biển, một số đang trong giai đoạn phát triển nâng cao; và Nga thậm chí còn có một nhà máy điện hạt nhân nổi, Akademik Lomonosov, đang hoạt động thương mại ở vùng Viễn Đông của nước này.
Nhìn xa hơn, “để đạt được mục tiêu Net Zero đòi hỏi phải sử dụng tất cả các nguồn năng lượng sạch hiện có”, Mikhail Chudakov, Phó Tổng giám đốc IAEA và Trưởng phòng Năng lượng hạt nhân, cho biết vào năm 2023. “Các nhà máy điện hạt nhân nổi không cạnh tranh với các lò SMR trên đất liền mà mở rộng việc sử dụng và tiềm năng của công nghệ hạt nhân đó để đạt được mục tiêu Net Zero quy mô toàn cầu”.
Tham khảo: VTV, Ensia, EC, National Geographic, IAEA
Theo Trang Ly