Nháo nhào cho con đi khám dinh dưỡng, bà mẹ bật khóc trước lời khuyên của bác sĩ: Hãy cho con nhịn đói!

Nguyên nhân dẫn tới việc trẻ biếng ăn nhiều khi không nằm ở trẻ mà là do cách nuôi dạy của cha mẹ.

Ảnh minh họa.

Bác sĩ Thanh Sang cho biết anh từng tiếp nhận trường hợp một bé 26 tháng tuổi chỉ nặng 7.4kg và cao 68cm, tất cả các chỉ số ở mức báo động. Nguyên nhân chỉ vì bà mẹ bận, thấy con chỉ thích uống sữa tươi, cháo loãng nên nghiễm nhiên cứ để con ăn uống như vậy dẫn tới thiếu sắt.

Bác sĩ phải dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu chế độ ăn uống của bé rồi cùng mẹ bé thay đổi cách cho trẻ ăn. Từ đứa trẻ chỉ ăn cháo loãng, con đã bắt đầu làm quen với mâm cơm, các món ăn và biết nói cảm ơn ba mẹ sau khi được ăn cái gì ngon.

Kỷ luật trong ăn uống

Theo bác sĩ Thanh Sang, kỷ luật trong ăn uống rất quan trọng. Cha mẹ không nên cho trẻ ăn uống tự do. Với những trẻ lười ăn thì kỷ luật trong ăn uống càng quan trọng.

Khi ăn uống nên cho con 30 phút ngồi ăn cùng gia đình, không xem thiết bị điện tử, không chơi... và mẹ phải giải thích từng món ăn cho bé và hỏi bé thích món nào.

Nếu sau 30 phút trẻ không ăn thì dọn hết đi và cho con đi chơi, không cho uống sữa để đợi cữ ăn sau.

Tương tự, bữa tối cũng cho trẻ ngồi cùng gia đình, nếu không ăn thì cũng không cho trẻ ăn các món khác thay thế như uống sữa, bim bim, kẹo bánh.Trước khi đi ngủ 1 tiếng thì cho uống 1 hộp sữa và đánh răng đi ngủ.

Với trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể nói chuyện với con về vấn đề bố mẹ không hài lòng khi con không ăn mà chỉ ham chơi. Nói chuyện với con để con chỉ cho mẹ món con thích, màu sắc con thích...

Mẹ phải hiểu sở thích của con rồi nấu theo sở thích của con, đừng nên nấu theo sở thích hay suy nghĩ của mẹ. Cha mẹ nên khen  ngợi con khi con ăn tốt.

Khi con lười ăn, cha mẹ không nên la mắng con mà bày tỏ thất vọng và cương quyết không cho uống sữa.

Bố và mẹ cần hiểu việc mình đang làm là tập nền nếp ăn  uống và giúp con cảm thấy thích thú với bữa cơm chứ không phải là đang bỏ đói con.

Trẻ nhỏ khi đói cũng không thể ngất xỉu, nhưng nó chưa đói hay thực sự chưa tới lúc ăn mà cứ ép chúng ăn dẫn tới sự sang chấn tâm lý và sợ hãi.

Bác sĩ Thanh Sang khẳng định, can thiệp dinh dưỡng không phải là kê một đống thuốc bổ hay các loại sữa đắt tiền cho đứa bé. Can thiệp dinh dưỡng chính là cố gắng tìm ra những lỗi sai trong chế độ ăn uống để sửa chữa, những chất còn thiếu để bổ sung và những thói quen không tốt để rèn luyện.

 

 

Theo afamily.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU