Nhiều trẻ mắc tay chân miệng dạng nguy hiểm, cha mẹ cần lưu ý

(lamchame.vn) - Trong 1 tháng trở lại đây, các bệnh viện nhi ở miền Nam có số ca mắc bệnh tay chân miệng liên tục tăng cao. Đặc biệt là tỷ lệ trẻ mắc bệnh do virut EV71 rất cao - đây là virut gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng trẻ.

Nhiều ca tay chân miệng nặng

Khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM trong 3 tuần qua trở nên quá tải, đông kín bệnh nhi điều trị vì bệnh tay chân miệng. Trong đó, nhiều bé bệnh rất nặng, có bé gặp biến chứng phải thở máy, lọc máu.

Có con đang điều trị tại đây, chị Thanh Lý (ở Bình Tân, TPHCM) cho biết, con trai chị không có biểu hiện gì nổi bật, không sốt cũng không nổi mụn. Bé chỉ lười ăn, ói suốt 2 ngày qua nên chị đưa con đi khám. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ chẩn đoán bé bị tay chân miệng dạng nguy hiểm vì mụn nước mọc sâu trong họng.

Một bà mẹ có con mắc tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (ảnh T.A)

Tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai có số ca đến khám và điều trị bệnh tay chân miệng liên tục tăng cao. Chị Duy Khánh (TP. Biên Hòa) đang chăm sóc con trai 1 tuổi điều trị bệnh tay chân miệng ở đây cho biết, bé nhà chị bình thường ăn rất tốt nhưng 2-3 bữa nay bỗng dưng bỏ ăn. Chị cố ép con ăn thì bé cũng lại ói ra. Ban đầu, chị đưa con đi phòng khám tư khám thì bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm amidan nên cho thuốc về uống. Chị cho con uống thuốc đúng như hướng dẫn của bác sĩ nhưng bé càng ói nhiều hơn. Sau đó, chị phải đưa con đi khám lại ở bệnh viện và được chẩn đoán bệnh tay chân miệng, phải nhập viện để theo dõi. “May mà đưa con đến bệnh viện kịp. Nhìn mấy cháu phải nằm thở máy mà rùng mình”.

BSCKII Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết, trong 3 tuần nay, số trẻ phải nhập viện vì tay chân miệng tăng đột biến. Đỉnh điểm có ngày, khoa phải điều trị cho 222 bé. Hiện khoa đang có 25-30 bé mắc nặng đang được theo dõi sát, 10 bé phải thở máy và 4-5 bé phải lọc máu. Lượng bệnh nhi nhập viện, nhất là số ca nặng vẫn đang tiếp tục tăng.

Bệnh tay chân miệng nguy hiểm như thế nào?

Theo BS Khanh, nguyên nhân của những ca tay chân miệng nặng là do virut EV71. Những năm trước, trẻ mắc tay chân miệng cũng nhiều nhưng tỷ lệ mắc do virut EV71 rất thấp. Năm nay, 50% trẻ mắc là do virut này. Đặc tính của loại virút EV71 là lây lan rất nhanh và diễn tiến nặng, sốt cao. Trẻ mắc bệnh tay chân miệng do virut EV71 sẽ dễ bị các biến chứng thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh.

Từ trước đến nay, bệnh tay chân miệng đã được cảnh báo rất nhiều. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ chưa hiểu được sự nguy hiểm của loại bệnh này, nhất là những ca mắc do virut EV71. Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh cũng như thuốc đặc trị, do đó, phụ huynh càng cần phải lưu ý. Nhất là những cha mẹ có con dưới 3 tuổi.

Mụn nước là một trong những dấu hiệu điển hình của bệnh tay chân miệng

Nếu trẻ có các triệu chứng như sốt cao khó hạ kéo dài hơn 2 ngày, nôn ói nhiều thì phải đưa trẻ đi khám. Ngoài ra, dấu hiệu cha mẹ ít để ý là trẻ bệnh thường giật mình trong lúc thiu thiu ngủ. Nếu trẻ giật mình trên 2 lần trong 30 phút kèm một trong các các biểu hiện trên thì phải lập tức đưa con tới cơ sở y tế ngay để khám và điều trị. Mặt khác, các mẹ có con mắc bệnh cần cho bé nghỉ học hoặc cách ly với các trẻ khác tối thiểu 10 ngày để tránh lây lan thành dịch.

Để phòng bệnh cho trẻ, cha mẹ nên tập cho con thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi đến trường. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU