Chị Yên hạnh phúc vì có một người chồng yêu thương vợ con, sẵn sàng nhận trách nhiệm chăm con từ A-Z để vợ có được giấc ngủ đêm trọn vẹn trong thời gian ở cữ.
Bà mẹ trẻ tâm sự thêm, nhìn cảnh hài hước như vậy, chị cũng chẳng nỡ giận chồng mà chỉ thấy buồn cười. Vợ chồng còn trẻ, lần đầu làm bố làm mẹ nên toàn chuyện cười ra nước mắt như thế. Có lần, bố bé Măng Tây trông con vào ban đêm, tối lọ mọ không tìm thấy bao tay để đeo cho con. Đến sáng ngủ dậy, chị Yên cười xỉu khi thấy con được bố đeo cho 2 chiếc tất chân vào tay.
Tuy còn vụng về nhưng ông xã của chị Yên được cái thương vợ, không ngại chia sẻ việc chăm con. Anh chăm sóc em bé từ A-Z, từ lúc còn ở bệnh viện tới khi về nhà. Nhờ có chồng mà chị Yên mới có được giấc ngủ đêm trọn vẹn dù đang trong cảnh con thơ.
"Anh giỏi chăm con hơn mình, thay bỉm, cho con ăn, tắm rửa, thay quần áo... anh đều làm được hết. Vì vậy mà em bé cũng quấn bố hơn mẹ. Mẹ chỉ là "bò sữa" cho em thôi" - chị Yên hài hước nói.
Bên cạnh câu chuyện hài hước của chị Yên thì dưới phần bình luận, các mẹ bỉm thông thái cũng khuyên chị Yên không nên dùng phấn rôm để trị rôm sảy cho con. Việc này càng làm các lỗ chân lông bị bít lại, gây nhiễm khuẩn và làm tổn thương đến da, và hơn nữa là không nên bôi phấn rôm lên mặt trẻ.
Để phòng rôm sảy cho con, bố mẹ nên cho trẻ ở trong nhà mát, có quạt hoặc máy điều hòa, tránh nơi nóng bức. Quần áo, tã lót của trẻ cần dùng loại vải sợi cotton mỏng, thấm mồ hôi tốt, rộng rãi, thoáng, không nên dùng các loại sợi nilon tổng hợp, khó hút ẩm.
Mẹ hãy tắm rửa cho bé mỗi ngày để giúp cơ thể thoáng mát, làn da sạch sẽ, các lỗ chân lông không bị bịt kín. Có thể dùng kem dưỡng cho trẻ trong mùa nóng để phòng ngừa rôm sảy và hạn chế bị khô da ở trẻ do ở trong phòng điều hòa quá lâu.
Đa số trẻ chỉ bị rôm sảy khi nóng, còn khi thời tiết mát mẻ, sảy tự lặn hết, không gây tác hại gì. Dẫu vậy, cũng có rất nhiều trường hợp mụn sảy làm trẻ ngứa, gãi nhiều khiến da sây sát, bị nhiễm khuẩn tạo mụn mủ và nhọt. Khi trẻ bị rôm sảy kéo dài hay có các dấu hiệu bội nhiễm, bố mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa, không nên tự ý bôi thuốc lên da trẻ.