Những điều thấm thía, gan ruột chỉ có bệnh nhân ung thư mới có thể nói với bạn

Biết được những điều này, bạn sẽ cảm thông hơn với những người không may mắc căn bệnh tử thần, và rất có thể sẽ giật mình nhìn lại chính mình trước khi quá muộn.

Bạn đã từng đọc rất nhiều bài viết về ung thư? Bạn tưởng như mình biết mọi thứ về căn bệnh này? Nhưng chỉ có những người mắc phải ung thư và hàng ngày chiến đấu với căn bệnh tử thần mới có thể kể cho bạn những điều dưới đây.

Stress không phải chỉ vì mắc ung thư

Một trong những quan niệm sai lầm là tâm lý căng thẳng của người bệnh là do họ mắc ung thư. Theo chuyên gia Monica Bryant, giám đốc điều hành của tổ chức cứu chữa ung thư phi lợi nhuận Triage Cancer: "Đó không phải chỉ là bệnh về thể chất, mà còn là tất cả những thứ khác". Việc điều trị và ảnh hưởng của ung thư lên cơ thể chỉ là phần nổi trong tảng băng stress đè nặng lên những người phải đối mặt với căn bệnh này. Những người sống sót sau ung thư lo lắng về việc nghỉ làm và chuyện cơm áo gạo tiền, đồng thời họ cũng phải lo nghĩ làm sao để chăm sóc gia đình khi mình đang bệnh.

Khỏi bệnh không phải là hết lo

Ngay cả sau khi tế bào ung thư thuyên giảm, người bệnh biết rằng căn bệnh tử thần vẫn có thể quay lại ngày nào đó. Theo Tiến sĩ Kevin Stein, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu hành vi của Hiệp hội Ung thư Mỹ, "nỗi sợ hãi về việc ung thư có thể trở lại cứ treo lơ lửng trên đầu bạn". "Việc phải đối diện với nguy cơ thường trực đó khiến người bệnh luôn dày vò, và đó là điều mà những người sống sót sau ung thư đều phải chịu đựng."

Khó khăn khi đối mặt với lời đề nghị giúp đỡ của người khác

"Tôi có thể giúp gì bạn?" là câu hỏi mà bệnh nhân ung thư thường được nghe, nó thể hiện sự cảm thông của người xung quanh nhưng vô hình trung lại đặt gánh nặng lên người bệnh, khi họ không biết nên trả lời ra sao. "Thay vì hỏi, hãy chủ động làm" là lời khuyên của Alison Mayer Sachs, Chủ tịch Hiệp hội Công tác xã hội về Ung thư Mỹ và cũng là một bệnh nhân ung thư. Hãy nói với người bạn bị ung thư rằng bạn sẽ đón con giúp họ hoặc mua đồ giúp họ khi bạn đi siêu thị. Những hành động nhỏ nhưng cụ thể chính là sự sẻ chia ý nghĩa nhất với bệnh nhân ung thư.

Điều trị ung thư có thể ảnh hưởng lâu dài

Sau khi xuất viện về nhà, các bệnh nhân ung thư vẫn phải tiếp tục đối phó với những tác động về thể chất, tâm lý và cảm xúc mà việc điều trị ung thư gây ra. Những tác dụng phụ của quá trình này còn kéo dài rất lâu. Không chỉ là sự mệt mỏi, đau đơn, mà còn là vấn đề về nhận thức, trí nhớ, sự tập trung - thường được gọi chung với cái tên "não hóa trị". Theo chuyên gia Bryant, "ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy, không chỉ hóa trị mà cả xạ trị và các phương pháp điều trị ung thư khác gây tác động "não hóa trị"." Việc điều trị ung thư sẽ tấn công cả những tế bào khỏe mạnh, và sự tổn thương đó có thể để lại hậu quả trong nhiều tháng hay nhiều năm sau đó, như bệnh tim mạch hoặc thậm chí là ung thư thứ phát.

Lời khuyên có thể trở nên vô ích

Chăm sóc người bệnh ung thư là một việc hết sức cá nhân, khiến cho lời khuyên dành cho người này không có nghĩa là sẽ đúng với người khác. Chúng thậm chí còn có thể gây phản tác dụng, khiến người bệnh vốn đã nhạy cảm lại bị tổn thương hơn. Trừ khi bạn được hỏi, còn nếu không hãy giữ lấy những ý kiến của mình.

Ung thư là gánh nặng tài chính

Điều trị ung thư là việc vô cùng tốn kém và không phải mọi hợp đồng bảo hiểm đều sẵn sàng chi trả cho nó. Thêm vào đó, trong quá trình điều trị và phục hồi, người bệnh còn phải nghỉ làm một thời gian dài, khiến cho họ mất đi thu nhập. Thực tế là cho dù có sự đề phòng kỹ lưỡng như thế nào, bao gồm tiết kiệm hay mua bảo hiểm, thì người bệnh ung thư vẫn phải đối mặt với hậu quả tài chính tồi tệ.

Không thể đi lại dễ dàng như trước kia

Nếu quá ốm yếu không thể tự đi điều trị, đó sẽ là một gánh nặng gia tăng đối với bệnh nhân ung thư vốn đã chịu đựng đầy lo âu và căng thẳng. Việc đi thăm khám thường diễn ra vào ban ngày khi mọi người đều bận rộn công việc, nên họ càng khó tìm sự giúp đỡ hơn. Các phương tiện giao thông công cộng không phải là lựa chọn lý tưởng cho những người mà hệ thống miễn dịch đã bị tổn thương.

Tôi không cầu bị ung thư

Khi ai đó bị ung thư, bạn không nên đổ lỗi cho lối sống của chính họ. Điều đầu tiên mà hầu như tất cả mọi người đều nói khi biết tôi bị ung thư phổi là "Anh hút thuốc lá à?", chuyên gia Sachs đồng thời là một bệnh nhân ung thư kể lại. Tại sao bạn lại hỏi thế? Lúc này, cái gì gây ra ung thư không quan trọng, điều quan trọng là bạn thể hiện sự quan tâm và thấu hiểu đối với người bệnh.

Ung thư thật đau đớn

Các khối u phát triển chèn ép vào các bộ phận cơ thể chỉ là một phần của nỗi đau mà bệnh nhân ung thư phải hứng chịu. Hầu hết các cơn đau có liên quan đến bức xạ hoặc hóa trị, có thể gây loét miệng hoặc làm hỏng niêm mạc dạ dày.

Nhưng đau đớn không phải là nỗi khổ duy nhất

Đau đớn là thứ đáng sợ nhất và gây khổ sở nhất, nhưng nó không phải là cơn ác mộng duy nhất đối với bệnh nhân ung thư. Những người sống sót sau ung thư cũng phải đối mặt với sự kiệt quệ, thứ không thể điều trị bằng thuốc như cơn đau.

Tôi không cần phải cập nhật tình trạng bệnh với tất cả mọi người

Việc lổ thộ tình trạng sức khỏe của mình với từng người một có thể khiến người bệnh ung thư kiệt sức. Một số bệnh nhân muốn có một người đại diện để người thân và bạn bè có thể liên lạc hỏi thăm họ. Có người lại sử dụng các phương tiện online để nhắn tin, thông báo khi cần.

Tôi muốn chuẩn bị trước khi bạn ghé thăm

Cuộc ghé thăm bất ngờ của bạn có thể khiến người bệnh ung thư cảm thấy không thoải mái. Hãy gọi điện trước để xem đó có phải là thời điểm phù hợp để đến nhà họ chơi không, hoặc hỏi họ khi nào thì bạn có thể đến thăm họ.

Tôi hiểu cảm giác khó nói của bạn

Điều tôi thường nghe các bệnh nhân ung thư kể là "Không ai muốn nói chuyện với tôi về chuyện ung thư", hay "Họ không biết nên nói gì", chuyên gia Sachs chia sẻ. Mọi người thường e ngại sẽ lỡ lời khi nói chuyện với bệnh nhân ung thư. Hãy thể hiện sự quan tâm – nhưng không phải thương hại – và để cho người thân của bạn biết rằng bạn không biết phải nói gì. Hãy cho thấy sự ủng hộ của bạn, và hỏi họ có muốn nói về trải nghiệm ung thư của họ trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện.

Sự thay đổi về vai trò trong gia đình

Nếu một bệnh nhân ung thư từng là trụ cột chính của gia đình, thì bạn đời của họ có thể phải đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn bên ngoài gia đình để bù đắp vào sự thiếu hụt thu nhập. Hoặc nếu người bệnh từng là người nội trợ trong nhà và nay không thể đảm nhận vai trò đó nữa, người khác sẽ phải gánh thay những công việc này. Sự thay đổi vai trò trong gia đình có thể gây thêm căng thẳng cho việc điều trị ung thư. 

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU