Những hình ảnh cho thấy trận lũ thế kỷ ở Đức kinh hoàng đến mức nào: Nước mưa 3 tháng rơi chỉ trong 2 ngày, số người chết và mất tích lên tới hàng ngàn

Những cơn mưa dày đặc và dai dẳng tại Đức đã tạo ra trận lũ lụt được các chuyên gia đánh là "chưa từng chứng kiến trong vòng 100 năm đổ lại".

Trận lũ kinh hoàng tại Đức cách đây ít ngày là một trong những thảm họa đáng sợ nhất trong lịch sử quốc gia này. Mưa lớn và dày đặc, trút xuống lượng nước của 3 tháng chỉ trong vỏn vẹn có 2 ngày đã khiến nước của nhiều con sông dâng cao, tạo ra những dòng chảy vô cùng xiết và để lại cảnh tượng thê lương. Đường phố bị ngập lụt, xe cộ bị cuốn trôi, hệ thống điện sụp đổ cùng nhiều tòa nhà và cơ sở kinh doanh chịu chung số phận.

Nước lũ đã rút dần từ ngày 17/7 vừa qua, nhưng những hệ quả nó để lại vẫn chưa thể nắm được đầy đủ. Nhiều câu hỏi được đặt ra - bao gồm việc tại sao hệ thống kiểm soát lũ lụt của quốc gia có thể nhanh chóng bị quá tải bởi cơn mưa này?

Khu vực Altenahr của bang Rhineland-Palatinate chìm trong biển nước sau trận lũ lịch sử

Hôm 17/7, thống kê cho thấy số người tử vong tại Đức đã là 143 người (tính cả Đức và Bỉ là hơn 170 người). Số nạn nhân chủ yếu nằm ở quận Ahrweiler thuộc bang Rhineland-Palatinate, nơi ít nhất có 90 người đã chết theo số liệu thống kê từ cảnh sát. Và họ sợ rằng, con số ấy vẫn chưa dừng lại.

Thảm họa ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu

Châu Âu vốn tự hào với một nền kinh tế lớn và ổn định nhất châu Âu. Nhưng niềm tự hào của họ đã bị cơn cuồng loạn của thiên nhiên phá tan, để lại một cú sốc có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm.

Công tác cứu hộ và khắc phục hậu quả sau lũ đang được triển khai. Người dân, đội cứu hộ tại các khu vực chịu ảnh hưởng của lũ đang phải dọn dẹp những đống đổ nát, thông tắc những con đường và giải cứu nạn nhân. Tính đến ngày 16/7, vẫn có 1500 người mất tích. Thi thể đã lên tới hàng trăm, nhưng giới chức chưa thể nắm được con số chính xác.

Sông Ahr tràn bờ, khiến làng Insul (Đức) ngập trong biển nước

Hệ thống điện và viễn thông ở một số khu vực của Đức vẫn chưa thể hoạt động. Nhiều con đường bị cây cối, gạch đá và xe cộ đổ nát chắn ngang. Việc di chuyển và liên lạc khó khăn có thể là một phần nguyên nhân khiến nhiều người vẫn được xem là mất tích. Một số người mất tích có thể đơn giản vì họ đã rời đi công tác hoặc du lịch. Ở Bỉ, cảnh sát phải đến từng nhà gõ cửa để xác định vị trí và tình trạng của người dân. Và dẫu có ra sao, con số thương vong được dự đoán sẽ còn tăng thêm.

Nhiều ngày trước khi thảm họa xảy ra, cơ quan khí tượng châu Âu đã ban hành cảnh báo nguy cơ lũ lớn, lập ra mô hình cho thấy lượng nước có thể lên cao nhất trong suốt 100 năm. Nhưng lời cảnh báo ấy dường như chẳng có mấy tác dụng.

         
 
   
         
 
   
         
 
   
         
 
   

Cảnh tượng tan hoang khi nước lũ rút đi

Đức sở hữu một hệ thống cảnh báo lũ lụt với chuỗi cảm biến mực nước hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, nhà chức trách cho biết lượng mưa kinh khủng như vậy là điều chưa bao giờ họ được chứng kiến. Nhiều con sông dâng cao, tràn bờ và gây ngập lụt nghiêm trọng.

Những người sống sót cho biết nhiều khu vực dường như đã chưa được chuẩn bị cho thảm họa cỡ này, khi dòng nước êm đềm mỗi ngày bỗng hóa thành quái vật, cuốn trôi nhà cửa, xe cộ và cầu đường. 15.000 cảnh sát, binh lính và đội cứu hộ khẩn cấp đã được điều động để khắc phục hậu quả.

         
 
   
         
 
   

Tiến sĩ Linda Speight, chuyên gia khí tượng của ĐH Reading (Anh) cho rằng hệ thống liên lạc báo lũ nghèo nàn đã làm tăng rủi ro thiệt hại khi có thảm họa xảy ra. "Đáng lẽ không nên có quá nhiều người chết như vậy," - bà cho biết.

Quy mô thảm họa gây sốc cho các nhà hoạt động khí hậu

Những trận mưa như trút nước giống như những gì đã xảy ra tại Đức là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất cho hệ quả của hiện tượng Trái đất nóng lên. Thậm chí theo một số quan chức của Đức, lũ lụt quy mô như vậy đã không được chứng kiến trong vòng 500, thậm chí cả ngàn năm.

Và các nhà khoa học khí tượng đã shock vì quy mô thảm họa lần này. Trên thực tế, giới chuyên gia từ lâu đã dự đoán khí thải của con người có thể gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn, bao gồm lũ lụt, sốc nhiệt, hạn hán, giông bão. Tuy nhiên, quy mô của trận lũ tại Đức đã vượt xa quá nhiều dự đoán của họ.

Ảnh chụp từ trên cao về trận lũ ở Erftstadt, phía Bắc Rhine-Westphalia hôm 16/7

"Tôi đã rất ngạc nhiên về quy mô (của trận lũ) so với các ghi nhận trong quá khứ," - trích lời Dieter Gerten, giáo sư nghiên cứu biến đổi khí hậu tại Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam.

Ngôi làng nơi giáo sư Gerten lớn lên nằm trong vùng ảnh hưởng của trận lũ. Ông cho biết nơi đây vốn cũng thường xuyên bị lũ lụt, nhưng chưa bao giờ lớn đến như vậy. Những trận mưa mùa hạ trước kia cũng thường nặng hạt, nhưng chỉ ảnh hưởng đến khu vực nhỏ, trong khi bão mùa đông cũng chưa từng gây ra quá nhiều nguy hiểm. "Thảm họa lần này là bất thường với cả khu vực. Ảnh hưởng của nó sẽ là lâu dài, và mức độ là rất rộng."

Các nhà khoa học sẽ cần nhiều thời gian hơn để đánh giá lại hệ quả của sự phát thải của con người đến tần suất bão lũ. Tuy nhiên, trận lũ thảm họa mới đây đang ủng hộ các giả thuyết của họ.

"Với biến đổi khí hậu, chúng ta dự đoán rằng mọi hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ trở nên cực đoan hơn nữa. Những gì xảy ra ở Đức rất phù hợp với xu hướng này," - Carlo Buontempo, chuyên gia khí tượng của Đức cho biết.

Kể từ năm 2014, thế giới trải qua 7 năm nóng nhất lịch sử. Nguyên nhân là do hiện tượng Trái đất nóng lên - xảy ra vì lượng khí phát thải từ xe cộ, đốt rừng và các hoạt động khác của con người. Các mô hình tính toán cho thấy những hiện tượng cực đoan sẽ còn xảy ra nhiều hơn, và kỷ lục sẽ sớm bị phá bỏ.

Vùng cực Bắc của châu Âu vừa trải qua một tháng 6 nóng nhất lịch sử. Các thành phố tại Ấn Độ, Pakistan và Libya cũng đang hứng chịu làn sóng nhiệt cao bất thường những tuần gần đây. Vùng ngoại ô của Tokyo bắt đầu có những trận mưa lớn hơn bình thường, trong khi London phải chịu những trận mưa với lượng nước của cả một tháng chỉ trong 24h. Những hiện tượng vốn chỉ xảy ra một lần suốt cả thế kỷ, nay dần trở nên phổ biến hơn.

"Chúng ta cần những mô hình dự đoán mới. Chúng tôi - những nhà khoa học - trong nhiều năm gần đây đã bị bất ngờ bởi các sự kiện thời tiết cực đoan trở nên phổ biến hơn bao giờ hết."

Nguồn: The Guardian, NY Times, CNN, BBC

 

Link gốc: https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/nhung-hinh-anh-cho-thay-tran-lu-the-ky-o-duc-kinh-hoang-den-muc-nao-nuoc-mua-3-thang-roi-chi-trong-2-ngay-so-nguoi-chet-va-mat-tich-len-toi-hang-ngan-162211807151846164.htm

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU