Những loại bánh Việt Nam khiến người ta phải tò mò khi lần đầu nghe tên

Bánh su sê, bánh cống, bánh gật gù... những cái tên đặc biệt và khó hiểu này lại là đặc sản của nhiều vùng miền đấy.

Ẩm thực truyền thống nước ta là sự đa dạng của các món bánh. Đi dọc từ Bắc đến Nam, nếu phải kể hết các loại bánh từ mặn đến ngọt chắc đếm không xuể. Nhưng không thể không nhắc đến những chiếc bánh có tên độc lạ, khó hiểu gây ấn tượng cho thực khách bốn phương.

Hãy cùng điểm mặt xem ở Việt Nam có những chiếc bánh sở hữu cái tên độc lạ đến mức nào bạn nhé!

Bánh đập

Bánh đập hay có vùng còn gọi là bánh chập, một món bánh đơn sơ, giản dị nhưng lại làm nên tên tuổi cho ẩm thực Hội An. Đây là sự kết hợp đặc biệt giữa bánh ướt và bánh tráng nướng tạo nên một món ăn vừa gion giòn, vừa dẻo thơm. Tráng đều bên trong là lớp mỡ hành beo béo, còn nếu muốn ăn no thì cứ thêm thịt nướng, lòng lợn... 

 

Nhưng không thể nào bỏ qua chén mắm nêm đặc trưng của người miền Trung. Chiếc bánh tròn được "đập" làm đôi cứ thế mà lan toả vị giòn, dẻo và đậm đà khắp khuôn miệng, làm thực khách cứ mãi vấn vương. 

Bánh su sê

Nghe cái tên lạ tai như thế, nhưng thực chất là cách gọi chệch của chữ "phu thê". Đây là món ăn truyền thống từ làng Đình Bảng (Bắc Ninh) và thường hay xuất hiện trong các mâm lễ vật đám cưới. Bánh su sê được làm bằng bột đường trắng, dừa, đậu xanh và nhiều hương vị. Nhân sẽ nặn hình tròn và bao bọc bởi lớp vỏ mềm dai thơm thoảng hương lá dứa. 

Chiếc bánh dẻo ngọt, bùi bùi hoà quyện trong màu trắng - xanh đẹp mắt là biểu tượng cho sự gắn kết duyện phận của vợ chồng. Bởi thế, bánh su sê luôn là món bánh cưới cổ truyền của dân tộc ta.

 

Bánh bao bánh vạc

Bánh bao bánh vạc không chỉ độc đáo ở tên gọi mà hương vị của món ăn này cũng hấp dẫn không kém. Bởi thế mà bánh luôn xuất hiện trong danh sách đặc trưng ẩm thực của Hội An. Chiếc bánh trong veo và giản dị này còn được du khách nước ngoài gọi bằng danh từ mĩ miều là "white rose" (bông hồng trắng). 

 

 

Nguyên liệu chính của bánh bao bánh vạc là lớp vỏ làm bằng bột gạo được lọc đi, lọc lại nhiều lần nên có màu trắng trong tinh tế. Nhân thì đậm đà và tươi ngon từ tôm hay thịt xay trộn cùng nấm mèo, hành, tỏi, gia vị... Đôi bàn tay khéo léo của người thợ sẽ nắn bánh vạc tương tự như một bông hoa với những cánh được xếp đều đặn cùng nhân ở giữa. Món ngon nhất khi ăn cùng là nước mắm pha chua ngọt, khi ấy mọi hương vị hoà quyện trong cái dai dai, vị ngọt mặn làm hấp dẫn thêm vị giác.

Bánh ngải

Món bánh nghe có vẻ "bùa ngải" như thế nhưng lại là một món ăn rất hấp dẫn và lạ vị của dân tộc Tày (Lạng Sơn). Hương vị tạo nên điểm nhấn của bánh ngải chính là lá ngải cứu được đun trong nước tro bếp và trộn cùng gạo.  Đi cùng với lớp vỏ dẻo dai, thơm lừng là nhân vừng đen bùi ngọt khi kết hợp với đường phèn. 

Bánh ngải có hình tròn và dẹt, bắt mắt trong màu xanh thẫm. Không chỉ đem lại hương vị thơm lừng, mát lành mà món bánh còn có nhiều công dụng tốt cho sức khoẻ. Bởi vì, ngải cứu luôn là một bài thuốc thiên nhiên được người Tày vận dụng trong cuộc sống hằng ngày.

 

Bánh cống

Người ta nói, miền Tây luôn chứa đựng một "kho tàng" các loại bánh dân dã nhưng lại bắt vị, trong đó phải kể đến bánh cống. Món ăn gây ấn tượng bởi tên gọi độc đáo này bắt nguồn từ dân tộc Khmer ở tỉnh Sóc Trăng. 

Bánh được đổ trong một chiếc khuôn tròn, sâu lòng như chiếc cống nhỏ. Bột thì cân bằng trong tỉ lệ gạo và nếp, sau đó xay nhuyễn. Một chiếc bánh đúng chuẩn là giao hoà giữa nhân đậu xanh bùi bùi cùng thịt heo ướp gia vị đậm đà. Cuối cùng là không thể thiếu vài con tôm chễm chệ bên trên tiếp thêm vị ngọt.

 

Bánh cống chiên ngập trong dầu nóng cho đến khi vàng giòn. Thưởng thức món cùng rau sống, nước mắm chua ngọt chấm cùng là đã trọn vị. Món ăn dân dã ấy vậy mà lại níu kéo khẩu vị của thực khách bốn phương.

Bánh ít

Một món bánh có tên ngộ nghĩnh không kém là bánh ít, món ăn phổ biến ở cả ba miền. Mặc dù hình dáng và nhân có thay đổi chút ít khi "ngao du" khắp nơi nhưng điểm chung của chúng là vỏ bánh làm từ bột nếp và bột đậu xanh. Bên trong lớp vỏ dẻo mịn ấy có thể là nhân ngọt với đậu xanh, dừa... hoặc đậm đà vị mặn của thịt, trứng, lạp xưởng...

 

 

Nếu người miền Bắc gói bánh bằng lá gai và có hình tam giác hay vuông thì bánh ít của người miền Trung lại mang dáng trụ dài. Còn về miền Nam, lá chuối tươi sẽ được dùng để làm vỏ bánh và chúng có kiểu tháp to và đầy đặn hơn. Bánh ít có thể ăn chơi tiếp vị nhưng vào những ngày lễ Tết thì đây lại là món đồ cúng truyền thống trên mâm cỗ. 

Bánh gật gù

Nhắc đến Quảng Ninh, ngoài Vịnh Hạ Long thì người ta còn bị ấn tượng bởi một món bánh có cái tên thú vị, đó là bánh gật gù. Bánh được làm từ bột gạo xứ Tiên Yên, tráng trên lớp lưới mỏng để hấp cách thuỷ và sau đó cuộn tròn lại. Miếng bánh dẻo quẹo, ăn ngon nhất khi còn nóng và chấm cùng nước mắm chưng cùng mỡ gà, hành phi, ớt tạo nên hương vị độc đáo.

Người dân vùng này truyền lại rằng, ngày xưa khi thưởng thức những chiếc bánh đậm đà, phồng xốp và dẻo mịn thì cứ phải tấm tắc gật lên gật xuống khen ngon. Bởi thế mà từ ấy, cái tên bánh gật gù xuất hiện và được phổ biến cho đến hiện nay.

 

Theo tri thức trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU