Những lý do tưởng nhỏ nhưng khiến con sợ hãi trường học

(lamchame.vn) - Con khóc lóc không chịu đến lớp, khó hòa nhập với bạn bè, tiếp thu chậm, chống đối thầy cô giáo…Có bao giờ bạn tìm hiểu lý do vì sao con lại bướng bỉnh và khó bảo khiến bạn tức điên như vậy hay chưa?

Bật khóc vì con

Mỗi lần đưa con đến trường, chị T.T.H.Hân (ở TPHCM) lại phát điên vì con trai học lớp 2 cứ níu lấy chị không cho mẹ đi. Phải dỗ dành, quát mắng và nhờ cô giáo ra đưa vào, thằng bé mới miễn cưỡng chịu vào vào lớp. Sau mỗi buổi học, chị lại nghe cô giáo “mắng vốn” vì ở trên lớp con cứ ngồi lì, không hợp tác làm bài tập nhóm và cũng không hứng thú với trò chơi của các bạn. Có lúc bực con quá, chị Hân đã đánh cho con một trận và hét lên “Tại sao con lại hư như vậy?”. Đánh con xong, chị lại bật khóc vì hối hận. Chị quyết định đưa con đến gặp chuyên viên tâm lý và được biết cháu bị stress học đường.

Stress học đường có thể là nguyên nhân khiến con sợ đến trường (ảnh Gia đình mới)

Chuyên viên tâm lý Ngô Thị Thúy Trinh, Bệnh viện nhi đồng TPHCM cho biết, thời gian qua, đơn vị tâm lý của bệnh viện có khá nhiều bố mẹ đưa con đến khám vì trẻ có biểu hiện khó ngủ, đau đầu và không muốn đến trường, trẻ đang chịu áp lực do căng thẳng trong việc học mà y khoa gọi là chứng “stress học đường”.

Stress ở trẻ cũng có thể có những dấu hiệu thể chất như đau bụng, đau đầu, trẻ có vẻ hiếu động, mệt mỏi hoặc trẻ có vẻ trầm cảm, dễ cau có, không thích các sinh hoạt thường ngày. Trẻ cũng ít quan tâm đến những sinh hoạt quan trọng và thích ở nhà hơn là tiếp xúc với bạn bè; việc học sa sút, không thích đi học và không thích làm bài, học bài. Trẻ có hành vi chống đối như nói dối, trộm cắp, quên hoặc từ chối làm những việc lặt vặt và có vẻ lệ thuộc cha mẹ hơn trước.

Theo bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, cố vấn chuyên môn đơn vị tâm lý bệnh viện Nhi đồng Thành phố, có nhiều nguyên nhân gây stress học đường ở. Nhưng một nguyên nhân thường gặp là trẻ cảm thấy bị áp lực trong chính gia đình. Chẳng hạn, cha mẹ kỳ vọng ở con cao quá khả năng của trẻ, bắt trẻ học quá nhiều, không còn thời gian để thư giãn, vui đùa. 

Ngoài ra, đối với các học sinh cấp 2 và cấp 3, có nhiều tình huống ở trường học gây lo lắng, căng thẳng cho trẻ. Thường gặp nhất là trẻ bị áp lực học tập, cha mẹ hoặc thầy cô, bạn bè chửi mắng, đánh đập, bị bạn từ chối chơi, do không làm được bài tập ở nhà, không được ăn mặc theo sở thích, thấy sự thay đổi trong cơ thể ở tuổi dậy thì, do thấp hơn các bạn đồng trang lứa, không hợp với thầy cô giáo, quá cân nặng so với bạn, chuyển nhà, chuyển trường…

Giúp con bằng cách nào?

Theo bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, việc quan trọng nhất của cha mẹ là  cùng trẻ thu xếp một quỹ thời gian biểu học tập hợp lý để đảm bảo đủ thời gian cho bé giải quyết khối lượng bài tập vể nhà. Cha mẹ không nên để con học theo kiểu “chạy sô”, học thêm quá nhiều. Đừng để con phải hi sinh giấc ngủ, hi sinh sức khỏe chỉ vì học. Trẻ phải khỏe mạnh và tinh thần thoải mái thì việc học mới mang lại hiệu quả.

Ngoài giờ học, cha mẹ hãy tạo điều kiện cho con chơi thể dục thể thao như đá bóng, bóng chuyền, bơi lội…bất kì môn nào con thấy hứng thú.

Ngoài học tập, hãy để con tham gia các môn thể thao giúp đầu óc sảng khoái (ảnh minh họa)

Cha mẹ hãy dạy bé thói quen sắp xếp có tố chức, bắt đầu bằng việc dạy bé dán nhãn tất cả các tập sách và trang bị đẩy đủ dụng cụ học tập như giấy kiêm tra, bút, gôm, thước kẻ, máy tính… Nếu bé phải học nhiều lớp  nên giúp bé sắp sẵn các thứ cần mang theo cho từng lớp học ở một ngăn riêng.

Tập cho bé kỹ năng phân loại bài tập. Những bài tập khó, dài hoặc cần học ngay (như bài kiếm tra) nên ưu tiên thực hiện trước. Sau 45 – 60 phút làm bài, nên cho bé nghỉ giải lao 5 – 10 phút giúp bé lấy lại năng lượng và làm đầu óc tỉnh táo trước khi tiếp tục.

Quan trọng nhất, cha mẹ hãy quan tâm, dành thời gian trò chuyện với con cái để lắng nghe con, để con tin tưởng bộc lộ cảm xúc, tâm tư. Đó cũng là cơ hội để cha mẹ hiểu con hơn và phát hiện những thay đổi tâm lý của con để có can thiệp kịp thời.

Cuối cùng, trong những trường hợp bất khả kháng, bạn có thể trao đổi với giáo viên chủ nhiệm về việc gia hạn thêm chút ít thời gian đế con bạn có thể hoàn thành tốt bài tập về nhà.

 

 

Theo sohuutritue.net.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU