Những sai lầm trong thói quen sinh hoạt có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tim mạch

(lamchame.vn) - Càng lớn tuổi, cơ thể càng trở nên lão hóa, quá trình trao đổi chất cũng diễn ra kém hơn. Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm khi lớn tuổi là sức khỏe tim mạch.

Trong 40 năm đầu đời, chúng ta đều có sức khỏe khá tốt, do đó thường chủ quan với sức khỏe của mình. Từ sau 40 tuổi trở đi, cơ thể bắt đầu lão hóa dần, chúng ta thường xuyên gặp phải các vấn đề về sức khỏe hơn, đặc biệt là sức khỏe tim mạch.

Càng lớn tuổi, cơ thể sẽ càng dễ phải đối mặt với những nguy cơ về bệnh lý nghiêm trọng liên quan đến huyết áp, cân nặng cơ thể, rối loạn lượng cholesterol, tiểu đường,... Nguyên nhân dẫn đến những bệnh lý này là do khi còn trẻ, chúng ta có sức khỏe và chúng ta thờ ơ với nó. Chính những thói quen sinh hoạt không lành mạnh hàng ngày khi còn trẻ sẽ dẫn đến những tác động xấu tới sức khỏe khi về già. Vì vậy, ngay từ khi còn trẻ, hay khi đã bắt đầu lão hóa, chúng ta  cần xây dựng cho mình một chế độ sinh hoạt thật khoa học theo những điều sau:

1. Ổn định cân nặng

Nhiều người rất dễ bị tăng cân khi bước qua tuổi 40 do quá trình trao đổi chất trong cơ thể bắt đầu hoạt động kém đi, lượng calo không được tiêu thụ hiệu quả. Đây là một trong những nguyên nhân gián tiếp dẫn đến các bệnh lý về tim mạch. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, bạn cần xây dựng cho mình thói quen ổn định cân nặng. Để cân bằng trọng lượng cơ thể, biện pháp tốt nhất mà bạn cần thực hiện là theo dõi cân nặng thường xuyên. Cân nặng của một người có thể dao động một chút trong ngày do chế độ ăn uống và hấp thụ. Tuy nhiên, nếu cân nặng tăng giảm quá nhiều trong thời gian dài thì bạn nên điều chỉnh lại chế độ ăn uống của mình sao cho cân nặng luôn dao động trong khoảng 7kg so với mức cân nặng lý tưởng theo chỉ số BMI.

Thường xuyên theo dõi tình trạng cân nặng. Ảnh: Internet.

2. Xây dựng chế độ ăn hợp lý

Khẩu phần ăn đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với việc chăm sóc sức khỏe cơ thể. Một chế độ ăn hợp lý sẽ bao gồm những thực phẩm tốt cho sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tim mạch và chứa ít calo để giảm tình trạng thừa cân, béo phì. Hiện tượng tăng cân có thể không ảnh hưởng ngay đến sức khỏe của bạn, nhưng về lâu dài, tình trạng này sẽ dẫn đến những bệnh lý nguy hiểm.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, chế độ ăn của một người nên bao gồm nhiều rau xanh và hoa quả. Cần tránh những thực phẩm chứa nhiều protein, chất béo và tinh bột để đảm bảo tốt cho sức khỏe.

Xây dựng chế độ ăn khoa học. Ảnh: Internet.

3. Xây dựng những mối quan hệ xã hội tích cực

Những mối quan hệ tích cực trong xã hội tác động cực kỳ tốt đến sức khỏe tim mạch. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự cô đơn và cô lập mang lại những tác hại với tim mạch tương đương như việc bạn hút nhiều thuốc lá vậy. Do đó, để có một trái tim khỏe mạnh, cách tốt nhất là bạn nên dành nhiều thời gian cho gia đình và bạn bè hơn, tích cực xây dựng những mối quan hệ tốt trong xã hội,... Cuộc sống sẽ trở nên vui vẻ hơn nếu bạn thường xuyên chia sẻ cùng với bạn bè, người thân. Những mối quan hệ trong xã hội cũng giúp cho bạn hiểu biết thêm về thế giới xung quanh cũng như giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống.

Những mối quan hệ tích cực trong xã hội tác động cực kỳ tốt đến sức khỏe tim mạch. Ảnh: Internet.

4. Làm việc và rèn luyện thể lực vừa sức

Kể cả khi bạn làm việc hay rèn luyện thể thao thì mức cường độ vừa phải lúc nào cũng là ưu tiên hàng đầu. Tập thể dục hay làm việc quá sức đều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cơ thể, đặc biệt là sức khỏe tim mạch. Chính vì vậy, để không bị tác dụng ngược từ việc rèn luyện thể dục, bạn nên xây dựng một chế độ rèn luyện hợp lý, không nên vận động với cường độ mạnh ngay khi vừa ngủ dậy mà không làm nóng cơ thể hay kết thúc việc tập thể dục mà chưa hạ nhiệt cơ thể.

Rèn luyện thể lực và làm việc với cường độ vừa phải. Ảnh: Internet.

5. Giải tỏa căng thẳng kịp thời

Stress là hiện tượng rất thường thấy, khi con người ta phải đối mặt với nhiều nỗi lo trong cuộc sống và rắc rối trong những mối quan hệ xã hội,... Việc bạn bị stress sẽ không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và sức khỏe nếu bạn có cách đối phó hiệu quả với nó. Chính phản ứng của bạn với stress sẽ quyết định sức khỏe cũng như chất lượng sống của bạn.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, ngồi thiền là một trong những biện pháp hiệu quả giúp giải tỏa căng thẳng và giảm thiểu stress.

Ngồi thiền là cách tốt nhất để giải tỏa căng thẳng. Ảnh: Internet.

6. Không hút thuốc lá

Hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi. Không những thế, thuốc lá còn là một trong những nguyên nhân chính gây hại cho trái tim. Chính vì vậy, nếu bạn đã và đang có thói quen hút thuốc lá, cần loại bỏ nó ngay ra khỏi cuộc sống của bạn nếu không muốn sức khỏe tim mạch ngày càng kém đi.

Ngoài ra, việc sử dụng các chất kích thích như rượu, bia,... cũng có khả năng dẫn đến các bệnh lý về tim mạch cao hơn. Do đó, từ khi còn trẻ, bạn nên tập cách từ bỏ những thói quen sử dụng các chất này để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Hút thuốc lá có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Ảnh: Internet.

Theo sohuutritue.net.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU