|
Trẻ 2 tháng tuổi biết làm gì?
Giao tiếp
Đối với bé 2 tháng tuổi, phương thức giao tiếp chủ yếu là khóc. Nhưng bạn có thể nghe thấy một vài tiếng sôi bụng và gầm gừ. Em bé sẽ nhận ra khuôn mặt, giọng nói của bạn và phản ứng lại.
Không những thế, bé còn có thể bắt chước được cách thể hiện cảm xúc cũng như cử chỉ của người xung quanh. Vì vậy mẹ hãy thường xuyên nói chuyện vui vẻ với bé để giúp bé phát triển kỹ năng giao tiếp tốt hơn sau này.
Hứng thú với đồ chơi
Bé cũng bắt đầu biết “phản ứng” với đồ chơi mặc dù chưa có sự phối hợp rõ ràng. Khi đặt bé nằm ngửa, mẹ hãy cầm một món đồ chơi nào đó rồi đung đưa phía trên mắt bé. Lưu ý rằng không nên đặt quá xa, bởi thời điểm này bé chỉ nhìn rõ trong khoảng từ 20-25cm mà thôi.
Nếu so sánh với tháng trước mẹ sẽ nhận thấy bé linh hoạt nhiều hơn. Mắt bé sẽ nhìn chăm chú vào đồ vật cũng như cố với tay để chạm lấy nó, đặc biệt là những món nhiều màu sắc.
Thể hiện cảm xúc
Mẹ có thể thấy sự xuất hiện một số biểu cảm của trẻ, đơn giản nhất như là cười? Bé đặc biệt hay cười khi bạn thử tạo ra những âm thanh bé hứng thú như tiếng lục lạc kêu, tiếng mẹ bắt chước theo giọng ê a của bé…
Không chỉ dừng lại ở đó, khi được ôm ấp bé còn có hành động quơ tay hay dụi đầu vào lòng mẹ. Ngoài ra, bé cũng nhận biết hoặc rất chú ý đến những người thân khác và mọi thứ xung quanh.
Bé cũng bắt đầu thể hiện cảm xúc rõ rệt với những điều không thích. Chẳng hạn gặp người lạ bé sẽ khóc và không cho bồng, hoặc một âm thanh nào đó làm bé khó chịu bé cũng trở nên cáu gắt hơn bình thường.
Bé biết với lấy đồ vật
Tùy vào mỗi bé sẽ có thể phát triển kỹ năng vận động nổi trội riêng. Nếu đặt con nằm sấp và để những món đồ chơi rực rỡ trước mặt bé, bạn sẽ thấy rằng, bé đang cố gắng rướn người để với đến những đồ vật đó. Cử động của bé cũng trôi chảy hơn và khi mẹ đưa cho con một món đồ chơi nhỏ, bé sẽ cầm, nắm rất chặt đấy nhé.
Bé có thể giữ đầu thẳng
Đến tháng thứ hai, bé đã có thể giữ đầu thẳng, nhờ vào phần cơ cổ cứng cáp hơn. Việc giữ đầu thẳng có thể giúp bé nhìn bao quát không gian xung quanh và bắt đầu những bước khám phá đầu tiên của mình.
Mẹ hãy bồng đứng bé tựa lưng vào mình, sau đó đưa bé đi dạo. Bé sẽ cảm nhận được nhiều thứ như ánh sáng, tiếng động, màu sắc,…Việc làm này có tác dụng kích thích thị giác và thính giác của trẻ một cách tự nhiên nhất.
Cách chăm sóc trẻ 2 tháng tuổi để bé phát triển tốt
Để bé 2 tháng tuổi có thể phát triển toàn diện, mẹ nên làm những việc sau:
|
-
- Massage cho bé: Hãy massage nhẹ bàn chân, bàn tay, cánh tay và bụng của bé. Giúp bé cảm thấy rất thoải mái, cảm nhận được sự tiếp xúc của bố mẹ.
-
- Hát cho bé nghe: Hoạt động đơn giản này giúp bé phát triển kỹ năng nghe và hiểu ngôn ngữ. Trong khi hát, hãy thay đổi giọng điệu và quan sát xem bé có đang đáp ứng với giọng của bạn hay không. Ngoài ra, hãy đung đưa bé theo nhạc, giúp bé cảm nhận tốt hơn về các nhịp điệu.
-
- Chơi với đồ chơi: Chuẩn bị những đồ chơi đơn giản, phù hợp lớn tuổi như thẻ màu sắc, thú nhồi bông. Bạn hãy thu hút sự chú ý của bé bằng cách từ từ di chuyển món đồ từ bên này sang bên kia. Điều này giúp phát triển thị giác và khả năng quan sát của trẻ.
-
- Đọc sách cho bé nghe: Có thể lúc này bé chưa thể hiểu hết những điều bạn đọc. Vì thế, hãy chọn sách có hình ảnh, màu sắc sinh động và vừa đọc vừa chỉ vào các từ và hình ảnh cho bé xem. Điều này sẽ kích thích sự tập trung, phát triển các kỹ năng nhận thức của trẻ.
Mẹ cần lưu ý gì khi theo dõi sự phát triển của trẻ sơ sinh
Việc chăm sóc trẻ sẽ cung cấp cho bạn rất nhiều kinh nghiệm. Nếu quá mệt mỏi, bạn đừng ngần ngại nhờ người thân giúp đỡ.
Tìm hiểu thông tin về chăm sóc trẻ trên mạng trực tuyến cũng là một việc nên làm. Tuy nhiên, đây là một nguồn cung thông tin khổng lồ nên bạn cần chọn lọc thông tin từ các trang web đáng tin cậy, được các chuyên gia y khoa kiểm chứng.
Mẹ có thể tham khảo thêm sự phát triển của trẻ sơ sinh qua từng tháng để dễ dàng theo dõi và hỗ trợ bé phát triển đúng cách. Mỗi bé cưng là một cá thể riêng biệt nên mẹ đừng so sánh bé với bất kỳ trẻ đồng trang lứa khác. Ngoài ra, trong trường hợp phát hiện trẻ sơ sinh có các biểu hiện phát triển bất thường, mẹ nên đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời nhé!