Dọn dẹp, tẩy uế ban thờ
Thông thường, khi tiễn Táo quân, chủ nhà cũng xin phép được sửa sang bàn thờ để đón Tết. Việc đầu tiên, cần chọn người tỉ mỉ, cẩn thận, thường là người chủ sự gia đình hạ bát hương xuống để bao sái ban thờ. Khi hạ bát hương, cần để bát hương ở nơi sạch sẽ, tránh va chạm, có thể trải hoặc phủ vải đỏ cho bát hương khi bao sái.
Các gia đình có thể tháo ban thờ để lau rửa hoặc dùng khăn sạch, nước sạch để vệ sinh. Sau cùng, có thể dùng nước nóng hòa tinh dầu ngọc am, quế… hoặc đơn giản hơn là dùng nước gừng để lau rửa một lần cuối. Làm tương tự với ảnh và đồ thờ. Đây là một trong những việc cần làm sau khi cúng ông Công ông Táo.
Lưu ý người làm công việc này là gia chủ trong gia đình. Trước khi làm nên tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo dài, giữ cho thân thanh tịnh là tốt nhất.
Tỉa chân hương và thay tro cho bát hương
Trong một năm, chân hương của bát hương sẽ rất nhiều. Lúc này, có thể tỉa từng chân hương, và để lại số chân hương lẻ như 3, 5, 7, 9. Số chân hương còn thừa sẽ mang hóa (đốt) sau khi làm lễ.
Gia đình có thể thay tro mới trong bát hương. Một số gia đình cầu kì, sẽ mua rơm nếp về đốt để lấy tro. Đơn giản hơn, bạn có thể mua tro bán sẵn ở các cửa hàng bán đồ thờ cúng. Nếu muốn đổi ban thờ khang trang hơn, gia đình cũng có thể thay thế trong dịp này.
Làm lễ mời an vị táo quân và cúng tất niên
Khi ban thờ đã sạch sẽ, các gia đình cần làm lễ an vị Táo quân, an vị Thần linh. Thông thường, lễ cúng này được làm vào trưa ngày 30 Tết. Các gia đình về quê hay đi xa trong ngày này có thể làm sớm hơn. Có thể gộp lễ Tất niên vào lễ thỉnh an vị Táo quân vào trưa hoặc chiều ngày 30 Tết.
Dọn dẹp lại nhà cửa
Theo lời các cụ ngày xưa thì ngày dọn dẹp cuối năm là cách xua đuổi tà khí trong nhà, mang đến cho ngôi nhà một sinh khí mới. Lưu ý 11 giờ trưa ngày tất niên, gia đình nên đốt 3 ngọn nến trước ba vị thần Phúc, Lộc, Thọ và các vật phẩm phong thủy khác trong nhà.