Nữ sinh thu mình, muốn tự sát vì bữa cơm nào bố mẹ cũng chỉ nói 1 chuyện

(lamchame.vn) - Bữa cơm nào bố mẹ cũng chỉ nói về điểm thi, địa điểm đi du học, định hướng tương lai,... khiến nữ sinh luôn cảm thấy áp lực, sợ hãi.

Cha mẹ và con bị mất kết nối. (Ảnh minh họa)

Nữ sinh luôn phải cố gắng học để đứng số 1 của lớp. Khi điểm thi của nữ sinh chỉ đứng ở vị trí số 2 hoặc số 3, nữ sinh bị áp lực và cho rằng đó là sự thất bại.

Theo nữ sinh chia sẻ, là một người hướng ngoại nên nữ sinh muốn tham gia các hoạt động xã hội, truyền thông, hoạt động năng khiếu... Tuy nhiên, gia đình nữ sinh không coi trọng những sở thích đó mà chỉ quan tâm đến thành tích học tập.

Nữ sinh dần dần sống thu mình, không dám chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ, sở thích, ý định, sai lầm… của bản thân với gia đình nữa. Dần dần nữ sinh trở nên mất kết nối với bố mẹ.

Nữ sinh có bạn trai cùng tuổi nên thường chia sẻ, tâm sự với bạn trai. Tuy nhiên, sau khi 2 người chia tay, nữ sinh không còn ai để chia sẻ nên trong đầu em lúc nào cũng chỉ nghĩ tới chuyện tự sát. Thậm chí, nữ sinh còn thực hiện ý định tự sát nhưng không thành vì được gia đình phát hiện và ngăn cản kịp thời.

Tìm cách kết nối lại với con

Theo bác sĩ Chung, trong trường hợp bố mẹ bị mất kết nối với con, trẻ thường không tìm được người chia sẻ nên sẽ bắt đầu nảy sinh suy nghĩ "mình là người bị bỏ đi". Việc không có người lắng nghe và không cảm nhận được sự quan tâm của bố mẹ có thể khiến trẻ đưa ra những quyết định sai lầm, làm hại bản thân.

Nữ sinh trên sau đó đã được điều trị rối loạn cảm xúc. Mẹ của nữ sinh cũng đã được bác sĩ hướng dẫn cách chia sẻ, quan tâm, gần gũi với con. Sau khi điều trị, nữ sinh cũng đã có thể chia sẻ được với mẹ.

Bác sĩ Chung cho rằng nếu nguyên nhân của việc mất kết nối với con chỉ đơn thuần là do không có thời gian quan tâm, để ý thì sẽ rất dễ tháo gỡ. Trong trường hợp này, bố mẹ chỉ cần cố gắng dành nhiều thời gian quan sát con, đặt bản thân vào hoàn cảnh của con để biết con đang trải qua những gì, điều gì làm con vui, con buồn, cảm xúc của con ra sao… Khi quan sát con, bố mẹ sẽ phát hiện ra những sở thích của con, từ đó dễ dàng bước vào thế giới của con hơn.

Tuy nhiên, trường hợp thứ hai là khi bố mẹ đã quan sát con, tìm ra sở thích để kết nối với con nhưng con vẫn né tránh. Lúc này, bố mẹ không nên cố tìm cách hỏi lý do vì có thể khiến trẻ im lặng hơn.

Thay vào đó, gia đình nên tìm sự giúp đỡ từ người khác ví dụ như người thân cận với con, thầy cô, bạn bè hoặc bác sĩ, chuyên gia tâm lý. Họ sẽ nói chuyện với con để tìm hiểu xem con có định kiến gì với bố mẹ hay không.

Qua câu chuyện của nữ sinh trên, bác sĩ Chung khuyên bố mẹ dù bận rộn làm việc cũng cần có thời gian quan tâm tới con, tránh để mất kết nối với con. Việc con cái có thể kết nối được với gia đình, bố mẹ có ý nghĩa rất lớn trong quá trình trưởng thành của trẻ. Bố mẹ sẽ là người chia sẻ cùng con những kinh nghiệm, những vấp ngã, lắng nghe con, đưa ra lời khuyên cho con để giúp con có những quyết định đúng đắn.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU