Thế nhưng, hai tuần sau, khi không thấy thông tin trúng tuyển, cô tái tra cứu thì hệ thống báo điểm chỉ còn... 364. Gia đình sốc nặng và nghi có tiêu cực. Cha của Tĩnh Đình liên hệ bạn trong Sở Giáo dục tra cứu nội bộ và được xác nhận điểm thật là 364, không sai lệch.
Nghi vấn tráo điểm, cha nữ sinh đệ đơn kiện
Tin rằng con mình bị "đánh tráo điểm", cha cô đã đưa sự việc ra tòa và yêu cầu được kiểm tra bài thi gốc. Cơ quan chức năng đồng ý mở niêm phong bài làm. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra khiến cả gia đình sững sờ: bài thi của Dương Tĩnh Đình gần như bỏ trống phần lớn, bài văn không có, chỉ làm được các phần trắc nghiệm cơ bản.
Dù vậy, nữ sinh vẫn một mực khẳng định đó không phải chữ viết của mình và cô "chắc chắn đã viết một bài văn dài 800 chữ". Để chứng minh, cô cố gắng viết lại bài văn theo trí nhớ, nhưng kết quả là một bài viết lủng củng, cắt dán từ các bài mẫu trên mạng. Điều này càng khiến Sở Giáo dục nghi ngờ cô đang nói dối.
Tòa án ra lệnh giám định chữ viết. Giáo viên và bạn học xác nhận nét chữ trong bài thi khớp với chữ viết của Tĩnh Đình. Cùng lúc đó, cộng đồng mạng cũng chỉ ra nhiều điểm phi lý: ví dụ một học sinh 586 điểm không thể có thứ hạng sau người 585 điểm trong bảng xếp hạng.
Bị dồn đến đường cùng, Dương Tĩnh Đình cuối cùng thừa nhận đã tự tạo một trang web giả mạo để chỉnh sửa điểm số thành 586, nhằm che giấu sự thật với cha mẹ. Trước đó, vì từng thi trượt và chịu áp lực lớn từ gia đình, cô đã tự ôn tập ở nhà suốt một năm nhưng kết quả không như kỳ vọng.
Áp lực học hành và bi kịch của kỳ vọng
Hồ sơ điều tra tiết lộ: sau khi thi trượt năm 2011 với 512 điểm, Tĩnh Đình bị ép học lại trong điều kiện cực kỳ áp lực: mỗi ngày học từ 5 giờ sáng đến tận 2 giờ đêm, tham gia hơn 10 lớp học thêm, chưa kể còn bị tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến phải hoãn thi năm 2012. Đến năm 2013, cô tự ôn thi tại nhà và không chia sẻ tình hình học tập với ai. Vì không muốn bị coi là thất bại, cô đã làm giả điểm số.
Tòa án sau cùng bác đơn kiện và tuyên bố điểm số 364 là chính xác. Gia đình Dương Tĩnh Đình thua kiện. Cô bị tước quyền thi đại học trong các kỳ tiếp theo do hành vi gian dối.
Vụ việc khép lại với một bài học đau đớn: áp lực từ gia đình, xã hội và việc không dám đối mặt với thực tế có thể đẩy một học sinh vào bi kịch. Một lời nói dối nhỏ khởi đầu cho một chuỗi hành động sai lầm, khiến cả gia đình lao vào cuộc chiến pháp lý vô vọng.
Sự việc của Dương Tĩnh Đình cho thấy kỳ vọng quá cao đôi khi chính là gánh nặng giết chết sự phát triển tự nhiên của con trẻ. Bố mẹ cần học cách chấp nhận con mình không hoàn hảo, và tạo không gian cho các em được thất bại, được sửa sai – thay vì buộc chúng phải "thành công" bằng mọi giá.
Và cuối cùng, trung thực vẫn là lựa chọn an toàn và bền vững nhất.
Theo Bảo Tín (Nguồn: Sohu)