Ảnh minh hoạ
Áp lực thi cử vẫn còn, học thêm vẫn là nhu cầu thực tế
Theo tôi, hệ thống thi cử hiện nay tại Việt Nam quá khắc nghiệt. Học sinh phải đối mặt với kỳ thi chuyển cấp đầy cạnh tranh, áp lực đỗ vào trường top đầu và sự kỳ vọng cao từ gia đình.
Trong bối cảnh đó, việc học thêm không chỉ là mong muốn của giáo viên mà còn là nhu cầu của phụ huynh và học sinh. Như ở lớp của con tôi, chính phụ huynh mới là người hỏi thầy cô về chuyện dạy thêm nhiều hơn chứ không phải các cô ép buộc hay gợi ý.
Nếu kỳ vọng về điểm số và thành tích vẫn không thay đổi, nếu việc tuyển sinh vào các cấp học vẫn dựa vào những bài thi căng thẳng, thì dù có cấm dạy thêm, học thêm, nhu cầu đó vẫn sẽ tồn tại. Khi không được học chính thức, học sinh sẽ tìm đến các hình thức học ngầm, học qua trung gian, thậm chí là học với chi phí cao hơn.
Giáo viên cần được trao quyền tự chủ thay vì bị cấm đoán
Ở những nền giáo dục tiên tiến như Phần Lan, giáo viên có quyền tự chủ trong việc giảng dạy và được đào tạo chuyên sâu để hỗ trợ từng học sinh theo năng lực của họ. Ở Việt Nam, giáo viên phải chạy theo một chương trình nặng nề, thời gian trên lớp không đủ để dạy hết kiến thức, buộc họ phải dạy thêm để học sinh theo kịp chương trình.
Nếu Bộ GD&ĐT muốn thực sự chấm dứt dạy thêm, học thêm, trước tiên phải trao cho giáo viên quyền linh hoạt trong phương pháp giảng dạy, thay vì áp đặt một chương trình cứng nhắc.
"Giáo viên làm thế nào để sáng tạo, đổi mới khi vẫn bắt buộc phải dạy đúng giáo án, đúng đề thi... và lớp học chật cứng 40-50 học sinh?" - đây là câu hỏi của một giáo viên mà tôi từng đọc được trong một bài báo, mà tôi cứ suy nghĩ mãi.
Cần thay đổi tư duy giáo dục thay vì chỉ ban hành lệnh cấm
Một hệ thống giáo dục lý tưởng là hệ thống không khiến học sinh phải học thêm. Nhưng để đạt được điều đó, Việt Nam cần thay đổi sâu sắc về cách đánh giá năng lực học sinh, giảm áp lực thi cử, và tập trung vào phát triển tư duy thay vì học thuộc lòng.
Nếu học sinh không còn bị đánh giá chủ yếu qua điểm số, nếu bài tập về nhà và chương trình học được thiết kế hợp lý, nếu giáo viên có thời gian thực sự hỗ trợ học sinh trên lớp, thì tôi tin rẳng nhu cầu học thêm sẽ tự giảm đi.
Lệnh cấm dạy thêm, học thêm có thể khiến một số lớp học thêm chính thức đóng cửa, nhưng điều đó không có nghĩa là học sinh sẽ bớt áp lực hay đạt được kết quả học tập tốt hơn. Nếu những nguyên nhân gốc rễ không được giải quyết, học sinh sẽ chỉ tìm cách học thêm bằng những phương thức khác, có thể tốn kém hơn và gây khó khăn cho phụ huynh.
Tôi cho rằng, một nền giáo dục bền vững phải tạo ra một môi trường học tập không cần học thêm, chứ không phải chỉ dùng quy định hành chính để cấm đoán.
Tôi hiểu sự lo lắng của các bậc cha mẹ khác khi quy định này được ban hành. Chúng ta đều mong muốn con cái có thể học tập trong một môi trường công bằng, không áp lực. Nhưng để làm được điều đó, Bộ GD&ĐT cần có một kế hoạch dài hơi, thay đổi từ gốc rễ thay vì chỉ ban hành các lệnh cấm mang tính hình thức.
Hãy bắt đầu bằng việc cải cách chương trình học, giảm thiểu áp lực điểm số, và trao quyền tự chủ cho giáo viên – khi đó, dạy thêm, học thêm sẽ tự biến mất mà không cần phải cấm.
Theo Thanh Hương