Công trình đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences tuần này nghiên cứu về chủng virus gây hội chứng tiêu chảy cấp (Sads-CoV), bắt đầu lây lan trong các đàn lợn ở Trung Quốc năm 2016, gây tiêu chảy và nôn mửa. Có tới 90% số lợn con dưới 5 ngày tuổi khi nhiễm Sads-CoV đã chết.
Loại virus này cùng họ với virus SARS-CoV-2, là virus gây bệnh COVID-19. Cả hai loại virus này cho tới nay đều được tin là có nguồn gốc từ loài dơi.
Năm ngoái, một nhóm gồm 14 chuyên gia dịch tễ học, miễn dịch học và vi sinh học tại Đại học North Carolina ở Chapel Hill đã nghiên cứu virus Sads-CoV để xem nó có khả năng lây nhiễm sang các loài vật khác và gây bệnh cho con người hay không? Nhóm nghiên cứu của họ đã gửi công trình này tới tạp chí từ đầu năm 2020, trước khi đại dịch COVID-19 bùng lên.
Nếu virus này bùng lên ở Mỹ, lo ngại trước tiên sẽ là ngành công nghiệp chăn nuôi lợn. Nhóm nghiên cứu cho rằng con đường tiềm năng nhất để virus lây truyền sang người là thông qua tiếp xúc, chẳng hạn giữa công nhân và động vật tại các trang trại chăn nuôi. Trong các thí nghiệm của họ, nhóm nghiên cứu còn phát hiện virus này có khả năng thích ứng và cư trú trong các tế bào ở gan người, ruột và đường hô hấp.
"Chúng tôi biết virus này đã lây nhiễm cho tế bào người" - một thành viên nhóm nghiên cứu nói. Con đường lây nhiễm dễ xảy ra nhất là thông qua những tiếp xúc như giữa người lao động và vật nuôi tại các trang trại.
Link gốc: https://vtv.vn/suc-khoe/phat-hien-chung-virus-corona-moi-tren-lon-co-the-lay-sang-nguoi-20201017122427969.htm
Theo ttvn.vn