Sợ con “lạc đàn” khi đi học lớp 1
Chị Minh Thuý (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: Mấy năm gần đây, cứ sau Tết các phụ huynh có xu hướng cho con đi học thêm ở các trung tâm, tìm tới những thầy cô nổi tiếng về luyện chữ để chuẩn bị vào lớp 1 tháng 9 năm nay. Tôi thấy đó cũng là một xu hướng hợp lý. Với lượng kiến thức nhiều như bây giờ, không cho con đi học trước, đến khi học chính thức con mình sẽ trở nên “lạc đàn”, chậm chạp trong lớp. Từ đó sẽ nảy sinh tâm lý tự ti của con.
Là một người mẹ, tôi hiểu rằng không ai muốn ép con mình phải học sớm (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Thực ra, bản thân tôi là một người mẹ, tôi hiểu rằng không ai muốn ép con mình phải học sớm, mà muốn dành cho chúng thời gian tìm hiểu thế giới xung quanh. Thế nhưng, nhìn sách các cháu học lớp 1 mà hoảng về lượng kiến thức.
Trong khi đó, lớp nào cũng 40 – 50 cháu, chương trình học nặng như thế, các giáo viên làm sao có thời gian hướng dẫn cho từng cháu. Nếu không được hướng dẫn tỉ mỉ, liệu các cháu không học thì có theo được chương trình? Đó là lí do, hiện giờ chưa đến thời gian tựu trường, nhưng ngay sau Tết, con gái tôi đã bắt đầu đi học chữ”.
Trong khi đó, tham khảo các mẹ có con vào lớp 1, mẹ nào cũng nói đã cho con đi học tiếng Anh, học Toán, học tiếng Việt, có những bạn chưa vào lớp 1 mà đã đọc viết vanh vách, khiến nhiều mẹ hoang mang thực sự.
“Tôi có thể khẳng định, nếu mẹ nào có con chuẩn bị vào lớp 1 mà ko cho con học trước đảm bảo con các bạn sẽ bị bỏ lại phía sau” – chị Minh Thuý cho biết.
“Bắt quả non chín ép”
Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho rằng, dạy con học chữ trước 6 tuổi là phụ huynh đang hủy hoại nhiều điều ở con trẻ. Theo TS Hương, thời gian gần đây, phong trào dạy con học chữ trước đã phát triển rất mạnh. Dường như việc dạy trẻ trước đã trở thành một “cuộc đua” âm thầm mà rất nhiều cha mẹ tham gia với sự nhiệt tình cao độ.
TS Vũ Thu Hương cảnh báo, dạy con học trước sẽ hủy hoại khả năng tưởng tượng, sáng tạo, liên tưởng của trẻ. Theo TS. Vũ Thu Hương, cần để trẻ dưới 6 tuổi “mù chữ” bởi trẻ sẽ có khả năng sáng tạo từ những quan sát xung quanh rất tốt. “Việc biết chữ với trẻ là chắc chắn, chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Nhưng nếu cả 6 năm đầu đời của trẻ đều được rời xa việc học chữ để con chú tâm vào quan sát, học hỏi từ môi trường sống, từ thái độ và hành vi của những người xung quanh, chắc chắn các con sẽ phát triển khả năng quan sát tinh tế, liên tưởng và sáng tạo rất tốt", TS Vũ Thu Hương cho biết.
Việc cho trẻ học trước khi vào lớp 1 chẳng khác nào như “bắt quả non chín ép” (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Theo TS Vũ Thu Hương, việc cho trẻ học trước khi vào lớp 1 chẳng khác nào như “bắt quả non chín ép”, khiến cho tâm lý của trẻ bị sợ, bị ức chế và phản khoa học. Bởi lẽ, nếu trẻ được học trước, trẻ sẽ không còn sự háo hức, từ đó dẫn tới sự mất tập trung vì thấy kiến thức mà cô dạy đã được học từ trước rồi, sau đó trẻ sẽ dẫn tới là có tâm lý chủ quan và từ đó càng về sau, trẻ học dễ bị đuối dần. Hơn nữa, việc cho trẻ đi học trước, trước khi vào lớp 1 sẽ khiến cho mọi hoạt động của trẻ bị ảnh hưởng như tư thế ngồi, cách cầm bút, cách viết vì sau này khi trẻ vào lớp 1 thì trẻ đã quen với cách học từ trước, nên việc sửa sẽ là rất khó.
Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, chương trình học hết lứa tuổi mầm non chỉ làm quen với 24 chữ cái, nhận biết từ số 1 - 10, cấm dạy thêm, học thêm cho trẻ 5 tuổi. Ông Trịnh Đức Minh, Phó phòng Giáo dục Tiểu học cho biết, chủ trương của ngành giáo dục là không cho trẻ học trước chương trình lớp 1. Học chữ, làm toán trước khi đi học không phải là hoạt động giáo dục trước tuổi học đường, mà đó là do xã hội ép học sinh làm quá khả năng.
Cũng theo ông Minh, ở trường mầm non chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 bằng chương trình dạy làm quen với chữ cái và con số. Việc này rất khoa học, nhẹ nhàng, thoải mái, phù hợp với tâm sinh lý và sự tiếp thu của lứa tuổi mẫu giáo, cũng là tiền đề quan trọng để làm quen với hoạt động học tập ở tiểu học. Học chữ ở tuổi mầm non chỉ tạo nền tảng bước đầu, vào lớp 1 trẻ mới thực sự được dạy theo chương trình đúng chuẩn.
Theo phunuvietnam.vn, phunuphapluat.vn