Thời gian qua, sau nhiều tranh cãi, Đề án "Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2018-2020" đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt.
Theo đó, đề án về sữa học đường này sẽ được triển khai từ năm học này đến hết năm 2020. Mục tiêu của đề án là có trên 90% số trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa...
Chương trình Sữa học đường từng được áp dụng ở Trung Quốc |
Tuy nhiên, từ khi đề án còn nằm trên giấy, nhiều phụ huynh đã lo lắng về độ an toàn thực phẩm, vì trước đó ở Đồng Nai đã có vụ ngộ độc tập thể liên quan uống sữa học đường khiến các trường phải dừng chương trình này. Từ những vụ lùm xùm trước đó, phụ huynh có quyền lo lắng về việc liệu sữa sắp hết hạn có được các hãng sử dụng cho con họ uống, việc vận chuyển, bao bì có đảm bảo an toàn thực phẩm, rồi việc tái chế vỏ sữa có an toàn…
Những lo lắng trên chưa kịp nguôi thì mới đây, có thông tin cho rằng nhà trường đã “ép” phụ huynh đăng ký tham gia chương trình này vì thành tích thi đua của trường.
Chưa kể, các bậc cha mẹ mới được biết thông tin sữa học đường khác cơ bản so với các loại sữa bán trên thị trường vì được thêm nhiều vi lượng, khoáng chất để tăng chiều cao cho các con. Trước vấn đề này, nhiều bậc cha mẹ ở Hà Nội đang rất băn khoăn liệu hàm lượng những dưỡng chất trong sữa học đường quá cao, thúc đẩy chiều cao như vậy có khiến con họ béo phì, dậy thì sớm.
Chị Phương Nhung – một phụ huynh ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) không giấu nổi lo lắng, cho rằng ngày nay, trẻ em đã được bổ sung sữa rất nhiều bên cạnh thức ăn dinh dưỡng khác ở nhà, nên sữa học đường có thể gây dư thừa cho con chị. “Con gái tôi uống sữa đều đặn sáng, tối, riêng ở nhà đã uống khoảng 1 lít mỗi ngày. Nếu bổ sung thêm sữa học đường với nhiều dưỡng chất hơn sữa thường, tôi sợ cháu bị dư chất gây béo phì. Được biết, béo phì là nguyên nhân gây nên chứng dậy thì sớm, lúc đó chiều cao sẽ không phát triển được thêm nữa”, chị bày tỏ.
Theo PGS-TS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng Trường học, Viện Dinh dưỡng Quốc gia – sữa là một trong tám nhóm thực phẩm được khuyến cáo sử dụng hằng ngày ở mọi lứa tuổi. Đặc biệt, sữa là thực phẩm quan trọng và dễ tiếp thu của giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì. Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến nghị lượng sữa nên sử dụng một ngày cho trẻ mầm non là 3-4 đơn vị. Đối với trẻ 6-7 đơn vị, các con cần được cung cấp 5 đơn vị mỗi ngày và đặc biệt, trẻ ở lứa tuổi tiền dậy thì và dậy thì 9-11 thì phải được uống 9 đơn vị sữa.
Do đó, theo các chuyên gia, chương trình sữa học đường không tăng thêm năng lượng nên khó khiến trẻ bị béo phì. Trong khi đó, nhiều thực phẩm khác chứa nhiều tinh bột là “thủ phạm” gây béo phì như xôi, bánh bao, bánh giò… phụ huynh lại không tiết chế lại khi con tăng cân. Ngoài ra, đồ ăn nhanh – thức ăn được ưa chuộng của nhiều học sinh hiện nay – chính là nguyên nhân gây béo phì ở trẻ em. Bên cạnh đó, các hormone, chất độc tồn dư trong thịt da, thịt lợn, rau củ… cũng khiến trẻ dậy thì sớm.