Thời gian tới, dự án chương trình Sữa học đường góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học sẽ được triển khai thực hiện trên địa bàn Hà Nội.
Được hỗ trợ 50% chi phí
Trước đó, ngày 5-7-2018, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 06 Quy định cơ chế hỗ trợ, đóng góp thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2018 – 2020.
Theo đó, trong vòng 9 tháng của năm học, trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa tươi 5 lần/tuần, mỗi lần các em sẽ uống 1 hộp 180 ml. Nếu chương trình này chính thức được thực hiện, sẽ có khoảng hơn 1,5 triệu trẻ mẫu giáo và hơn 2 triệu học sinh tiểu học sẽ được uống sữa được hỗ trợ ngân sách trong những buổi học.
|
Theo nghị quyết của Hà Nội ban hành, Thành phố này trích ngân sách hỗ trợ cho Chương trình Sữa học đường 30% chi phí, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh học sinh đóng góp 50%. Đối với trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học thuộc hộ nghèo và cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thuộc diện chính sách được ngân sách hỗ trợ 50%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 50%.
Mục tiêu của đề án là tăng khẩu phần protein, sắt, canxi trong khẩu phần trẻ em mẫu giáo và tiểu học nhằm giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em Hà Nội nói riêng, trẻ em Việt nói chung.
Phụ huynh lo ngại
Đề án trên được đánh giá nhân văn khi đa được các trường, Phòng GD-ĐT toàn thành phố ủng hộ. Đây được cho là chính sách giúp tạo sự bình đẳng, sẻ chia giữa các học sinh đồng thời tại điều kiện con em nhà nghèo, dân tộc thiểu số, diện chính sách được tiếp cận nguồn dinh dưỡng mà bình thường các em có thể không được cung cấp đủ theo nhu cầu độ tuổi.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều phụ huynh ở Hà Nội băn khoăn về những rủi ro đến với con mình khi triển khai chương trình này. Các phụ huynh ở những trường lớn lo ngại mùa đông ở phía Bắc rất cóng, các cháu uống sữa tươi lạnh liệu có đảm bảo sức khỏe không? Chưa kể, thời gian qua xuất hiện các vụ sữa học đường gây ngộ độc ở Đồng Nai khiến nhiều phụ huynh hoang mang.
Cụ thể, ngày 3-3-2018, Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các phòng giáo dục tạm dừng đề án sữa học đường sau vụ 73 học sinh ở Trường Mầm non Phú Lộc và Trường Tiểu học Phạm Văn Đồng bị ngộ độc nghi do sữa. Đề án sữa học đường này đã được tỉnh Đồng Nai triển khai từ cuối năm 2014 – trước Hà Nội rất lâu và toàn bộ học sinh mầm non, khối lớp 1 ở đây ở các huyện, thị xã đã được hưởng thụ chính sách này: Uống sữa miễn phí. Tuy nhiên, sau vụ ngộ độc của 73 trẻ, nhiều phụ huynh ở tỉnh cũng như các tỉnh khác e ngại trước chương trình này.
Chị Lan Anh (có con đang học lớp 1 tại Trường Tiểu học Chu Văn An, Hà Nội) cho biết khi nghe tin chương trình sữa học đường được triển khai ở thành phố, chị rất lo lắng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. “Xưa nay, con tôi dùng sữa ngoại chất lượng tốt, nay đổi sữa đại trà không biết bụng cháu có quen không? Chỉ sợ khâu nào đó không được đảm bảo con sẽ đau bụng, ảnh hưởng quá trình học tập”, chị tâm sự.
Chị Lan Anh cũng như các phụ huynh khác đang có con học mầm non, tiểu học ở Hà Nội bày tỏ mong muốn Sở GD-ĐT Hà Nội kiểm tra kỹ lưỡng các khâu trước khi thực hiện Chương trình Sữa học đường và cam kết đảm bảo an toàn khi áp dụng đối với trẻ nhỏ.
Gửi bình luận
(1) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.