PTC Hội truyền nhiễm VN: Chưa có thuốc nào ức chế được Covid-19, 3 nhóm F0 nên đến bệnh viện thay vì ở nhà

Theo các chuyên gia, khi F0 cách ly tại nhà cần đặc biệt chú ý tới dấu hiệu bệnh có thể chuyển biến nặng để nhờ nhân viên y tế giúp đỡ.

Những triệu chứng cảnh báo F0 chuyển biến nặng

Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, Đại học Sydney cho biết, trong trường hợp F0 cách ly tại nhà cần lưu ý 4 điểm sau: Thứ nhất, phải ghi lại dấu hiệu nghi ngờ để báo với nhân viên y tế. Vì theo tổng kết các trường hợp mắc Covid-19 từ 5-10 ngày sẽ dễ chuyển biến nặng; Thứ 2, cần phải theo dõi nhiệt độ cơ thể; Thứ 3, theo dõi đường hô hấp có khó thở hay không; Thứ 4, đo nồng độ oxy trong máu bằng thiết bị theo dõi tại nhà.

Một số dấu hiệu F0 chuyển biến nặng có thể lưu ý như: da xanh, môi nhợt nhạt, khó thở khi vận động. Ngoài ra, một số triệu chứng khác có thể gặp như: khó cầm nắm được đồ vật, hay quên, đi lại không vững, tim đập nhanh, đau thắt ngực… là dấu hiệu cần theo dõi. Khi có những dấu hiệu này, người F0 hoặc người nhà cần gọi ngay cho nhân viên y tế để được hỗ trợ.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho hay, trong quá trình diễn biến của bệnh Covid-19 từ khi xét nghiệm dương tính tới khi chưa có triệu chứng sẽ có thời gian ủ bệnh từ 5-7 ngày. Sau đó, bệnh nhân sẽ có những triệu chứng đầu tiên và đây cũng là ngày khởi phát của bệnh tới lúc bệnh chuyển biến nặng thường sau từ 5-10 ngày.

3 chuyên gia trong buổi toạ đàm trực tuyến.

"Để biết triệu chứng nặng hay không thì phải lắng nghe cơ thể mình xem có những gì khác biệt. Tại một số bệnh viện dã chiến, bác sĩ thường cho bệnh nhân tập thể dục, dọn dẹp vệ sinh phòng. Nếu ngày hôm đó có trường hợp tập thể dục xong thấy mệt mỏi, uể oải, đó chính là một dấu hiệu chuyển biến nặng. Dấu hiệu virus xâm nhập vào phổi sẽ bắt đầu bằng ho khan, tức ngực", bác sĩ Hà nói.

Theo bác sĩ Hà điều quan trọng nhất khi F1, F0 cách ly tại nhà là sự kết nối với nhân viên y tế. Phải thành lập đường dây nóng thì phải có người thường xuyên thường trực để cho bệnh nhân báo khi chuyển biến nặng.

Đồng quan điểm với bác sĩ Hà, TS.BS. Đỗ Thiện Hải, Trưởng Khoa Nội tổng quát (Truyền nhiễm), Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay: "Từ trước tới nay tôi không khuyến khích bệnh nhân khi có vấn đề sức khỏe phải tự xử lý tại nhà. Với bệnh nhân Covid-19 khi điều trị tại nhà điều quan trọng nhất là sự kết nối với nhân viên y tế. Mỗi 1 ngày F0 phải liên lạc với nhân viên y tế hoặc nhân viện y tế chủ động liên lạc với F0 để hỏi về các dấu hiệu và dặn thêm dấu hiệu cần theo dõi.

Theo thống kê dấu hiệu chuyển biến nặng rất sớm là ăn không ngon miệng. Nếu như ngày trước bạn ăn vẫn ngon miệng ngày hôm sau ăn không ngon khả năng bệnh đã chuyển biến nặng. Tiếp theo nếu bạn vận động mạnh, gắng sức, cảm thấy mệt là những dấu hiệu sớm báo hiệu bệnh đang chuyển biến nặng".

80% triệu chứng không có nguy cơ tăng nặng

Trước câu hỏi 80% bệnh nhân mắc Covid-19 không triệu chứng thì làm sao nhận ra triệu chứng nặng, bác sĩ Hải phân tích thêm, chúng ta phải làm rõ bệnh nhân mắc Covid-19 phải đáp ứng 2 điều kiện: Có nhiễm virus SARS-CoV-2 và triệu chứng, mới gọi là mắc Covid-19. Đối với các trường hợp không có triệu chứng không gọi là mắc bệnh mà chỉ là các trường hợp mang virus. Người mang virus hoàn toàn không có triệu chứng.

Theo bác sĩ Hà muốn biết được diễn biến của F0 ra sao thì phải theo dõi. Các trường hợp khi có triệu chứng sẽ được chuyển thành ca bệnh và được đưa vào viện theo dõi. Còn các trường hợp F0 không xuất hiện triệu chứng thì không phải bệnh nhân. Những trưởng hợp này chủ yếu sẽ theo dõi y tế dự phòng để không lây nhiễm, chứ bác sĩ không cần can thiệp bất cứ thuốc gì.

Khi bệnh nhân mang virus có triệu chứng sẽ được chuyển thành ca bệnh theo dõi. Khi có biểu hiện phổi (tức ngực, ho, khó thở gắng sức) phải đến bệnh viện chụp phổi, đo nồng độ oxy trong máu… Nếu bệnh nhân chuyển biến bác sĩ có thể can thiệp sớm thuốc chống viêm, chống đông để hạn chế tiến triển nặng.

Bác sĩ Hà cho hay: "Rất tiếc là đối với virus SARS-CoV-2 qua rất nhiều thử nghiệm lâm sàng với nhiều giả thiết, chưa có 1 thuốc nào ức chế được virus. Chúng ta có thể phát hiện virus nhưng không tác động được vào virus mà chỉ theo dõi can thiệp hỗ trợ giảm triệu chứng, theo dõi dùng thuốc ngăn diễn biến nặng. Do vậy đối với các trường hợp nguy cơ cao như người già, thai phụ, người có bệnh lý nền nên đến biện viện".

 

Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/ptc-hoi-truyen-nhiem-vn-chua-co-thuoc-nao-uc-che-duoc-covid-19-3-nhom-f0-nen-den-benh-vien-thay-vi-o-nha-161211807153058620.htm

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU