Làm sao để có một bữa sáng cho con đủ chất, ngon miệng trong mùa dịch mà lại chế biến nhanh gọn là vấn đề khiến không ít mẹ trăn trở. Seri bài Thực đơn bữa sáng cho bé sẽ giúp các mẹ giải tỏa phần nào nỗi trăn trở ấy.
Bữa sáng có vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Việc duy trì thói quen ăn sáng sẽ giúp trẻ có đủ sức khoẻ để tham gia các hoạt động trong suốt một ngày dài. Hiểu được điều đó, cô Phạm Thị Lệ Hằng (sống tại TP HCM), bà ngoại của bé Khả Hân (biệt danh là Tép, 19 tháng tuổi) đã lên thực đơn bữa sáng vừa ngon vừa dinh dưỡng cho cháu gái của mình.
Dù hiện tại TP HCM đang trong đợt giãn cách toàn xã hội nhưng cô Hằng vẫn cố gắng nấu nướng và chăm sóc bé như những ngày thường. Cô cho biết, bữa sáng cũng là bữa chính, quan trọng không kém gì bữa trưa và chiều. Sau một đêm bé ngủ dậy cần nạp thêm năng lượng để vui chơi cả ngày nên bữa ăn phải được nấu đầy đủ, tươm tất.
Cô Hằng tự bày biện, trang trí món ăn cho cháu gái.
Chia sẻ thêm về cách lên thực đơn, cô Hằng nói: "Trong suốt quá trình từ lúc bắt đầu cháu ăn dặm, mình theo dõi và biết được bé thích hay không thích món nào, sau đó sẽ ưu tiên chọn những món bé muốn ăn hơn. Bữa sáng đầy đủ dinh dưỡng cho bé bao gồm: chất đạm, tinh bột, rau củ, trái cây và sữa chua. Đặc biệt mình cân rõ ràng lượng thực phẩm theo nhu cầu vừa đủ cho mỗi bữa ăn của bé, như đạm 40gram, tinh bột 40gram, rau 20-30gram, trái cây thì để bé ăn tuỳ ý, sữa chua/ váng sữa ăn kèm sau bữa theo nhu cầu".
Cô Hằng bật mí bí quyết khi nấu ăn là dù đó là món nước hay món khô, cô đều cân lượng đủ trước khi cho vào khay cơm của cháu. Bên cạnh đó, việc bài trí các món ăn cũng không kém phần quan trọng, bữa ăn ngon mắt, màu sắc thì mới thu hút được bé: "Đa phần mình trang trí bông hoa, cây cỏ, con vật như bướm, rùa... và bé cực kì thích". Vì đầy đủ như vậy nên thời gian cô Hằng dành cho việc nấu bữa sáng cũng rơi vào khoảng 30-45 phút tuỳ vào món ăn.
Món nào cũng dễ thương và cực bắt mắt.
Dù vậy, đối với cô Hằng, việc cháu gái ăn ngon và hết khẩu phần là động lực giúp cô muốn vào bếp nhiều hơn: "Mỗi khẩu phần mình cân theo chuẩn các bác sĩ dinh dưỡng khuyên và cũng phù hợp với lượng ăn của bé. Bởi thế bé ăn hết, nếu có dư cũng chỉ một chút ít không đáng kể. Thêm vào đó, mỗi bữa mình để thêm trái cây hoặc phô mai vào khay nên Tép rất thích. Bé ăn 3 bữa từ lúc 10 tháng tuổi nên đến hiện tại đã quen với cữ sáng như thế này".
Ngoài ra, cô Hằng chia sẻ không lên thực đơn theo tuần nhưng xoay vòng các loại đạm và bữa nước bữa khô. Cô ưu tiên món nào nấu nhanh vì buổi sáng thường không có nhiều thời gian bằng buổi trưa hay chiều.
Các món được chế biến quay vòng theo khẩu vị và món ăn bé Tép thích.
Có bà ngoại cưng chiều thế này hẳn bé Tép hạnh phúc lắm đây. Nhìn cô bé hào hứng ăn uống thật đáng yêu, mọi người cũng dành lời khen cho cô Hằng vì vừa khéo léo lại chăm sóc cháu gái cực chu đáo.
Cô bé Tép rất thích thú với các món ăn do bà ngoại nấu.
Các thành phần dinh dưỡng cần thiết trong giai đoạn ăn dặm mà cô Hằng gợi ý cho các mẹ bỉm sữa:
- Nhóm tinh bột: gạo, yến mạch làm nhóm tinh bột chính cho bé, bên cạnh đó thỉnh thoảng đổi món như nui, mỳ, sandwich, bún gạo, khoai lang, khoai tây.
- Nhóm đạm là: heo, bò, gà, cá hồi, cá thu, cá lóc, chim bồ câu, tôm, mực, cua.
- Nhóm rau: mồng tơi (Tép thích ăn nhất), rau ngót, cải bó xôi, cải ngọt, chùm ngây, bông cải xanh, bí ngòi xanh, bí đỏ, măng tây, cà rốt, cải cầu vồng,... đa dạng các loại rau để bé được ăn thử.
- Dầu ăn cho bé ăn dặm: dầu ô liu, dầu óc chó, dầu macca, dầu quả bơ, dầu hạt cải, hướng dương, gấc. Mình cho bé ăn xoay vòng mỗi bữa ăn. Trong tủ lạnh nhà mình giờ chắc khoảng 4-5 chai dầu các loại.
- Trái cây: Xoài, mận, ổi, nho không hạt, cherry, việt quất, mâm xôi, dâu tây, phúc bồn tử, vải, táo, lê, dưa hấu, bơ,...
Các món ăn dặm bổ dưỡng
- Giai đoạn ăn cháo:
Cháo rau mồng tơi + thịt gà + dầu ô liu
Cháo rau ngót + cá chép + đậu hủ non + dầu ô liu
Cháo cải bó xôi, thịt heo + dầu ô liu
Cháo rau dền + thịt bò + dầu ô liu
Cháo chim bồ câu + hạt sen + dầu ô liu
Cháo đu đủ + thịt heo + dầu ô liu
Cháo yến mạch + khoai tây + thịt heo + dầu ô liu
Cháo bí ngòi + thịt bò + dầu ô liu
Cháo yến mạch + cái bó xôi + thịt gà + dầu ô liu
Cháo yến mạch + cá hồi + rau ngót + dầu ô liu
Cháo gạo lức + đậu hà lan + bí đỏ + khoai lang + thịt bò + dầu ô liu
Cháo gạo lức + bồ câu + đậu hà lan + cà rốt + dầu ô liu
Cháo yến mạch + cá hồi phi hành + canh rau ngót, mồng tơi + dầu ô liu
Cháo yến mạch + cải kale + cà rốt + thịt bò
- Giai đoạn ăn cơm:
Cơm: Cơm trắng + dầu ăn; Cơm rắc phô mai + dầu ăn; Cơm trộn yến mạch hạt chia (món này cô hay làm nhất)
Món mặn:
Cá hồi áp chảo
Cá ngừ kho thơm, kho cà chua
Bồ câu rim nước dừa, hoặc hầm hạt sen nước dừa
Thịt heo rim nước dừa, thịt heo chiên sả
Thịt bò xào, bò kho nước tương
Mình thích chọn nước dừa để thay cho nước và cũng thay cho vị ngọt của đường
Canh: Nấu cùng các loại rau trên
Các món khác: Nui nấu thịt và rau củ; Mỳ ý; Súp gà, Sanndwich quét phô mai và mứt
Theo afamily.vn