Quán nhỏ thay đổi thực đơn mỗi ngày, khách tự lấy thức ăn vì quá quen tính bà chủ hào sảng

Quán ăn nho nhỏ ngay góc đường đã tồn tại gần 40 năm, nhờ sự hào sảng và luôn vui vẻ, chủ quán được rất nhiều người yêu mến.

Quán nhỏ thay đổi thực đơn mỗi ngày, khách tự lấy thức ăn vì quá quen tính cô chủ hào sảng: "Của anh 21 nghìn, em lấy 20 nghìn thôi".

"Mua 5 cái khuyến mãi thêm 1 cái. Em cảm ơn chị".

Đó luôn là lời "trả giá" của dì Gái, chủ quán ăn nhỏ trên núp hẻm ở số 211 Hoàng Hoa Thám, quận Phú Nhuận, TP. HCM. Quán ăn mà người mua thường bảo: "Bán cho vui" bởi gặp khách nào dì cũng bớt tiền, lại còn cho thêm.

Bà chủ quán hào sảng, hỏi gì cho đó

Quán ăn nho nhỏ ngay góc đường này đã tồn tại được gần 40 năm theo lời dì Gái, "từ lúc dì còn con gái đến lúc dì lấy chồng đến giờ rồi đây nè". Cái quán nhỏ, hay nói đúng hơn là một sạp hàng, bày đủ loại thức ăn, nào bánh, nào xôi, nào chè, mỗi ngày phải ít nhất 3 món cô chủ mới chịu vì… "bán từ xưa đến giờ đã thế rồi. Bớt lại chịu không được".

Vì vậy, dù tuổi đã cao, dì Gái vẫn thức khuya dậy sớm nấu đủ thực đơn 3 món mỗi ngày, riêng thứ Tư và chủ Nhật thì 2 món, vì: "Tại đuối quá đó con". Đặc biệt, ngày Rằm dì còn bán đồ chay cho cho mọi người chay tịnh.

Quán của dì Gái đơn giản chỉ là một sạp gỗ cao, cái tấm phông bạt, cây dù cùng với một hàng ghế dài phía trước cho khách ngồi lại, vừa ăn, vừa trò chuyện cùng cô chủ. Khách đến chỗ này, rồi quay lại cũng vì cái cách nói chuyện độc quyền của dì Gái: Hào sảng, bông đùa mà cũng chân thành.

- "5 ngàn có bán không dì?".

- "Bán luôn. Năm ngàn cho miếng chả nha".

Dì Gái vui tính, gặp khách nào, dù là ai, dì cũng gọi dạ, xưng vâng. Dì cũng gọi khách là anh, là chị, xưng em nên người ta quý dì ở chỗ ăn nói.

Khách đến hỏi mua gì dì cũng tiếp chuyện, có hỏi xin thêm thức ăn gì dì cũng cho."Đây toàn là đồ nhà làm, nên không có bị lỗ đâu con", dì Gái vừa nói vừa cho thêm nhiều thức ăn kèm theo lời thực khách.

Có những người khách quá "quen mặt" chủ, ăn ở đây ngót nghét hơn chục năm nên khi đến, thấy dì Gái bận rộn thì cũng tự vào lấy thức ăn, tự phục vụ. Khi nào dì Gái rảnh tay sẽ tính tiền sau.

Chính sự dễ gần này mà quán dì Gái lúc nào cũng đông khách. Người đến không phải chỉ để mua thức ăn mà còn đến để ngồi quây quanh sạp hàng của dì, nghe dì kể chuyện, nhìn dì gắp đồ ăn cho khách. Vậy thôi cũng thấy vui vẻ.

Dì Gái nói, chủ yếu là bán "lấy công làm lời". Bán hàng đã gần 40 năm, nay sức khoẻ dì đã suy yếu, không còn đủ sức để làm nhiều. Bán chỉ 2 tiếng mỗi ngày, lời lãi cũng không được bao nhiêu, nhưng nghỉ thì dì không chịu.

Những thức quà bình dị, bình dân

Thực đơn ở đây theo đổi theo ngày. Để tiện cho khách mua hàng lựa chọn xem "Hôm nay ăn gì?", dì Gái còn cẩn thận in tất cả các món ăn lên bảng rồi treo trước quán. Thứ Ba, Tư, Năm, Sáu, Bảy dì bán bánh bèo, thứ Năm và Chủ Nhật sẽ bán bánh khọt. Còn chè thì thay đổi mỗi ngày, nào chuối chưng, đậu đen, chuối xào dừa, rau câu dừa,... Đủ loại chè, bánh cho thực khách lựa chọn. Mỗi ngày dì Gái sẽ nấu những món ăn khác nhau, thay đổi cho lạ miệng.

Hỏi dì có khó khăn gì trong việc phải thay đổi nhiều món ăn như thế không, dì cười: “Bán mấy chục năm rồi. Còn khó khăn gì nữa”. Không khó, nhưng cực, bởi tất cả những thức quà ở đây đều một tay dì nấu.

Dì thức dậy lúc 4 giờ sáng, nếu hôm nào có khách đặt chè, xôi thì phải là 3 giờ. Nấu 3 món cho một ngày bán. Đến gần 14 giờ chiều, dì dọn hàng ra quán. Dù sức khoẻ dạo này không còn như trước nhưng dì vẫn cố gắng để được nấu nướng: "Buôn bán mới khoẻ, nằm không thì nó chán lắm con".

Mỗi ngày dì chỉ bán một lượng nhất định, hết rồi về, không bán thêm. Vì thế mà có hôm chỉ vừa dọn hàng ra 1 tiếng rưỡi đã dọn vào vì… hết món. Muốn ăn ở quán dì Gái không những phải lựa ngày, mà còn phải lựa giờ, bởi đến trễ là không còn thức ăn. Nhiều món chưa được một giờ đồng hồ đã hết veo, khách hôm ấy hỏi món chè đậu đen không có đành tiu nghỉu quay xe ra về.

Người vào ra quán nườm nượp, băng ghế dài trước sạp lúc nào cũng kín chỗ. Khách không có chỗ ngồi thì xách ghế đẩu ra ngồi ở kế bên, vừa ăn vừa nghe dì trò chuyện.

Lúc chúng tôi đến dì cũng chỉ vừa dọn ra nhưng chỉ đến 15 giờ 30 là xôi nếp cẩm và chè đã hết, còn thau bánh đúc, bánh bèo đã vơi hơn nửa. Dì bảo: "Nay là bán chậm rồi đấy. Chứ bình thường giờ này cũng không còn gì. Dạo này trời mưa nên cũng khó bán hơn".

Tấm bảng thực đơn treo ở trước quán, khách nào đến cũng dừng lại ngó nghiêng. Nếu hôm nay không có món bản thân mong muốn thì hôm sau quay lại.

Những món dì Gái bán thì không có gì xa lạ. Là xôi nếp cẩm, bánh đúc, chè thưng,… dễ ăn, dễ làm nhưng dường như không dễ kiếm giữa Sài Gòn đông đúc này nữa. Có những thực khách phải lặn lội từ xa để về thưởng thức những món ăn bình dị ở đây. Dì Gái tự hào kể: "Ngoài khách quen ở đây thì còn nhiều người ở xa đến lắm, Thủ Đức, Bình Chánh,… cũng có. Người nước ngoài cũng có đến đây nữa".

Những thức quà của dì Gái bán với giá rất bình dân. Một hộp đầy đủ thức ăn giá cũng chỉ 20 nghìn đồng. Ly chè đậu ăn tại chỗ chỉ có giá 7 nghìn đồng, muốn bao nhiêu nước cốt dừa dì cũng cho. Mà đã rẻ thế nhưng nếu người ta ăn "chịu", dì cũng cho luôn! "Người ta nhớ thì đến trả, không thì thôi, cũng chẳng có bao nhiêu", dì Gái vừa nói vừa luôn tay gắp thức ăn cho khách.

Khó lòng mà tìm được một nơi ở Sài Gòn bán thức ăn với giá bình dân đến thế. Bởi vậy mà khi đến, thường khách của dì Gái sẽ mua rất nhiều. Có người ở xa, mỗi khi đến đây là mua 10 hộp về để chia cho họ hàng.

Chị Hương - một "mối ruột" ở quán dì Gái kể, chị ăn ở quán dì từ lúc còn là con gái đến lúc lấy chồng rồi giờ về làm dâu đã hơn chục năm. Còn cô Ngân, một hàng xóm ở gần đó thì kể: "Quán dì Gái bán rẻ mà ngon. Tôi ăn ở đây mỗi ngày. Mà không ăn cũng ra đây nói chuyện với ‘bả’ cho vui".

Quán ăn nhỏ này dường như đã trở thành một phần ký ức của thế hệ nào đó quanh vùng này. Người ta đến đây không chỉ vì những thức quà ngon mà còn vì sạp hàng của dì Gái vui vẻ, gần gũi như nhà mình.

https://soha.vn/quan-nho-thay-doi-thuc-don-moi-ngay-khach-tu-lay-thuc-an-vi-qua-quen-tinh-ba-chu-hao-sang-2022052200395472.htm

 

Theo kenh14.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU