Một tác phẩm trong cuốn sách ảnh “Miền cổ tích” của nhiếp ảnh gia Thái Phiên. Ảnh: TL |
Chỉ nên từ chối cấp phép khi không có tính mỹ thuật cao
Triển lãm quy tụ nhiều cái tên nổi tiếng của làng nhiếp ảnh như Thái Phiên, Nguyễn Dzũng Art, Dương Quốc Định, Lê Quang Châu, Đào Đức Hiếu, Phó Bá Cường, Nguyễn Á, Ngô Văn Phú, Đỗ Thị Mai, Trần Nhân Quyền... Theo kế hoạch, biển đề “18+” sẽ được đặt tại cổng triển lãm. Cán bộ của trung tâm triển lãm cũng sẽ thường xuyên kiểm soát, nhắc nhở khách phải tuân thủ quy định về độ tuổi. Nếu cần sẽ kiểm tra chứng minh thư của khách trước khi vào xem. Đây là điều chưa từng có trong các cuộc triển lãm nào của Việt Nam.
Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, trong quy định của Bộ VH-TT&DL không hề có quy định cấm cấp phép triển lãm tranh, ảnh khỏa thân. Nhưng thực tế là từ trước đến nay các nhà quản lý văn hóa vẫn còn e dè vì sợ sự phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục. Thật ra, không thể coi là vi phạm thuần phong mỹ tục được - khi chứng tích nghệ thuật của cha ông ta để lại đã có những tác phẩm như vậy. Theo tôi, chỉ nên từ chối cấp phép với trường hợp tranh, ảnh khỏa thân không có tính mỹ thuật cao. Để làm được điều này thì cần có hội đồng thẩm định với đủ kiến thức chuyên môn.
Quy định không cấm nhưng từ nhiều năm nay, nhiếp ảnh gia Thái Phiên luôn được thử thách lòng kiên nhẫn để xin giấy phép mở cuộc triển lãm cá nhân về ảnh nude. Mục đích không gì khác ngoài việc để những người yêu nghệ thuật ảnh nude có một sân chơi, nghệ sĩ có dịp công bố tác phẩm mà họ đã dày công sáng tạo, thuyết phục người mẫu. Bởi khác với dòng tranh khác, ảnh nude rất khó tìm được đầu ra. Tranh vẽ phong cảnh, hiện thực… có thể bán được vài trăm đến vài nghìn USD nhưng với ảnh nude thì rất khó. Cái để các nghệ sĩ “bấu víu” chỉ là để bày tỏ niềm đam mê, để sự sáng tạo của họ không đơn độc, chụp xong rồi tự ngắm hoặc “phát hành” bằng đường “tiểu ngạch” là các trang cá nhân. Lâu lâu lại khốn khổ vì bị khóa Facebook cả tháng trời vì bị quy là “ảnh đồi trụy”.
Nghệ sĩ Thái Phiên cho biết, anh đã có hai lần bị từ chối cấp phép khi có ý định mang tác phẩm ra Hà Nội và Huế triển lãm. Từ đó, anh đã nêu cao quyết tâm sẽ không bao giờ đi “xin” nữa. Lần này anh tham gia là bởi được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm mời. Trước đó anh cũng từng thẳng thắn: “Nếu các chương trình, các ban tổ chức sắp xếp và mời thì tôi tham gia, còn tự tôi đi xin cấp phép cho triển lãm thì không. Làm người phải có tự trọng, làm nghệ sĩ càng cần tự trọng”. Tuy nhiên, nghệ sĩ Thái Phiên cũng cảm nhận được rằng, dù cơ quan chức năng đang dần “mở cửa” với ảnh nude nhưng để được đón nhận một cách rộng rãi và bình đẳng như xã hội từng đón nhận những vẻ đẹp khác thì vẫn còn là con đường rất dài phía trước.
Nhà quản lý “mở hé”, trên mạng đã “mở toang” từ lâu
Mặc dù họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho rằng, việc gắn mác “18+” là cần thiết và thận trọng nhưng theo các nghệ sĩ nhiếp ảnh, động thái này là khá thừa, thậm chí còn gây tác động ngược. Bởi càng cấm thì người ta lại càng tò mò muốn xem. Hơn nữa, những tác phẩm được chọn triển lãm lần này cũng đã được các tác giả công bố bằng nhiều hình thức khác nhau.
Chẳng hạn, nhiếp ảnh gia Thái Phiên sẽ chọn lọc các tác phẩm (mỗi tác giả được gửi 5-7 tác phẩm) từ cuốn sách ảnh “Miền cổ tích”, được anh phát hành đầu năm nay và đang được bán rộng rãi tại các hiệu sách. Cấm chỗ này nhưng lại thoải mái ở chỗ khác khiến cho quy định của Cục được cho là lạc hậu. Đó là chưa kể đến việc, với sức ảnh hưởng cá nhân, các nghệ sĩ nhiếp ảnh đều có trang web riêng. Đây là nơi để các tác phẩm tìm đường kết nối với công chúng một cách rộng rãi nhất nên việc có được triển lãm chính thống hay không ở thời kỳ công nghệ này đã không còn trở nên quá quan trọng.
Nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định đã thẳng thắn cho rằng: “Việc dán nhãn “18+” là động tác thừa. Bây giờ, trên mạng Internet cái gì chẳng có. Tuổi 16 - 17 ngày nay cũng đâu giống ngày xưa nữa. Có nhất thiết phải cấm và có cấm được không? Những tác phẩm của tôi hay những đồng nghiệp khác, có phải đợi đến lúc được cấp phép công bố thì công chúng mới thấy đâu. Những tác phẩm đoạt giải bao nhiêu năm qua, báo chí cũng đưa tin, chỉ cần gõ vài từ khóa trên mạng là ra. Việc “mở cửa” nhưng “mở hé”, dán nhãn “18+” để thăm dò dư luận, chỉ thể hiện sự rụt rè, thiếu mạnh dạn của Ban tổ chức”.
Về triển lãm ảnh nude dán nhãn 18+ sắp tới, nhiếp ảnh gia Nguyễn Dzũng Art - tác giả tham gia triển lãm nhận định: “Đây là một qui định "thập thò", mở nhưng mà đóng, đóng lại là mở. Triển lãm ảnh nude đã được duyệt kĩ càng với Hội đồng nghệ thuật nhiều thành phần thì việc “che chắn” với ng dưới 18 tuổi là hoàn toàn không cần thiết. Ảnh đẹp được công nhận thì có gì phải giấu. Không muốn nói là quyết định này có tác dụng ngược. Với thành phần dưới 18 tuổi lại càng phải nên mở, vì các cháu nhận thức chưa chín, không được xem để hiểu thì vô tình ảnh cởi truồng với ngựa, cởi để bảo vệ môi trường... lại là ảnh "nghệ thuật”.
Theo giadinh.net.vn