Con nhỏ vốn giàu lòng bao dung. Dù cha mẹ chửi mắng, thậm chí “tặng” đòn roi vì những lỗi rất nhỏ, chúng vẫn tha thứ và yêu thương. Nhưng, chúng không thể cứ nhỏ bé mãi, cứ bao dung mãi. Và hậu quả của việc đem căng thẳng vào tổ ấm của mình sẽ lớn hơn nhiều lần chúng ta đang nghĩ.
****
Có một lần, tôi về nhà và thấy Chíp, cô con gái vừa lên 5 của tôi đang cầm bịch sữa. Đó là một ngày nhiều áp lực. Dự án mà tôi phụ trách gặp trục trặc, con đường từ công ty về nhà có quá nhiều đoạn kẹt xe, và, trời mưa như trút nước. Tôi mở cửa, vừa lúc Chíp đổ sữa ra chiếc ly nhỏ và không may, sữa tung tóe khắp sàn nhà. “Tại sao con bé không hút sữa như bình thường mà lại đổ ra li để chơi?”, tôi chỉ nghĩ được chừng đó, và thay vì hỏi lí do, tôi lao vào đánh rất mạnh vào tay con bé. Chíp đứng sững nhìn mẹ, ngay sau đó, con khóc. Điều khiến tôi hối hận nhất là với cánh tay còn in hằn 5 dấu tay đỏ choét đó, con đã ôm lấy tôi, xin lỗi liên tục và bảo con yêu mẹ lắm. Sau vài phút định thần, tôi nhớ lại khoảnh khắc đó và nhận ra, mình không đánh con vì đổ sữa mà vì cảm thấy cần xả những năng lượng xấu đang ngùn ngụt trong người. Tôi càng ân hận hơn vì sau đó con bảo, sở dĩ con phải đổ sữa ra li là vì em trai đã lấy mất chiếc ông hút để chơi rồi.
Tôi thử khảo sát nhiều bạn bè và nhận thấy, không ít cha mẹ phạt con là lúc tức giận, bực bội vì một chuyện gì khác không liên quan đến con. Những muộn phiền ở cơ quan, những mâu thuẫn vợ chồng, bạn bè... tất cả những thứ đó thường được các ông bố bà mẹ mang về nhà và không đâu dễ bằng việc trút giận lên những đứa con bởi chúng không thể chống đỡ, không thể nói lại.
Khi xả sự tức giận không đúng chỗ, bố mẹ đã vô tình làm ảnh hưởng đến sự phát triển cảm xúc của trẻ. Nếu tình trạng này kéo dài, sau này trẻ sẽ trở thành người nhút nhát, ngại tiếp xúc, không mạnh dạn và thiếu tính sáng tạo trong học tập.
Chưa kể, dù ấm ức vì bị trút giận nhưng sau đó, con cái lại bắt chước và hành xử giống cha mẹ. Đó là do cơ chế tạo phản ứng dây chuyền lây lan và bù trừ cho những tổn thương tình cảm ở bản thân; ban đầu trẻ phản ứng để giải tỏa những bực bội, oan ức… nhưng lâu dần sẽ hình thành ở trẻ những nét tính cách thô lỗ cộc cằn, dễ gây hấn. Với thói quen cư xử nóng tính, thiếu kiềm chế, trẻ sẽ gặp khó khăn trong quan hệ với bạn bè và những người xung quanh.
Người ta thường bảo, dù ngoài kia giông gió thì gia đình luôn là nơi trú ẩn bình an. Vậy thì tại sao chúng ta lại đem mây đen về gây bão tố cho tổ ấm của mình? Dù mệt mỏi, dù áp lực, trước khi bước vào nhà, hãy dừng lại nơi cánh cửa, hít thở nhiều lần thật sâu, sau đó mở cửa và nở một nụ cười thật tươi. Nếu có thể, hãy ôm con ngay khi trở về nhà bởi việc dang tay và mở lòng sẽ khiến bạn nhận ra, con cái là nguồn sức mạnh chứ không phải là nơi để mình trút giận. Hãy luôn tâm niệm, trong ngôi nhà ấy luôn là những người chúng ta muốn gìn giữ và trân quý.