Khi bị sảy thai liên tiếp, các cặp vợ chồng nên cùng nhau đến cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám
Khác với chị T. chị Phạm Thị H. ở Bắc Ninh từng sinh con đầu lòng thuận lợi. Tuy nhiên, khi muốn sinh con thứ 2 thì chị bị sảy thai liên tiếp. Gần đây, khi được bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ thì chị mới biết nguyên nhân là do chị bị đột biến gen. Hành trình tìm kiếm cơ hội sinh thêm con của chị H. vẫn còn nhiều vất vả song chị vẫn không muốn từ bỏ.
Theo PGS.TS.BS Hồ Sỹ Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản – BV Phụ sản Trung ương, sảy thai là tình trạng thai nhi ngừng phát triển, thai lưu, thai ra ngoài tử cung trước 22 tuần. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp bị sảy thai diễn ra trong vòng 12 tuần đầu tiên của thai kỳ. Sảy thai liên tiếp là tình trạng phụ nữ bị sảy thai tự nhiên từ hai lần trở lên. Cứ mỗi lần sảy thai thì nguy cơ người mẹ bị sảy ở các lần mang thai tiếp theo sẽ lại tăng lên.
80 - 85% các trường hợp sảy thai là do bất thường về nhiễm sắc thể hoặc bất thường về gen. Bất thường về nhiễm sắc thể thì có thể phát hiện được thông qua các xét nghiệm tuy nhiên bất thường về gen thì không phải trường hợp nào cũng tìm ra. Còn lại, khoảng 10 - 15% là do người mẹ có những bất thường ở tử cung hoặc rối loạn nội tiết làm cho thai nhi không được hỗ trợ một cách tốt nhất và dẫn đến sảy thai. Bên cạnh đó, với sự phát triển của kỹ thuật sinh học phân tử, hiện nay, người ta còn phát hiện ra các nguyên nhân dẫn tới sảy thai liên tiếp là do rối loạn miễn dịch, đột biến gen ở người mẹ.
Bác sĩ Hồ Sỹ Hùng cũng cho biết, những trường hợp có bất thường ở tử cung hay bị rối loạn nội tiết, thiếu hụt nội tiết đều có thể điều trị được và giúp phụ nữ mang thai an toàn ở những lần sau.
“Sau khi bị sảy thai, các cặp vợ chồng nên đến các bệnh viện chuyên khoa và ở các cơ sở y tế đó đều có phác đồ từ những cái thăm dò rất đơn giản để xem người mẹ hay người bố có mắc những bệnh lý làm ảnh hưởng đến sự phát triển của phôi thai hay không; đánh giá tử cung, buồng trứng của người vợ như thế nào, có bị thiếu hụt nội tiết tố không, có mắc các bệnh lý nhiễm trùng như viêm gan hay giang mai không…Sau đó các bác sĩ sẽ tiến hành điều trị. Ví dụ như người vợ có khối u ở tử cung thì phẫu thuật cắt bỏ khối u, thiếu hụt hormone thì được bổ sung nội tiết tố…” – BS Hồ Sỹ Hùng nói.
Hiện có nhiều quan điểm về thời điểm nên mang thai trở lại sau khi sảy thai. Một số người cho rằng tốt nhất là nên đợi từ 3 – 6 tháng, sau khi tử cung hồi phục hoàn toàn, nhất là với những trường hợp phải dùng thủ thuật để đình chỉ thai nghén. Tuy nhiên, theo PGS-TS-BS Hồ Sỹ Hùng, chỉ cần trong vòng 1 tháng, sau khi tử cung ổn định là người phụ nữ có thể mang thai lại.
“Việc chờ đợi từ 3 đến 6 tháng thực ra nó làm kéo dài thời gian chờ đợi của bệnh nhân. Bởi chưa chắc cặp vợ chồng đã đậu thai ngay. Mặt khác, không có sự khác biệt về nguy cơ sảy thai đối với những trường hợp có thai lại ngay sau 1 tháng hay chờ đợi sau 3 tháng, 6 tháng. Cho nên theo tôi, 1 tháng sau khi sảy thai là người phụ nữ có thể mang thai trở lại” – BS Hùng giải thích.
Để tránh nguy cơ bị sảy thai ở lần tiếp theo, người mẹ nên chú ý giữ gìn sức khỏe thật tốt, giữ cho tinh thần thật thoải mái. Bởi yếu tố tâm lý cũng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình mang thai. Trường hợp bị sảy thai nhiều lần cũng không nên quá bi quan. Bởi hiện nay, các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã có nhiều bước tiến mới, giúp gia tăng tỷ lệ thành công trong điều trị vô sinh, hiếm muộn.