Số người chết do tai nạn giao thông tiếp tục tăng ngày 4 Tết

Trong ngày 19/2 (tức ngày 4 Tết Mậu Tuất), toàn quốc xảy ra 29 vụ tai nạn giao thông, làm chết 24 người, bị thương 37 người.

Theo Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an, về tình hình tai nạn giao thông ngày 19/2 (tức ngày 4 Tết Mậu Tuất), toàn quốc xảy ra 29 vụ tai nạn giao thông, làm chết 24 người, bị thương 37 người. Trong đó: Đường bộ xảy ra 28 vụ, làm chết 23 người, bị thương 37 người. Đường sắt xảy ra 01 vụ, làm chết 01 người. Đường thủy, không xảy ra.

Kết quả tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, lực lượng CSGT đường bộ của Cục và địa phương đã kiểm tra, xử lý 2.614 trường hợp vi phạm TTATGT; phạt tiền 1 tỷ 409 triệu đồng; tạm giữ 20 xe ô tô, 349 xe mô tô; tước 88 GPLX các loại.

Lực lượng CSGT đường thủy của Cục và địa phương đã kiểm tra, xử lý 125 trường hợp vi phạm TTATGT; phạt tiền 96 triệu đồng.

Bệnh nhân cấp cứu tăng nhanh dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất

Từ 29 tháng Chạp đến ngày 3 Tết Nguyên đán Mậu Tuất (tức 14 – 18/2/2018), số lượng bệnh nhân cấp cứu và nhập viện tăng nhanh tại các bệnh viện Trung ương trên địa bàn Hà Nội.

Tại khoa Cấp cứu, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân nặng cấp cứu tăng mạnh so với ngày thường, các ca bệnh chủ yếu do hô hấp, tai biến, sốc nhiễm khuẩn, đột quỵ, xuất huyết tiêu hóa do liên quan đến rượu, suy gan thận cấp; các ca ngộ độc do thực phẩm, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, sốc do ma túy và ngộ độc rượu là bệnh nhân trẻ trong độ tuối lao động, nhiều trường hợp phải xin về vì tiên lượng sẽ tử vong...

Bệnh nhân cấp cứu tại BV Bạch Mai. 

Thống kê 5 ngày trên, khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận cấp cứu gần 400 ca bệnh trong tình trạng rất nặng. Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu điều trị 26 trường hợp ngộ độc liên quan đến rượu, thực phẩm không đảm bảo gây nhiễm khuẩn, ma túy tổng hợp.

Tại BV Việt Đức, số bệnh nhân cấp cứu cũng không ngừng tăng khiến cho các bác sĩ rất vất vả.

Trước tình hình TNGT diễn biến rất phức tạp trong những ngày nghỉ Tết Mậu Tuất 2018, số vụ TNGT và số người chết do TNGT đều tăng so với cùng kỳ nghỉ Tết năm 2017, ngày 18/02, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có công điện yêu cầu các Bộ, ngành và Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác bảo đảm TTATGT trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa Lễ hội xuân 2018.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tai nạn giao thông là do các hành vi vi phạm quy định về TTATGT khi tham gia giao thông như: lái xe sau khi đã uống rượu bia, vi phạm tốc độ, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy; vượt đèn đỏ; chở quá số người quy định; các vụ TNGT phần lớn liên quan đến người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy; TNGT chủ yếu xảy ra tại khu vực nông thôn, ngoài đô thị...

Do đó, để tiếp tục bảo đảm TTATGT trong các ngày cao điểm còn lại của Tết Nguyên đán Mậu Tuất và các Lễ hội đầu xuân 2018, lực lượng Cảnh sát giao thông cần huy động tối đa lực lượng, phối hợp với các lực lượng Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động, Công an xã và lực lượng thanh tra giao thông đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm khắc, triệt để các hành vi vi phạm TTATGT như vi phạm quy định về nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định, tăng giá vé sai quy định. Đồng thời cần tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, huyện, đường giao thông nông thôn.

Bố trí lực lượng, bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn cho nhân dân trở về thành phố khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán; đặc biệt là các tuyến giao thông hướng về Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các khu vực giao thông trọng điểm phức tạp như cảng hàng không, nhà ga, bến xe; xử lý điều tiết, khắc phục kịp thời khi có sự cố, TNGT, không để ùn tắc giao thông kéo dài. Ngành Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động vận tải đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và đường hàng không; ứng trực 24/7 để kịp thời xử lý những phản ánh của người dân về vi phạm trật tự an toàn giao thông, tình hình ùn tắc giao thông qua đường dây nóng; yêu cầu các trạm thu phí khi có phương tiện ùn tắc dài hơn 700 m phải xả trạm cho phương tiện lưu thông.

Các cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương, đặc biệt là các đài truyền hình, phát thanh, hệ thống truyền thanh cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức an toàn giao thông, thực hiện các quy định pháp luật về giao thông, trong đó nhấn mạnh tuyệt đối tuân thủ quy định: đã uống rượu bia thì không lái xe; không phóng nhanh vượt ẩu; không chở quá số người quy định; đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; thu đúng giá vé; sử dụng dụng cụ cứu sinh khi đi phương tiện thuỷ nội địa; chú ý quan sát an toàn khi vượt qua đường ngang đường sắt. Đồng thời tăng cường các biện pháp bảo đảm TTATGT, tổ chức, hướng dẫn giao thông thuận tiện, an toàn tại khu vực tổ chức các Lễ hội xuân 2018 có quy mô lớn, đông du khách tham dự.

Thống kê của Bộ Y tế ngày 19/2 cho thấy, có gần 7.000 ca khám, cấp cứu do tai nạn giao thông. Tổng số trường hợp tử vong do tai nạn giao thông (bao gồm cả tử vong trước khi đến bệnh viện) là 33 trường hợp, tăng 45,5% so với 18 ca cùng ngày Tết Đinh Dậu năm 2017.​

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU