Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là ba trong số các quốc gia có nền ẩm thực và văn hóa lớn ở châu Á. Dù đều sử dụng đũa, nhưng đũa tại mỗi quốc gia lại có hình dáng, công dụng và ý nghĩa văn hóa khác nhau.
Lịch sử ban đầu
Đũa có một lịch sử lâu đời ở châu Á. Chúng được cho là đã xuất hiện từ cách đây hơn 5000 năm. Có nguồn gốc từ Trung Quốc, đũa bắt đầu lan sang Nhật Bản và Hàn Quốc vào năm 500 sau Công nguyên.
Vào thời cổ đại, đũa được làm từ cây hoặc tre. Ban đầu, chúng được sử dụng để lấy thức ăn nấu trong nồi. Vì thiếu nhiên liệu đốt, thực phẩm thường được cắt thành những phần rất nhỏ trước khi nấu chín và do đó, đũa trở thành một công cụ thuận tiện cho người sử dụng.
Đũa Trung Quốc
Người Trung Quốc là những người đầu tiên phát minh ra đũa cách đây hơn 5000 năm. Ban đầu, chúng được coi như "những ngón tay nối dài" không sợ lạnh hay nóng. Đũa Trung Quốc dài và dày hơn so với đũa của Hàn Quốc và Nhật Bản.
Đũa Trung Quốc có thể được làm từ nhiều chất liệu khác nhau: tre, nhựa, gỗ, xương, kim loại, hoặc đôi khi thậm chí là ngọc bích, ngà voi hoặc bạc. Đũa dài khoảng 25 cm, hình chữ nhật, với các đầu cùn.
Việt Nam, Lào hay Thái Lan cũng sử dụng đũa, nhưng nhìn chung đũa tại đây khá giống với đũa của Trung Quốc.
Đũa Nhật Bản
Người Nhật đã phát triển các loại đũa đặc biệt. Họ có nhiều kiểu đũa được sử dụng cho các mục đích khác nhau, bao gồm sử dụng nấu ăn, ăn các bữa ăn đặc thù, gắp đồ ngọt và dùng trong tang lễ. Người Nhật sử dụng một số vật liệu để làm đũa của họ, trong đó gỗ và nhựa là những vật liệu chính được sử dụng ngày nay.
Tuy nhiên, đũa Nhật Bản cũng được làm bằng xương động vật, kim loại, và thậm chí cả ngà voi (những loại này thường được dành cho các sự kiện đặc biệt). Đũa Nhật Bản thường được làm tròn ở đầu và ngắn hơn các mẫu của Trung Quốc nhưng dài hơn các mẫu của Hàn Quốc. Chúng cũng có nhiều màu sắc và được thiết kế phức tạp hơn.
Thiết kế của đũa Nhật được cho là nhằm giúp người cầm đũa gỡ thịt cá thuận tiện hơn do người Nhật thường có thói quen ăn cá. Một số nguồn tin khác giải thích rằng, Nhật Bản thời xưa có rất ít gạo. Để sử dụng ít gạo hơn, người ta trộn lẫn các loại hạt khác khi nấu cơm. Điều này làm cho cơm ít dính hơn, trơn hơn và khó gắp bằng đũa hơn. Người Nhật sẽ đưa bát gần mặt hơn và dùng đũa và cơm vào miệng. Để thực hiện việc này, đũa ngắn sẽ thuận tiện hơn khi ăn. Đũa Nhật thuôn nhọn nhất ở đầu để có độ chính xác cao hơn khi gắp gạo.
Đũa Hàn Quốc
Đũa Hàn Quốc thường bằng thép không gỉ trong khi những loại đũa được sử dụng ở Nhật Bản và Trung Quốc được làm bằng vật liệu tự nhiên.
Thuở xưa, đũa bằng bạc nguyên chất được vua sử dụng bởi người xưa quan niệm rằng bạc sẽ đổi màu nếu có người tìm cách đầu độc trong thức ăn của nhà vua. Một lý do khác khiến người Hàn Quốc sử dụng kim loại để làm đũa là vì họ dùng thìa để ăn cơm.
Một cách giải thích khác cho rằng trước đây Hàn Quốc có rất hiếm thịt. Người ta nấu canh nóng với một lượng nhỏ thịt đã được cắt thành từng miếng vừa ăn, và sau đó chia canh thành từng bát cỡ nhỏ cho từng người. Thìa dùng để múc canh và cơm, đũa dùng để gắp các món ăn kèm cũng được dọn ra đĩa nhỏ. Hình dạng vuông và phẳng giúp gắp thức ăn mỏng dễ dàng hơn. Nó cũng ngăn không cho đũa lăn đi, rơi khỏi bàn và thất lạc. Vì đũa được sử dụng như đồ dùng phụ nên không cần quá dài hay quá ngắn.
Các thành phần cơ bản của bữa ăn Hàn Quốc bao gồm:
Cơm, Súp, Món ăn kèm - bất kỳ món phụ nào có thể ăn với cơm.
Cơm luôn ở bên trái, canh luôn ở bên phải. Một lý do giải thích cho điều này là vì phần lớn người Hàn Quốc thuận tay phải nên việc để súp gần với tay sẽ giúp nước canh đỡ bị rớt ra ngoài.
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/su-khac-biet-giua-dua-nhat-dua-trung-va-dua-han-co-the-ban-da-biet-nhung-chua-biet-ro-161211304071454775.htm
Theo ttvn.vn